Việt Nam
Trung thu là giữa mùa thu, Tết Trung Thu như tên gọi đến với chúng ta vào đúng giữa mùa thu tức là vào rằm (ngày 15) tháng Tám âm lịch.
Tết Trung Thu tại Việt Nam không biết có tự bao giờ, không có sử liệu nào nói rõ về gốc tích của ngày lễ rằm tháng Tám. Nhiều người cho rằng đây là một nét văn hóa du nhập từ Trung Quốc trong thời gian Việt Nam bị phương Bắc đô hộ. Nhà văn Toan Ánh trong quyển “Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam Quyển Hạ” cho rằng: Theo sách cổ thì Tết Trung Thu bắt đầu từ đời nhà Ðường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh.
Tết Trung Thu ở miền Bắc còn có tục hát trống quân. Ðôi bên nam nữ vừa hát đối đáp với nhau, vừa đánh nhịp vào một sợi dây gai hoặc dây thép căng trên một chiếc thùng rỗng, bật ra những tiếng “thình thùng thình” làm nhịp cho câu hát. Những câu hát vận (hát theo vần, theo ý) hoặc hát đố có khi có sẵn, có khi lúc hát mới ứng khẩu đặt ra.
Cuộc đối đáp trong những buổi hát trống quân rất vui và nhiều khi gay go vì những câu đố hiểm hóc. Trai gái dùng điệu hát trống quân để hát trong những đêm trăng rằm, nhất là vào rằm tháng tám. Trai gái hát đối đáp với nhau vừa để vui chơi vừa để kén chọn bạn trăm năm. Người ta dùng những bài thơ làm theo thể thơ lục bát hay lục bát biến thể để hát.
Tục hát trống quân, theo truyền thuyết, có từ thời vua Lạc Long Quân đời Hồng Bàng. Tết Trung Thu của người Hoa không có phong tục này.
Trong ngày Tết Trung Thu người ta bày cỗ với bánh trái hình mặt trăng, treo đèn kết hoa, nhảy múa ca hát, múa lân rất tưng bừng. Nhiều nơi có những cuộc thi cỗ, thi làm bánh của các bà các cô. Trẻ em có những cuộc rước đèn và nhiều nơi có mở cuộc thi đèn. Nhiều gia đình bày cỗ riêng cho trẻ em và trong mâm cỗ xưa thường có ông tiến sĩ giấy đặt ở nơi cao đẹp nhất, xung quanh là bánh trái hoa quả. Sau khi chơi cỗ trông trăng, các em cùng nhau phá cỗ, tức là ăn mâm cỗ lúc đã khuya.
Hàn Quốc
Chuseok là một trong ba dịp lễ chính của Hàn Quốc, cùng với Seollal (Ngày đầu năm mới) và Dano (ngày mùng 5, tháng 5 âm lịch) và cũng được biết đến với tên Hangawi. Han có nghĩa là “lớn” và gawi có nghĩa là “ngày rằm Tháng 8/ Mùa thu” (ngày 15 tháng 8 âm lịch là khi trăng tròn vụ mùa xuất hiện).
Hangawi/Chuseok là ngày mà người Hàn Quốc, người nông dân xuyên suốt các thời kỳ lịch sử tạ ơn tổ tiên vì một mùa màng bội thu trong năm và chia sẻ sự sung túc của họ với gia đình và bạn bè.
Khác với Việt Nam, tại Hàn Quốc người dân sử dụng bánh gạo là món bánh được ăn trong lễ trung thu. Songpyeon là một trong những món ăn đặc trưng của ngày lễ Chuseok.
Món bánh gạo này được làm từ bột gạo nhào đến kích cỡ nhỏ hơn chút ít quả bóng gôn và có nhân là hạt vừng, đậu, đâu đỏ, hạt dẻ, hoặc các nguyên liệu bổ dưỡng khác. Khi hấp songpyeon, bánh gạo được xếp lớp với lá thông để tạo thêm hương thơm quyến rũ của lá thông.
Trung Quốc
Thời cổ, hoàng đế Trung Quốc tế mặt trời vào ngày xuân phân, tế mặt đất vào ngày hạ chí, tế mặt trăng vào ngày thu phân và tế trời vào ngày đông chí. Tục cúng trăng vào ngày trăng tròn giữa thu bắt nguồn từ thời nhà Chu, vốn là lệ của triều đình quý tộc, nhưng dần dần cũng mở rộng ra trong dân gian.
Ngày lễ rơi vào thời điểm chính giữa mùa thu, tượng trưng cho sự no ấm, đoàn viên. Trong ngày này, mặt trăng sẽ viên mãn nhất, do vậy, người Trung Quốc còn gọi Tết Trung thu là “Lễ hội mặt trăng”.Hội Trung thu khởi nguồn từ “Chu Lễ”, một nghi lễ thời Tây Chu vào khoảng 3.000 năm trước, tổ chức vào tháng Tám âm lịch, tháng thứ 2 của mùa thu nên gọi là “Trung Thu” người Trung Quốc bắt đầu kỷ niệm lễ hội Trung thu vào đầu thời nhà Đường (618-907), thời đại dồi dào, phong phú về vật chất và nền văn hóa nở rộ.
Họ thờ mặt trăng ở ngoài trời với rượu, hoa quả và đồ ăn nhẹ, bày tỏ lòng thành, cảm ơn về một mùa thu hoạch bội thu và cầu nguyện để thần mặt trăng mang lại may mắn.
Đền thờ thần Mặt trăng hay còn gọi Yuetan đặt ở Trung tâm thương mại của Bắc Kinh vào thời nhà Minh (1368-1644) và thời nhà Thanh (1644-1911)- những triều đại tôn thời mặt trăng.Lễ hội này là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của người Trung Quốc, sau Lễ hội mùa xuân hay là Tết Âm lịch.
Ngày 15/8 là ngày lễ truyền thống của Trung Quốc. Tiết Trung Thu, tiết Xuân, tiết Thanh Minh và tiết Đoan Ngọ được gọi chung là bốn đại lễ truyền thống của Hán tộc Trung Quốc. Trong màn múa rồng, sẽ có một nhóm người nâng hình nộm rồng-một linh vật tưởng tượng- trên những chiếc cột.
Các vũ công sẽ phối hợp hài hòa với nhau để thể hiện được những động tác uốn lượn, uyển chuyển của những chú rồng đầy uy lực. Màn múa rồng được xem là điểm nhấn trong các lễ hội tại Trung Quốc cũng như những khu phố người Hoa trên khắp thế giới. Con rồng với như uy quyền, trí tuệ được tin là sẽ mang tới may mắn, sự thịnh vượng cho con người.
Nhật Bản
Otsukimi, còn được gọi là Tsukimi, tiếng Nhật nghĩa đen là ngắm trăng. Lễ hội này được ra đời nhằm tôn vinh mặt trăng trong mùa thu .Otsukimi được diễn ra vào ngày 15 tháng thứ 8 trong âm lịch.
Tsukimi được biết đến như một lễ hội truyền thống của Nhật Bản nơi người ta ăn mừng mùa gặt. Tục lệ này ban đầu được tổ chức bởi nhũng quý tộc thời Heian, họ tập trung lại và tổ chức ngâm thơ dưới ánh trăng rằm vào Tháng 8 âm lịch, được biết đến như "Trăng giữa Thu".
Từ cổ xưa, người nhật miêu tả tháng 8 âm lịch (khoảng giữa tháng 9 theo lịch Gregorian) là thời khắc tuyệt vời nhất để ngắm trăng, bởi vị trí của Trái đất, Mặt Trời và Mặt trăng khiến cho trăng vô cùng sáng.
Vào những đêm trăng sáng, đã có một truyền thống được đặt ra, mọi người tụ tập tại nơi có thể nhìn rõ mặt trăng nhất, những cánh đồng cỏ ở Nhật, và dùng bánh gạo (được biết đến là Tsukimi dango), khoai môn, đậu ván, hạt dẻ và nhiều loại đồ ăn khác, thêm vào đó là rượu sake để dâng tặng cho mặt trăng vì một vụ mùa bội thu. Những món ăn đó được biết đến với tên gọi các món ăn Tsukum.
Do trong các món ăn đó có rất nhiều khoai lang và khoai môn nên ở nhiều nơi trên Nhật Bản, lễ hội này được biết đến với cái tên Imomeigetsu hay "Lễ hội khoai"
So với truyền thống tết trung thu tại Việt Nam và một số nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc thì lễ hội ngắm trăng của Nhật Bản có đôi chút khác biệt. Tại Nhật thì lễ hội ngắm trăng diễn ra 2 lần trong năm (thay đổi hàng năm tùy theo âm lịch). Một lần vào ngày trăng tròn giữa mùa thu gọi là JUGOYA, gắn với phong tục cổ truyền "Otsuki-mi" có nghĩa là ngắm trăng vào ngày rằm giữa mùa thu, kế đến là hội JUSANYA nhằm ngày 13 tháng 10.
Trẻ em Nhật Bản rước đèn cá chép trong các hội thưởng trăng. Đứa trẻ nào cũng có đèn cá chép kể từ khi lọt lòng mẹ vì cá chép tượng trưng cho lòng can đảm, nhất là đối với các em trai. Truyền thuyết cho rằng cá chép là hiện thân của võ sĩ SAMURAI vì nó dám lội ngược dòng thác nước. Theo truyền thống, để chuẩn bị cho đêm JUYOGA, mọi gia đình đều dùng cỏ bông bạc để cắm thay hoa trong nhà.
Bánh trung thu của Nhật khác hoàn toàn bánh trung thu Trung Quốc và Việt Nam ở chỗ không có trứng muối ở bên trong. Chính vì vậy, hầu hết người Nhật đều không biết có tồn tại một loại bánh trung thu như thế. Tuy Otsukimi có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng nó đã trở thành một phong tục tập quán rất riêng và rất đặc sắc của người Nhật.