Cuộc chạy đua lên mặt trăng lần 2 đã bắt đầu

Sau Mỹ, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai cắm cờ lên vệ tinh của Trái Đất, ghi dấu cột mốc mới trong cuộc đua khám phá mặt trăng.

Đầu tháng 12/2020, truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này đã hạ cánh thành công tàu thăm dò Hằng Nga 5, cắm quốc kỳ lên bề mặt mặt trăng.

Đây là lần hạ cánh thành công thứ 3 của Trung Quốc trong vòng 7 năm qua. Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA) hiện có bảy tàu vũ trụ hoạt động trên mặt trăng hoặc trên quỹ đạo vệ tinh tự nhiên này.

Từng là nước yếu thế trong cuộc đua không gian, nhiều năm gần đây, nước này tăng cường phát triển các chương trình hàng không vũ trụ, không giấu tham vọng chinh phục các vùng lãnh thổ mới. Giống như Liên Xô và Mỹ trong chiến tranh Lạnh, Bắc Kinh sử dụng các sứ mệnh không gian như công cụ xây dựng ý thức hệ.

Ye Peijian, người đứng đầu chương trình mặt trăng của Trung Quốc so sánh vũ trụ là đại dương và mặt trăng, Hỏa tinh là những hòn đảo cần chinh phục, nếu không sẽ bị hậu duệ chê cười. Thực tế, chương trình thám hiểm “chị Hằng” của đất nước tỷ dân liên tục đạt được nhiều thành công, khiến các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ, phải e dè.

Cuộc chạy đua lên mặt trăng lần 2 đã bắt đầu

Từng là nước yếu thế trong cuộc đua không gian, Trung Quốc giờ đây là kẻ đối đầu lớn nhất với Mỹ trong cuộc đua không gian. Ảnh: The Daily Beast

Thêm nhiều "tay đua" mới

50 năm từ khi Apollo 11 hạ cánh xuống mặt trăng, Trung Quốc và các quốc gia khác cũng lên kế hoạch đổ bộ vệ tinh tự nhiên của Trái Đất, dự báo kỷ nguyên chinh phục vũ trụ mới sắp diễn ra.

Thế kỷ 21 chứng kiến tiến bộ về khoa học của nhiều quốc gia trong hàng không vũ trụ. Cuộc đua đến mặt trăng không còn là sân chơi nhỏ bé chỉ có hai quốc gia.

Không chỉ đơn thuần cạnh tranh giữa các cường quốc, lần đua này ghi nhận các yếu tố mới, kết hợp giữa địa chính trị, công nghệ và cả kinh tế khi có sự góp mặt của các công ty tư nhân.

Về phía Nga, cuối tháng 5/2020, Cơ quan Không gian Roscosmos cho biết trong năm 2020 sẽ thử nghiệm tên lửa đẩy mới và tiếp tục chương trình mặt trăng trong năm tới. Roscosmos tuyên bố sẵn sàng hợp tác với dự án xây dựng trạm mặt trăng của Trung Quốc.

Những “tay đua mới” như Israel và Ấn Độ cũng kịp gây ấn tượng bằng cách phát triển thành công các tàu đổ bộ hồi 2019. Dù gặp thất bại trong việc đáp xuống, đây vẫn là thành tựu đáng kinh ngạc của hai quốc gia châu Á.

Cuộc chạy đua lên mặt trăng lần 2 đã bắt đầu

NASA quyết định hợp tác với công ty tư nhân để tiết kiệm chi phí và phát triển năng lực chế tạo trong nước. Ảnh: Time

Các nước như Nhật, Pháp, Canada...vì không thể tự đưa dụng cụ nghiên cứu khoa học và phi hành gia lên mặt trăng, phải dựa vào hai cường quốc không gian Mỹ, Trung Quốc. Ngày 25/3/2019, Pháp và Trung Quốc ký hiệp định hợp tác không gian, dự trù đưa dụng cụ nghiên cứu khoa học của Pháp lên mặt trăng bằng tàu Hằng Nga.

Mỹ bắt đầu cuộc đua mặt trăng lần 2 muộn hơn so với các đối thủ khác. Từ năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh về vũ trụ. Theo đó, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cần tập trung vào việc đưa người quay lại mặt trăng. Tuy nhiên, mãi đến đầu 2019, dự án Artemis mới được hình thành, với mong muốn đưa người phụ nữ đầu tiên lên vệ tinh này.

Dự án cũng đặt mục tiêu xây dựng trạm vũ trụ mới tên gọi Gateway quay quanh quỹ đạo mặt trăng. Đây sẽ là điểm trung chuyển để các phi hành gia có thể đáp xuống bề mặt mặt trăng, thực hiện hoạt động nghiên cứu, thám hiểm khác.

Cuộc chạy đua lên mặt trăng lần 2 đã bắt đầu

Các mẫu tên lửa được sử dụng trong cuộc đua không gian mới. Ảnh: Time

Nhiều năm nay, chính phủ Mỹ đã giảm ngân sách cho các chương trình không gian, dự án Apollo dừng lại một phần cũng vì vấn đề tài chính. Để tái khởi động lại chương trình mặt trăng, nước này quyết định kết hợp với công ty tư nhân và các quốc gia khác.

Ngày 13/10, Mỹ, Australia, Canada, Italy, Nhật Bản, Luxembourg, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Anh ký thỏa thuận Artemis về các quy tắc khám phá mặt trăng. Lần hợp tác này cũng là cơ sở để các quốc gia khác phát triển nền móng xây dựng chương trình vũ trụ cho riêng mình.

NASA ký hợp đồng với ba công ty Blue Origin, Dynetics và SpaceX nhằm xây dựng hệ thống bãi đáp cho tàu vũ trụ trên mặt trăng với chi phí gần một tỷ USD. Thông qua kế hoạch này, Mỹ sẽ hoàn tất tham vọng đưa những nhà du hành vũ trụ trở lại mặt trăng vào năm 2024, đống thời lấy lại vị thế siêu cường trong công cuộc chinh phục không gian.

Mô hình hợp tác công - tư như trên cũng là điều kiện hoàn hảo để các công ty tư nhân như SpaceX phát triển. NASA tiết kiệm được chi phí, trong khi công ty tư nhân sẽ có điều kiện phát triển công nghệ và thu được lợi nhuận. SpaceX và Blue Origin cũng có những mục tiêu riêng cho kế hoạch hạ cánh tàu tư nhân lên mặt trăng trong tương lai gần.

mặt trăng còn cần thiết?

Qua 6 cuộc đổ bộ của Apollo và sau nhiều năm gác lại dự án thám hiểm mặt trăng, không ít ý kiến cho rằng đây là địa điểm đã cũ. Tuy nhiên, nếu dự án Apollo có mục đích chính trị, phần lớn quốc gia tham dự cuộc đua lần này còn hướng đến lợi ích kinh tế.

mặt trăng có trữ lượng khí helium và vô số tài nguyên như bạch kim, đất hiếm. Dù với công nghệ hiện tại, việc khai thác tài nguyên trên mặt trăng, vận chuyển về Trái Đất vẫn còn khó khả thi do chi phí lớn, trong tương lai, đây sẽ là khu mỏ dồi dào cho nhân loại.

Cuộc chạy đua lên mặt trăng lần 2 đã bắt đầu

mặt trăng giờ đây không chỉ là điểm đến cho mục tiêu chính trị mà còn là cả lợi ích kinh tế. Ảnh: Time

Với khoảng cách 385.000 km, nếu đặt trạm quan sát ở vùng tối vệ tinh tự nhiên này, các nhà khoa học có thể nhìn sâu hơn vào vũ trụ so với các kính viễn vọng hiện nay đặt tại Trái Đất. Môi trường mới cũng không bị ảnh hưởng bởi ánh sáng, nhiễu sóng vô tuyến truyền đi từ mặt đất.

Ngoài ra, đây còn có thể trở thành điểm huấn luyện cho các nhà du hành sống dài ngày trong không gian, thử nghiệm thiết bị như xe có người lái, xe hoạt động từ trạm cố định. Dự án “Làng mặt trăng” do Cơ quan vũ trụ Châu Âu (ESA) thảo luận trong Hội nghị khoa học không gian năm 2018 phần nào thể hiện ý muốn này.

Trên hết, việc xây dựng trạm dừng chân ở mặt trăng sẽ là bước tiến giúp con người chinh phục Hỏa tinh và nhiều địa điểm khác trong tương lai. Đây sẽ trở thành trạm tiếp tế nước, nhiên liệu tên lửa cho các tàu du hành, trước khi tiến vào không gian xa hơn.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast