Quy hoạch rừng không đúng thực tế, người dân mong chính quyền giải quyết

(Baohatinh.vn) - Xuất phát từ hiện trạng sử dụng đất hơn 30 năm, người dân xã Thạch Sơn (Thạch Hà - Hà Tĩnh) đang mong muốn chính quyền các cấp đưa ra khỏi quy hoạch đất rừng phòng hộ đối với một số diện tích đất đai.

Năm 1990, ông Nguyễn Hữu Mậu (SN 1950, ở thôn Vạn Đò, xã Thạch Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh) bắt đầu đặt chân khai phá vùng bờ sông Rào Trẻn (tên gọi sông Nghèn, đoạn đi qua Đò Điệm).

Quy hoạch rừng không đúng thực tế, người dân mong chính quyền giải quyết

Ông Nguyễn Hữu Mậu trao đổi về quá trình khai khẩn vùng đất sình lầy

“Khi ấy, khu vực bờ sông là bãi đất sình lầy kinh khủng, không một bóng cây. Để chắn bão gió, tôi đã trồng hàng loạt cây sác. Sau đó, Nhà nước tổ chức trồng rộng rãi và giao tôi bảo quản toàn bộ diện tích 12 ha với giá 3 kg gạo/tháng. Năm 1994, tôi bắt đầu nuôi cua tự nhiên" - ông Mậu kể.

Khi Bara Đò Điệm đi vào vận hành, toàn bộ rừng sác cũng chết dần vì thiếu nước mặn. Từ bãi đất ven sông bị bỏ hoang, ông Mậu cùng con trai “đêm đi làm nghề chài lưới, ngày cắt kéo đào hồ”, không biết bao nhiêu công sức để dần hình thành các ao nuôi. Càng nuôi, ông càng nhận thấy, việc Bara Đò Điệm ngăn mặn đã trở thành lợi thế để nuôi trồng thủy sản và có thể phát triển du lịch sinh thái lâu dài. Nhờ lợi thế, các vụ tôm ông trúng liên tục, hiện gia đình ông tiếp tục cải tạo ao để nuôi vụ mới.

Quy hoạch rừng không đúng thực tế, người dân mong chính quyền giải quyết

Để có khu vực nuôi tôm như hiện nay, gia đình anh Kính (người bên trái) đã dồn rất nhiều công sức, vốn liếng cải tạo từ những năm 1990.

Tuy nhiên, ông Mậu và anh Nguyễn Hữu Kính (con ông) vẫn không hay rằng: Toàn bộ diện tích đất nuôi trồng của gia đình với gần 5 ha đang thuộc quy hoạch đất rừng phòng hộ. Anh Nguyễn Hữu Kính cho hay: "Đầu tư nuôi trồng thủy sản đòi hỏi vốn lớn nhưng chưa có bìa đất nên việc thế chấp để vay vốn ngân hàng rất khó khăn. Hiện tại, chúng tôi chỉ được thuê đất ngắn hạn 5 năm/lần nên rất mong chính quyền giải quyết để được cấp bìa giúp gia đình yên tâm làm ăn lâu dài”.

Cùng hoàn cảnh như bố con ông Mậu, khu vực này có 9 hộ dân.

Đối chiếu với hồ sơ đất đai, toàn bộ diện tích 9 hộ dân đang nuôi trồng thủy sản hiện nay thuộc quy hoạch rừng phòng hộ (khoảnh 1, Tiểu khu 282B) theo Quyết định 607/QĐ-UBND ngày 3/3/2017 của UBND tỉnh về việc “Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng Hà Tĩnh đến năm 2020”. Toàn bộ khu vực có diện tích 12,55 ha trước đây được quy hoạch phát triển rừng ngập mặn.

“Thực tế thì khi Bara Đò Điệm ngăn mặn vào năm 2010, phía trên bara đã được ngọt hóa, không còn phù hợp cho phát triển rừng ngập mặn, nhiều diện tích cây ngập mặn bị chết. Ngoài 9 hộ dân đang nuôi trồng thủy sản diện tích 5,365 ha được giao từ năm 2001, phần còn lại là đất chưa có rừng với diện tích 7,185 ha rất khó phát triển ngập mặn. Chính quyền xã và người dân đang mong muốn đưa ra khỏi quy hoạch rừng phòng hộ để người dân phát triển nuôi trồng thủy sản” – Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn Đặng Hữu Diệu trao đổi.

Quy hoạch rừng không đúng thực tế, người dân mong chính quyền giải quyết

Anh Nguyễn Hữu Kính (bên phải) mong muốn chính quyền các cấp sớm rà soát, điều chỉnh quy hoạch để cấp bìa đất cho khu vực ven sông mà 9 hộ dân đã nuôi trồng thủy sản hàng chục năm

Cùng với diện tích trên, ngày 28/2/2019, UBND xã Thạch Sơn đã làm công văn gửi các phòng, ngành liên quan của huyện Thạch Hà đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng với tổng diện tích 36,49 ha tại khoảnh 1 và khoảnh 2, Tiểu khu 282B.

Theo UBND xã, một số diện tích hàng chục năm nay đã được sử dụng vào mục đích ngoài lâm nghiệp như đất ở, đất vườn, sản xuất kinh doanh, đất giao thông, nuôi trồng thủy sản. Đáng nói, một diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 1977, 1985. Đối chiếu với Quyết định 607/QĐ-UBND của UBND tỉnh thì quy hoạch không đúng với thực tế.

Quy hoạch rừng không đúng thực tế, người dân mong chính quyền giải quyết

Một số khu vực khác tại Thạch Sơn, rừng nằm giữa dân cư nên rất khó quản lý

Tại khoảnh 1, ngoài vùng Sác đá còn có vùng Công ty Đông lạnh (thuộc thôn Sông Hải) với diện tích 4,67 ha. Khoảnh 2 có 2 vùng gồm: vùng thôn Tri Khê, diện tích 15,28 ha; vùng Lùm Phủ (thôn Sơn Tiến) diện tích 3,99 ha.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thạch Hà Lê Thanh Hải cho hay: "Rừng tại Thạch Sơn nằm giữa dân cư nên rất khó quản lý; một số diện tích, người dân đã sử dụng lâu dài. Vì thế, Hạt đã cùng với một số phòng chuyên môn UBND huyện tiến hành rà soát, kiểm tra thực tế và thống nhất kiến nghị đưa số diện tích trên ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng. Cùng với Thạch Sơn, toàn huyện cũng kiến nghị đưa ra khỏi quy hoạch 50 ha rừng phòng hộ và 206 ha rừng sản xuất".

Theo tìm hiểu từ các phòng, ngành huyện Thạch Hà, quá trình đo vẽ bản đồ, làm quy hoạch rừng vào năm 2017, lẽ ra số diện tích trên phải được đưa ra khỏi quy hoạch rừng phòng hộ.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast