Phát hiện dấu hiệu sự sống trên tiểu hành tinh gần Trái Đất

Việc phát hiện ra nucleobase uracil trên tiểu hành tinh ngoài Trái Đất là một bước tiến lớn đối với sinh vật học vũ trụ.

Một trong 4 loại nucleobase của RNA đã được phát hiện trong các mẫu vật chất từ tiểu hành tinh Ryugu, cung cấp thêm bằng chứng cho giả thuyết rằng sự sống có thể bắt nguồn từ ngoài không gian.

Tháng 12/2020, tàu Hayabusa2 của Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã mang về 5,4 g vật chất từ Ryugu - tiểu hành tinh cách Trái Đất 300 triệu km.

Phân tích cho thấy các mẫu vật có chứa uracil, một trong 4 loại nucleobase tạo nên RNA - thành phần không thể thiếu của tế bào. Càng gần bề mặt của tiểu hành tinh, nồng độ uracil trong mẫu vật càng thấp, từ 32 ppb giảm xuống 11 ppb, cho thấy các tia vũ trụ và tia cực tím từ Mặt Trời có thể làm giảm lượng uracil.

Thành phần đồng vị trong các mẫu vật chất cũng chỉ ra Ryugu hình thành trước các hành tinh trong Hệ Mặt Trời. Khi mới hình thành, tiểu hành tinh này có vị trí rất xa Mặt Trời, gần Hải Vương Tinh hiện nay.

Vật chất của Ryugu thuộc nhóm thiên thạch giàu cacbon CI chondrite. Trước đó, 3 loại nucleobase đã được phát hiện trong các thiên thạch CI. Các nhà khoa học cũng tìm thấy cả 5 loại nucleobase (kí hiệu là A, G, T, U và X) trong một loại thiên thạch khác là CM chondrite.

Phát hiện dấu hiệu sự sống trên tiểu hành tinh gần Trái Đất

Hình ảnh tiểu hành tinh Ryugu do tàu vũ trụ Hayabusa2 chụp. Ảnh: Space.com

Phát hiện này cung cấp thêm bằng chứng cho giả thuyết rằng sự sống có thể bắt nguồn từ ngoài không gian.

Tuy nhiên, tác giả chính của nghiên cứu - Yasuhiro Oba thuộc Đại học Hokkaido (Nhật Bản) - cho rằng không loại trừ khả năng nucleobase được tìm thấy không có sẵn ở Ryugu mà do các yếu tố xâm lấn để lại. Vấn đề là các nhà khoa học hiện nay chưa hiểu rõ về những điều kiện cần thiết để hình thành RNA và DNA trên các tiểu hành tinh.

“Làm rõ điều này mới có thể khẳng định sự tồn tại của nucleobase trong môi trường ngoài Trái Đất”, ông Oba cho biết.

Phát hiện mới được xem là bước tiến lớn trong công cuộc tìm hiểu nguồn gốc của sự sống. Vào năm 2022, các nhà khoa thuộc Đại học Tohoku cũng tìm thấy nước trong đá và bụi ở Ryugu, củng cố giả thuyết các tiểu hành tinh như Ryugu, hoặc tiểu hành tinh lớn hơn, có thể đã “cung cấp nước chứa muối và chất hữu cơ” trong những lần va chạm với Trái Đất.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast