Phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em – vấn đề cấp bách

(Baohatinh.vn) - Những năm gần đây, ở Hà Tĩnh, tình hình tai nạn thương tích (TNTT) đang có xu hướng gia tăng và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ, trong đó đuối nước chiếm tỷ lệ cao nhất. PV Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Mai Hoa - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH về công tác phòng, chống TNTT cho trẻ em trên địa bàn tỉnh.

- Bà có thể cho biết tình hình TNTT trẻ em trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Hà Tĩnh hiện có 345.502 trẻ em, chiếm 28,12% dân số. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em bị TNTT đuối nước, tai nạn giao thông, bỏng, tắc đường thở, vật sắc nhọn đâm, điện giật, ngộ độc…, trong đó khoảng 85 em tử vong (đuối nước 30 em, tai nạn giao thông 25 em, còn lại do các nguyên nhân khác). Chỉ tính riêng từ đầu năm 2014 lại nay, đã có ít nhất 20 em tử vong do đuối nước. Và con số đó chưa hẳn đã dừng lại.

Phát động dạy bơi, học bơi hè 2014

- Nguyên nhân nào dẫn đến những con số đau lòng ấy, thưa bà?

Hà Tĩnh có địa hình phức tạp, độ dốc lớn, sông ngòi nhiều, thường bị lũ quét và ngập lụt tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNTT, nhất là đối với trẻ em. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là nhiều gia đình chưa quan tâm đúng mức công tác phòng, chống TNTT cho người dân nói chung, trẻ em nói riêng.

Trẻ em với bản tính hiếu động, thích khám phá, lại mạo hiểm trong các trò chơi cũng là nguyên nhân dẫn đến TNTT. Đặc biệt là sự thiếu ý thức của người lớn trong phòng, chống TNTT cho trẻ em cũng như trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng phòng, tránh, xử lý các tình huống TNTT. Việc tạo cho trẻ thói quen phòng, chống TNTT không được chú trọng, nhiều gia đình vẫn bất cẩn trong việc chăm sóc trẻ.

Sự phối hợp giữa gia đình, - nhà trường và xã hội có nơi chưa chặt chẽ. Việc quản lý, bảo vệ trẻ em trong các kỳ nghỉ hè, ngày lễ tết chưa tốt, chưa tạo được nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ. Các mô hình phòng, chống TNTT, dạy bơi... còn ít.

- Nhằm giảm thiểu TNTT đối với trẻ em, theo bà cần thực hiện những biện pháp gì?

Thứ nhất, các ngành, các cấp cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống TNTT nói chung và TNTT trẻ em nói riêng. Các mục tiêu phòng, chống TNTT trẻ em phải được cụ thể hóa trong chương trình, kế hoạch hàng năm của các ngành chức năng và ban ngành liên quan, trong phát triển KT-XH của các địa phương, đơn vị; thường xuyên kiểm tra, thanh tra; quan tâm theo dõi, giám sát, đánh giá tình hình TNTT trẻ em trên địa bàn.

Thứ hai, chú trọng truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức; tập huấn các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống TNTT trẻ em nhằm thay đổi thái độ, hành vi của trẻ, nhất là của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và của toàn xã hội. Trong đó, chú trọng phòng, chống tai nạn đuối nước, TNGT.

Thứ ba, tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình an toàn phòng, chống TNTT trẻ em: “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”… Đặc biệt, mở các câu lạc bộ dạy bơi; các lớp huấn luyện kỹ năng bơi lội cho cán bộ, ĐVTN và thiếu niên, nhi đồng. Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí an toàn, lành mạnh cho trẻ em.

Thứ tư, xã hội hóa công tác phòng, chống TNTT trẻ em; cải tạo môi trường sống trên các phương diện có thể gây ra TNTT cho trẻ. Cha mẹ, gia đình và người chăm sóc trẻ cần quan tâm giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ; quản lý, giám sát trẻ một cách tốt nhất.

Thứ năm, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phòng chống TNTT trẻ em trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2014-2015; đẩy mạnh việc phối hợp liên ngành, triển khai đồng bộ công tác phòng, chống đuối nước trẻ em tại địa phương, đơn vị.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói