Nếu bạn không hay chú ý đến ngày tháng, thì chỉ cần nhìn thấy những chùm hoa bưởi trắng muốt, tinh khôi, đang ngào ngạt đưa hương trong vườn nhà là có thể chắc chắn rằng tháng 3 đã về. Không kiêu sa, đài các như những loài hoa khác, hoa bưởi như người con gái mộc mạc, trong sáng, mang một nét duyên thầm làm say đắm lòng người.
Cùng với hoa bưởi, những bông hoa xoan màu trắng tím, cánh li ti cũng đua nhau khoe sắc trong cái nắng dìu dịu của tháng 3. Hoa xoan thường nở thành từng chùm lớn ở mỗi đầu cành, trông xa hệt như những đám mây nhỏ xinh, rực rỡ trên nền trời. Hương thơm của hoa không bay xa mà chỉ thoang thoảng, dịu nhẹ, len lỏi trong gió xuân.
“Bao giờ cho đến tháng ba/Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn”… Dân gian từ lâu đã xem hoa gạo như một tín hiệu của đất trời báo cho muôn loài biết về thời khắc chuyển mùa, kết thúc cái se se lạnh của mùa xuân để bước sang một mùa hạ của đơm hoa, kết trái. Hoa gạo còn có những tên gọi khác là hoa mộc miên, pơ-lang, cổ bối, ban chi hoa…
Những bông hoa trâm trắng nõn, chỉ bé bằng hạt gạo khoe sắc trước cổng một nhà dân ở thị trấn Nghi Xuân. Hoa trâm có mùi thơm ngọt, nở nhanh và tàn cũng nhanh, mỗi đợt chỉ kéo dài vài ngày nên không phải ai cũng có cơ hội được chiêm ngưỡng.
Những giọt sương mai e ấp trên những bông cúc vạn thọ trong một sáng tháng 3.
Tháng 3 về với sắc vàng trên giàn mướp của bà…
… cũng là sắc hồng trên những cánh hoa dâm bụt trồng ngay đầu ngõ mà hàng ngày mẹ vẫn luôn chăm chút.
Những bông hoa dại khoe sắc dọc hai bên đường làng.
Chú kỳ nhông “ngơ ngác” vì bị lạc trong “rừng” chua me đất…
Sắc tím lục bình trong độ rực rỡ nhất càng tô điểm thêm cho vẻ bình yên của một vùng làng quê ở Hà Tĩnh.