Nâng cao chất lượng dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ tại vùng khó khăn

(Baohatinh.vn) - Chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền, vận động hỗ trợ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS)/KHHGĐ tại các vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao” là một trong những hoạt động quan trọng góp phần đẩy nhanh việc thực hiện chỉ tiêu về DS-KHHGĐ hàng năm của các địa phương. Từ đầu năm 2015, Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ đã ban hành văn bản giao chỉ tiêu, hướng dẫn triển khai cũng như tạm ứng kinh phí.

Kết quả khả quan

Đến thời điểm này, Hà Tĩnh vẫn đang loay hoay với mục tiêu giảm sinh. Vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao ở Hà Tĩnh đang chiếm tỷ lệ đáng kể. Do vậy, để chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền, vận động hỗ trợ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ tại các vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao” đạt hiệu quả cao, ngành Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ đã tham mưu UBND tỉnh bổ sung ngân sách và chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp vào cuộc thực chất.

Ông Nguyễn Huy Tú - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ cho biết: “Năm nay, chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ hỗ trợ 49 xã nhưng tỉnh tổ chức triển khai chiến dịch tại 100 xã, bố trí ngân sách cho 51 xã. Ngoài số xã do trung ương, tỉnh phân bổ, có 7/12 huyện triển khai thêm tại 43 xã, nâng tổng số xã thực hiện chiến dịch toàn tỉnh lên 143”.

Nâng cao chất lượng dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ tại vùng khó khăn ảnh 1

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản là góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Đợt I/2015 được triển khai với 2 gói dịch vụ, gồm KHHGĐ và phát hiện viêm nhiễm đường sinh sản. Đến nay, chiến dịch đã được triển khai hơn 1 tháng. Nhìn chung, các huyện, thành phố, thị xã đều vào cuộc tích cực. Các xã, phường đều thành lập BCĐ và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Công tác truyền thông được tăng cường. Hầu hết các xã đều tổ chức tuyên truyền trên loa truyền thanh; một số thôn xóm tổ chức nói chuyện chuyên đề, tư vấn nhóm, cộng tác viên phát tờ rơi đến từng nhà để vận động đối tượng; phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng xây dựng phóng sự, chuyên đề truyền thông về công tác DS-KHHGĐ…

Đặc biệt, chiến dịch đã mang đến các gói dịch vụ KHHGĐ và phát hiện viêm nhiễm đường sinh sản cho chị em trong độ tuổi sinh đẻ. Theo số liệu thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ, đến nay, chiến dịch đã thực hiện triệt sản 56 trường hợp; đặt vòng 4.366 trường hợp; tiêm thuốc tránh thai 1.126 trường hợp... Phương pháp dùng bao cao su và thuốc viên vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất (2.229 trường hợp dùng thuốc viên, đạt 111,5% kế hoạch năm và 3.746 trường hợp đăng ký dùng bao cao su, 116,9% kế hoạch năm); 12.991 trường hợp trong độ tuổi được khám viêm nhiễm đường sinh sản, trong đó, có 7.567 trường hợp phát hiện bệnh và được cấp thuốc.

Chấn chỉnh để nâng cao hiệu quả chiến dịch

Chiến dịch đợt I/2015 đã mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số địa phương, đơn vị chưa triển khai đúng tinh thần chỉ đạo như chưa bố trí bàn tư vấn, cung cấp các biện pháp tránh thai phi lâm sàng cho đối tượng (Hương Trạch - Hương Khê, Kỳ Văn - Kỳ Anh); không phát bài tuyên truyền, băng đĩa truyền thông về DS-KHHGĐ trong ngày diễn ra chiến dịch (Cẩm Hà - Cẩm Xuyên, Kỳ Văn); các huyện có văn bản giao chỉ tiêu 2 gói dịch vụ nhưng không phân bổ kinh phí; một số địa bàn chưa cung cấp đủ dịch vụ…

Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nguyễn Huy Tú cho biết thêm: Để chiến dịch đạt hiệu quả cao, chi cục đã tổ chức đoàn giám sát đột xuất tại 8 xã. Từ kết quả giám sát, chi cục có công văn yêu cầu các địa phương, đơn vị chấn chỉnh, khắc phục hạn chế. Theo đó, trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện hướng dẫn kế hoạch triển khai chiến dịch, phân bổ chỉ tiêu 2 gói dịch vụ và kinh phí cho từng xã; tiếp tục làm tốt công tác truyền thông, tư vấn, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng đã có đủ số con nhưng chưa sử dụng biện pháp tránh thai. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ sở y tế đáp ứng đầy đủ, kịp thời các dịch vụ trong chiến dịch; hướng dẫn cán bộ dân số cấp xã phân công cộng tác viên, y tế thôn bản theo dõi các đối tượng mới thực hiện các biện pháp tránh thai lâm sàng, kịp thời tư vấn để giúp các đối tượng thực hiện an toàn, hiệu quả.

Trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện và Trung tâm MSI Hà Tĩnh thực hiện cung cấp các dịch vụ kỹ thuật trong chiến dịch theo ‘‘Hướng dẫn quốc gia các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ’’ do Bộ Y tế ban hành; theo hợp đồng trách nhiệm đã ký với trung tâm DS-KHHGĐ; đảm bảo các quy trình kỹ thuật, quy trình khống chế nhiễm khuẩn. Ban DS-KHHGĐ cấp xã tiếp tục chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách thôn xóm cùng với các cộng tác viên tuyên truyền, vận động đối tượng tham gia chiến dịch; huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể. Trạm y tế xã tiếp tục phối hợp với các thành viên ban dân số xã tổ chức các hoạt động chiến dịch; cử cán bộ tham gia việc cung cấp dịch vụ kỹ thuật, tư vấn, vận động đối tượng.

Chủ đề Dân số KHHGĐ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast