Cơ thể bị hủy hoại thế nào khi lạm dụng rượu bia?

(Baohatinh.vn) - Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh khuyến cáo, loạn thần do lạm dụng bia rượu đang gây ra nhiều hệ lụy nặng nề, đòi hỏi người nghiện rượu phải quyết tâm để hạn chế và từ bỏ bia rượu.

Vừa qua, Tòa án Nhân dân huyện Can Lộc xét xử vụ án gây rối trật tự công cộng đối với N.T.C. (SN 1985, quê quán xã Thượng Lộc). Trước đó, do đã sử dụng rượu nên trong khoảng thời gian từ 14 giờ đến 16h30 phút ngày 17/11/2023, N.T.C. đã có hành vi gây rối ở trụ sở UBND xã Thượng Lộc, không cho cán bộ, nhân viên của UBND xã và người dân đến liên hệ giải quyết công việc, làm mất an ninh trật tự và đình trệ đến hoạt động bình thường của UBND xã Thượng Lộc.

ruou 1A.jpg
Một bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu phải vào điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh.

Qua giám định pháp y của Phân viện Pháp y tâm thần Bắc miền Trung, N.T.C bị bệnh rối loạn loạn thần do sử dụng rượu theo phân loại Quốc tế lần thứ 10 năm 1992 (ICD 10), có mã bệnh là: F10.5.

Đây là một trong nhiều trường hợp bị rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu bia, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm mất an ninh trật tự xã hội. Những vụ tai nạn giao thông đau lòng, những vụ gây gỗ, đánh nhau, thậm chí là giết người... do sử dụng bia rượu ngày càng diễn ra phổ biến.

Theo cảnh báo, ngoài việc gây ra các bệnh về gan, tim mạch, phổi, dạ dày, tá tràng, gout… thì việc lạm dụng bia rượu còn ảnh hưởng lớn đến hệ thần kinh với nhiều biến chứng như: sảng run, mất ngủ hoàn toàn hay ngủ chập chờn, vật vã với nhiều ác mộng; luôn ở trong tình trạng lo âu, sợ hãi, căng thẳng; có các ảo giác, ảo thanh… dẫn đến dễ có các phản ứng, hành vi nguy hiểm cho người xung quanh.

Một người thường xuyên uống rượu, nghiện rượu, lạm dụng rượu sẽ dẫn tới bị suy giảm và rối loạn các chức năng hoạt động của não bộ, dẫn đến suy giảm trí nhớ, suy giảm trí tuệ, rối loạn tư duy, rối loạn cảm xúc và rối loạn hành vi tác phong.

Bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Bình – Khoa Cấp tính nam, Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: “Thời gian gần đây, mỗi ngày, chúng tôi tiếp nhận từ 2-3 bệnh nhân nhập viện điều trị do mắc các rối loạn tâm thần có liên quan đến rượu, bia. Các bệnh nhân đều nghiện rượu trong một thời gian dài, tình trạng nặng nên khi vào bệnh viện, chúng tôi vừa phải theo dõi sát sao các diễn biến, biểu hiện của bệnh nhân để điều trị bằng thuốc, vừa phải động viên tinh thần, hỗ trợ tâm lý”.

ruou 3A.jpg
Bác sỹ Khoa Cấp tính nam, Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh thăm khám cho một bệnh nhân bị loạn thần do nghiện rượu.

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh đã tiếp nhận trên 70 trường hợp bệnh nhân loạn thần do sử dụng bia rượu vào điều trị. Điển hình như trường hợp bệnh nhân H.V.L. (40 tuổi, huyện Lộc Hà). Do lạm dụng bia rượu trong một thời gian dài khiến ông L. thường xuyên rơi vào tình trạng mê sảng, rối loạn cảm xúc, ảo giác. Qua thăm khám của các bác sỹ đã chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do sử dụng rượu.

Chị N.T.T. – vợ bệnh nhân L. chia sẻ: “Chồng tôi là lao động tự do nên việc anh ấy thường xuyên uống rượu rất khó kiểm soát. Thời gian gần đây, tần suất uống càng nhiều, ăn kém, không ngủ được rồi bị lên cơn động kinh, mê sảng. Gia đình đưa anh vào trung tâm y tế huyện và sau đó được giới thiệu chuyển tuyến trên để điều trị”.

ruou 2A.jpg
Các bác sỹ đến động viên người bệnh hạn chế, từ bỏ bia rượu.

Bác sỹ Nguyễn Hồng Phúc – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Lạm dụng bia rượu gây ra nhiều hậu quả khôn lường cho bản thân, gia đình và xã hội, tuy nhiên, việc cai rượu lại không hề dễ dàng. Thời gian qua, đã có rất nhiều bệnh nhân vào viện điều trị các rối loạn tâm thần do lạm dụng bia rượu, sau khi điều trị ổn định trở về với gia đình lại tiếp tục tái nghiện. Vì vậy, bản thân bệnh nhân cần có nghị lực, quyết tâm từ bỏ rượu, đồng thời tuân thủ chế độ điều trị và liệu pháp tâm lý theo hướng dẫn của bác sỹ. Bên cạnh đó, gia đình, người thân cũng cần quan tâm, vận động để người bệnh từ bỏ thói quen uống rượu, không nên kì thị, xa lánh”.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, người nghiện rượu muốn bỏ rượu thì phải cai, phải giảm dần số lượng rượu uống, không được ép buộc ngưng rượu ngay lập tức. Việc cai rượu mất hai đến ba tuần hoặc cả tháng nên người nhà nên đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn cách cai nghiện đúng cách. Các bác sỹ có thể giúp bệnh nhân cai rượu từ từ bằng các thuốc nhóm an thần kinh, giải độc, bổ sung vitamin nhóm B và C. Song song với các giải pháp về y học, việc cai rượu còn phụ thuộc vào ý chí của người bệnh nhiều. Đồng thời, người nhà cần phải khuyên nhủ và động viên người bệnh để quyết tâm bỏ rượu.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.