Chuyên gia khí tượng hướng dẫn cách phòng tránh sét thời điểm giao mùa

(Baohatinh.vn) - Thời kỳ giao mùa từ lạnh sang nóng (tháng 4-5) và từ nóng sang lạnh (tháng 8-9) là khoảng thời gian dông, sét xuất hiện nhiều nhất, thường vào buổi chiều hay chiều tối và gọi là dông nhiệt.

Chuyên gia khí tượng hướng dẫn cách phòng tránh sét thời điểm giao mùa

Mặc dù ngày nay có nhiều thành tựu về khoa học kỹ thuật đã được ứng dụng trong đời sống, nhưng những hiện tượng khí tượng này vẫn gây những tổn thất lớn về tài sản, con người cũng như ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhiều vùng dân cư, nhất là những vùng trung du, có nhiều đồi núi nhỏ, đặc biệt là các xã vùng cao của các huyện Hương Khê, Vũ Quang.

Theo thống kê từ 1961 - 2006 trên địa bàn Hà Tĩnh cho thấy, tính trung bình hàng năm ở vùng đồng bằng có 40 - 50 ngày có dông (gọi là có dông khi nhìn thấy chớp và cả nghe được sấm); miền núi và trung du có khoảng 50 - 60 ngày có dông. Đặc biệt, có một số năm nhiều dông (80 - 88 ngày); tháng có nhiều dông nhất là tháng 5 (chiếm 19,3%), thứ đến là tháng 9 (chiếm 18,1%).

Hơn một thập niên trở lại đây, do tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu nên đã có sự khác biệt rõ rệt, hiện tượng dông, lốc, sét xuất hiện ngày càng gia tăng và khốc liệt, đặc biệt là các huyện miền núi, gây tổn thất nghiêm trọng về tài sản cũng như con người nơi đây. Trong 4 năm 2010, 2012, 2013 và 2017 dông, lốc, sấm sét đã làm chết 8 người, bị thương 12 người, hàng trăm ngôi nhà, trường học… bị đổ sập, xiêu vẹo, tốc mái. Thiệt hại mỗi năm trung bình 3 tỷ đồng, năm nhiều nhất là 4 tỷ đồng.

Vào mùa mưa dông ở Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng, hiện tượng sét đánh thường xuyên xảy ra, rất dễ gây nguy hiểm cho con người. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách phòng chống để bảo vệ an toàn cho mình và người thân.

Cách nhận biết và phòng tránh

- Khi chúng ta quan sát bầu trời thấy xuất hiện mây dông, những đám mây xám đen khổng lồ, chân mây hạ thấp tiến lại gần, mọi người cần lưu ý đề phòng vì có thể gây ra gây ra hiện tượng nguy hiểm như dông, lốc, sấm sét, vòi rồng… Trong trường hợp này mọi người nên chủ động tìm nơi trú ẩn an toàn.

+ Trường hợp nếu ở trong nhà nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện ngoại trừ trường hợp rất cần thiết. Nên rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc dông gần xảy ra. Với các đường dây điện thoại hay dây điện vì nối với lưới bên ngoài nên rất có thể bị ảnh hưởng sét đánh lan truyền. Nên tránh xa các dây này và các vật dùng điện với khoảng cách ít nhất là 1m. Cần rút ăng ten ra khỏi ti vi khi có dông.

+ Khi ở ngoài trời, nếu gặp dông sét bất ngờ, người dân tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, máy, hàng rào sắt... Nên tìm chỗ khô ráo, tránh những nơi trũng nước, ao, hồ, mương, các vùng gò cao...

+ Trường hợp khi đang làm việc ở ngoài đồng nếu không tìm được nơi trú ẩn an toàn thì người dân nên chọn nơi nào có mặt ruộng thấp không trũng nước, từng người ngồi riêng lẻ, trùm áo mưa hoặc nilon và càng hạ thấp độ nhô cao càng tốt. Tuyệt đối không tập trung thành nhóm đông người để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

+ Tại các căn chòi ở giữa đồng nên gắn các thiết bị chống sét trước mùa mưa bão để giúp người dân có chỗ trú ẩn an toàn khi mưa dông kéo đến. Khi tránh sét, người dân cần đứng hoặc ngồi chụm 2 chân sát nhau tạo thành một điểm duy nhất tiếp xúc với mặt đất, nên ngồi ở giữa chòi hoặc tối thiểu cách tường khoảng 1-2m, tuyệt đối tránh tựa lưng vào tường. Nên tránh xa các vật bằng kim loại như cuốc, liềm, xe đạp, xe máy...

+ Nếu như bản thân cảm thấy tóc bị dựng lên (như cảm giác điện khi sờ tay trước mặt ti-vi) thì điều đó có nghĩa là có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào, lập tức cúi ngồi xuống và lấy tay bịt tai, không nằm xuống đất hay đặt tay lên đất.

+ Riêng đối với công tác phòng chống lốc xoáy, trước mùa mưa bão cần xây dựng các công trình, nhà ở kiên cố, thường xuyên chằng chống nhà cửa để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng dông gió, lốc xoáy. Chặt tỉa cành, nhánh của các cây cao, dễ gãy đổ, cây nằm gần nhà ở, lưới điện. Khi có mưa kèm theo dông, cần sơ tán người già và trẻ em ra khỏi những căn nhà tạm bợ, đến những nơi an toàn, vững chắc hơn; tránh núp dưới bóng cây, trú ẩn trong nhà tạm bợ dễ bị ngã đổ gây tai nạn.

Phó Giám đốc Đài khí tượng thuỷ văn Hà Tĩnh

Chủ đề Thời tiết - Khí hậu

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast