Phòng học trực tuyến cho con em dân tộc Chứt nơi bản Rào Tre

(Baohatinh.vn) - Tại phòng học trực tuyến này, cán bộ của tổ công tác Rào Tre - Đồn Biên phòng Bản Giàng (BĐBP Hà Tĩnh) đã kèm cặp, giúp các em học sinh người dân tộc Chứt nắm và tiếp thu tốt kiến thức mà thầy cô giáo truyền đạt.

Phòng học trực tuyến cho con em dân tộc Chứt nơi bản Rào Tre

Phòng học trực tuyến rộng hơn 20m2, được trang bị đầy đủ các thiết bị như: bàn ghế, máy tính, điện thoại, mạng internet… Ảnh: Cô giáo Trần Thị Lê Na – giáo viên Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông dân tộc nội trú Hà Tĩnh hướng dẫn học sinh dân tộc Chứt học trực tuyến trên máy tính.

Năm học 2021 – 2022, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông dân tộc nội trú Hà Tĩnh đã chuyển đổi phương thức giảng dạy từ trực tiếp sang trực tuyến nên 14 em học sinh người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre (xã Hương Liên, Hương Khê) không thể đến trường, chỉ ở nhà học tập qua mạng.

Vì điều kiện kinh tế gia đình của các em còn gặp nhiều khó khăn nên việc mua sắm, lắp đặt, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, vật chất phục vụ cho việc học tập trực tuyến không thể thực hiện được. Cùng với đó, do ở vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện để tiếp xúc với sản phẩm công nghệ thông tin nên việc thao tác sử dụng các phương tiện học tập, phần mềm học trực tuyến… gặp nhiều khó khăn.

Phòng học trực tuyến cho con em dân tộc Chứt nơi bản Rào Tre

Cán bộ Tổ công tác Rào Tre dán nội quy lớp học và hướng dẫn sử dụng phần mềm Zoom cho học sinh

Trước những khó khăn này, Đồn Biên phòng Bản Giàng (BĐBP Hà Tĩnh) đã lập phòng học trực tuyến rộng khoảng 20 m2 ngay tại Tổ công tác bản Rào Tre với đầy đủ các thiết bị như: bàn ghế, máy tính, điện thoại, mạng internet… tạo điều kiện tốt nhất cho các em học tập.

Trung tá Nguyễn Văn Thiên - cán bộ Tổ công tác Rào Tre, phụ trách lớp học trực tuyến cho biết: “Để duy trì phòng học và giúp các em học tập tốt nhất, chúng tôi thường xuyên cắt cử cán bộ trực tại phòng học để hỗ trợ, kèm cặp các em, đảm bảo tính nghiêm túc trong giờ học. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với nhà trường, giáo viên bộ môn, hằng ngày tranh thủ thời gian rãnh rỗi, hỗ trợ thêm kiến thức văn hóa, kỹ năng sử dụng các phần mềm liên quan, mạng Internet… để các em ngày càng nắm bắt các kiến thức tốt hơn”.

Phòng học trực tuyến cho con em dân tộc Chứt nơi bản Rào Tre

Trung tá Nguyễn Văn Thiên hỗ trợ các em học trực tuyến

Cô giáo Trần Thị Lê Na – giáo viên Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông dân tộc nội trú Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi thường xuyên thay nhau, vượt hàng chục km để vào bản, phối hợp với Tổ công tác Rào Tre, chỉ bảo, giúp đỡ các em học sinh trong việc học trực tuyến.

Sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, sự quan tâm của các anh bộ đội biên phòng giúp chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ, các em học sinh theo kịp chương trình giảng dạy mà nhà trường đề ra…”.

Phòng học trực tuyến cho con em dân tộc Chứt nơi bản Rào Tre

Cô giáo Trần Thị Lê Na hướng dẫn các em hoàn thành bài học, nộp kết quả cho giáo viên qua điện thoại thông minh.

Em Hồ Tiến Kiệm – một trong 4 con nuôi Đồn Biên phòng Bản Giàng hiện đang học lớp 7, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông dân tộc nội trú Hà Tĩnh chia sẻ: “Gia đình không có điều kiện mua máy tính, điện thoại, nên được các bố bộ đội biên phòng chăm lo cho ăn học như thế này, em rất cảm động…”.

Bản Rào Tre hiện có 44 hộ là người dân tộc Chứt sinh sống với 157 nhân khẩu, có 39 học sinh đang học ở các cấp học. Những năm qua, để giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt khó khăn, thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” của Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam, Đồn Biên phòng Bản Giàng đã nhận nuôi 4 em là người dân tộc Chứt, hỗ trợ "Nâng bước em tới trường" 3 em học sinh cũng là người dân tộc Chứt với số tiền mỗi tháng 500 ngàn đồng/1 em.

Bên cạnh đó, trong các dịp lễ, tết và khai giảng năm học mới, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Bản Giàng cũng thường xuyên tặng quà, mua sắm sách vở, quần áo, xe đạp… để hỗ trợ, động viên các em đến trường.

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Đề án 06 - cuộc cách mạng chuyển đổi số

Đề án 06 - cuộc cách mạng chuyển đổi số

Sau 3 năm thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những địa phương có cách làm hay, ghi dấu ấn, tạo tiền đề quan trọng trong cuộc cách mạng chuyển đổi số.
Có một Trường Sa trù phú giữa trùng khơi!

Có một Trường Sa trù phú giữa trùng khơi!

Vượt hơn 200 hải lý, niềm mơ ước trong tôi về một lần được đặt chân đến quần đảo Trường Sa đã trở thành hiện thực. Trong tầm mắt tôi và các đồng nghiệp, hình ảnh một Trường Sa thân thương và căng tràn sức sống, hiên ngang giữa trùng khơi đã xua tan những mệt mỏi sau một hành trình dài lênh đênh trên biển cả.
Công an tỉnh Bolikhămxay chúc Tết Công an Hà Tĩnh

Công an tỉnh Bolikhămxay chúc Tết Công an Hà Tĩnh

Nhân dịp đón Tết cổ truyền của Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Công an tỉnh Bolikhămxay (CHDCND Lào), Đại tá Khên Von Lo Văn Xay - Phó Giám đốc Công an tỉnh gửi đến cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Tĩnh lời chúc năm mới an khang, thịnh vượng.
Xuân biên cương ấm tình quân dân

Xuân biên cương ấm tình quân dân

Những người lính quân hàm xanh trên hai tuyến biên giới đang có nhiều hoạt động ý nghĩa, trách nhiệm hướng về Nhân dân khu vực biên giới để Tết cổ truyền nơi đây ấm áp, thắm đượm tình quân dân.