Đảng ta luôn giữ vững quan điểm độc lập, tự chủ

(Baohatinh.vn) - Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và thật sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Hướng tới kỷ niệm 60 năm ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (20/7/1954 - 20/7/2014)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), ngày 2/9/1945. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), ngày 2/9/1945. (Ảnh tư liệu)

Năm 1946, trước sự xâm lăng trở lại của thực dân Pháp hòng bóp chết nhà nước cách mạng còn non trẻ, mưu toan đặt lại ách thống trị nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Thay mặt toàn thể quốc dân đồng bào, Người đanh thép tuyên bố: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”. Đó là tuyên bố hùng hồn của Đảng và Nhà nước ta trước sự tàn bạo của thực dân Pháp trong cuộc đụng đầu lịch sử.

Quan điểm độc lập, tự chủ là nguyên lý đầu tiên, trước hết và trên hết của Đảng ta trong hệ thống phân tích khoa học những mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu của xã hội Việt Nam thuộc địa và nửa phong kiến, trong đó mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu nhất là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai. Lời kêu gọi thiêng liêng ấy đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước, khí phách quật cường dân tộc, tạo nên sức mạnh lấp biển, dời non dẫn tới chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.

Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp, với cả thuận lợi và không ít khó khăn. Kẻ thù của ta lại là một trong những đế quốc có sức mạnh kinh tế, quân sự hàng đầu thế giới, âm mưu của chúng là muốn đô hộ nước ta một lần nữa. Trong cuộc đấu tranh này, Đảng ta luôn giữ vững quan điểm độc lập, tự chủ, thực hiện đường lối đối ngoại mềm dẻo, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước trên thế giới, tận dụng mọi sáng kiến vì hòa bình. Chính vì vậy, tháng 4/1954, khi cuộc chiến tranh giữa ta và thực dân Pháp đang diễn ra gay go, quyết liệt thì Hội nghị

Giơ-ne-vơ tại Thụy Sĩ được mở ra để bàn vấn đề khôi phục hòa bình tại Đông Dương. Tham dự hội nghị, ngoài 2 đoàn Việt Nam (Việt Nam dân chủ cộng hòa và Quốc gia Việt Nam) và đoàn Pháp, còn có đoàn các nước Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Mỹ, Lào, Campuchia. Từ ngày 8/5 - 23/6, các bên trình bày lập trường của mình về cách giải quyết vấn đề Việt Nam và Đông Dương. Đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn đề ra lập trường 8 điểm, trong đó 2 điểm nổi bật là: “Pháp công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia” và “Ký một hiệp định về việc rút quân đội nước ngoài ra khỏi 3 nước trong thời hạn do các bên tham chiến ấn định”.

Do lập trường giữa các đoàn có một khoảng cách khá lớn nên các cuộc đàm phán tiến triển rất chậm. Trải qua một quá trình đấu tranh gay go, phức tạp, cuối cùng, ngày 20/7, Hiệp định Giơ-ne-vơ cũng được ký kết với nhiều nội dung, nhưng quan trọng nhất là hòa bình được lập lại và “Các nước tham dự hội nghị cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, không can thiệp vào công việc nội bộ 3 nước”. Theo hiệp định, Việt Nam tạm thời chia làm 2 miền Bắc - Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới, sau 2 năm sẽ tiến hành cuộc tổng tuyển cử để thống nhất đất nước.

Việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ một lần nữa khẳng định trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đặc biệt coi trọng độc lập, tự chủ. Ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào cả nước: “Đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ” và tuyên bố: “Trung, Nam, Bắc đều là bờ cõi của nước ta, nước ta nhất định thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng”. Trong một công trình về văn hóa của mình, Giáo sư Phan Ngọc khẳng định: “Người Việt Nam là con người Tổ quốc luận, tức là đối với anh ta, Tổ quốc lớn hơn tất cả”. Với Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vậy, tất cả mọi kế sách đều vô nghĩa nếu không nhằm độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào. Trong quá trình lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã giành được niềm tin tuyệt đối của nhân dân, bởi Đảng gắn bó thật sự với nhân dân, chiến đấu vì lợi ích của nhân dân.

Có thể nói, Đảng ta giữ vững quan điểm độc lập, tự chủ, sáng tạo khi vạch ra và chỉ đạo thực hiện đường lối cách mạng, là nguồn gốc sức mạnh, đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi. Với sự toàn thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” và ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, chúng ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Thắng lợi vĩ đại này đã khẳng định ý nghĩa, vai trò chỉ đạo chiến lược đúng đắn và sắc bén của Đảng trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast