Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC Hương Trần Kiều Dung bị bắt

Bà Hương Trần Kiều Dung, 44 tuổi, Phó chủ tịch thường trực HĐQT tập đoàn FLC, bị bắt với cáo buộc thao túng và che giấu thông tin chứng khoán.

Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC Hương Trần Kiều Dung bị bắt

Bà Hương Trần Kiều Dung. Ảnh: FLC

Ngày 8/4, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết bà Dung và Nguyễn Quỳnh Anh (Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán BOS) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) khởi tố, tạm giam để điều tra về tội Thao túng thị trường chứng khoán, theo Điều 211 Bộ luật Hình sự.

Ngoài chức danh ở FLC, bà Dung còn là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán BOS. Bà Dung và Quỳnh Anh bị cáo buộc giữ vai trò đồng phạm giúp sức cựu chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi phạm tội.

Bà Dung là Tiến sĩ Luật Quy hoạch Xây dựng tại Đại học Tổng hợp Montesquieu Bordeaux IV, Pháp. Bà từng là luật sư chính của Công ty Luật TNHH SMiC (tiền thân của Tập đoàn FLC), sau đó được bổ nhiệm vào các vị trí quản lý cấp cao tại FLC như Trưởng ban Pháp chế và Phát triển dự án, Phó tổng giám đốc, Tổng giám đốc. Bà thôi chức Tổng giám đốc vào cuối tháng 3/2020.

Ngày 6/4, bà Dung bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phạt hành chính 70 triệu đồng vì cùng lúc là thành viên Hội đồng quản trị 7 công ty. Trong khi đó, theo quy định của Luật Chứng khoán, thành viên Hội đồng quản trị của một công ty đại chúng không được đồng thời giữ chức này tại quá 5 công ty khác.

Hành vi Thao túng thị trường chứng khoán cũng là tội danh nhà chức trách cáo buộc với Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng hai em gái Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huệ . C01 cho rằng những người này đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo cơ quan điều tra, từ ngày 1/12/2021 đến 10/1, ông Quyết đã chỉ đạo các cá nhân điều hành Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để liên tục mua, bán chứng khoán với tần suất cao, tạo ra cung cầu giả.

Khi giá được đẩy lên giá “trần”, chủ tịch Quyết chỉ đạo người thân đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu với giá 22.586/cổ phiếu. Tuy nhiên, ông Quyết lại không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán. Tổng số tiền ông Quyết thu về sau khi bán chui cổ phiếu là 1.689 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính hơn 530 tỷ đồng, nhà chức trách cáo buộc.

Sau những sai phạm trên, ngày 31/3, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đánh giá Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhiệm kỳ 2015-2020 có nhiều vi phạm trong quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán để một số cá nhân thao túng thị trường.

Theo Phạm Dự/VnExpress

Đọc thêm

Bắt 7 đối tượng thu tiền 'bảo kê' bán đào Tết

Bắt 7 đối tượng thu tiền 'bảo kê' bán đào Tết

Ngày 26/1, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết đã phối hợp với Công an các huyện Quảng Xương, Triệu Sơn đấu tranh, triệt phá và bắt giữ 7 đối tượng cưỡng đoạt tài sản dưới hình thức bảo kê bán đào Tết.
Đảm bảo ANTT, ATGT để người dân vui xuân, đón Tết an toàn

Đảm bảo ANTT, ATGT để người dân vui xuân, đón Tết an toàn

Trước tình hình an ninh trật tự và ATGT dịp tết Nguyên đán cùng các lễ hội xuân 2025 tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, Công an Hà Tĩnh đã chủ động xây dựng và triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm đảm bảo người dân đón Tết an toàn, vui tươi và bình yên.
Đồng tình mức phạt mới, người dân mong "đèn đỏ" đừng làm khó người đi đường

Đồng tình mức phạt mới, người dân mong "đèn đỏ" đừng làm khó người đi đường

Từ 1/1/2025, mức phạt lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ) theo quy định của Nghị định 168/2024/NĐ-CP sẽ tăng lên gấp từ 3-6 lần so với trước. Đồng tình với mức phạt mới, người dân Hà Tĩnh cũng mong hệ thống đèn đỏ phải chuẩn chỉnh để họ không bị bất ngờ, lỡ nhịp khi tham gia giao thông.