Không để trò hư

Trường THCS Kỳ Tân thắp sáng lên như một “ngọn đèn tín hiệu” cho cái hay cái đẹp về nhân cách : Tất cả đều chăm ngoan, không có một học sinh nào bỏ học đi chơi lêu lổng, bị nhiễm tiêu cực của xã hội. Nét đẹp ấy được tạo nên từ mối quan hệ hữu cơ: nhà trường- gia đình- xã hội

Tiếng loa bác Đính

Lễ duyệt nghi thức Đội
Lễ duyệt nghi thức Đội

“Ông Đính làm hội trưởng hội phụ huynh xóm Trung Mỹ, một người thường xuyên quan tâm đến việc học tập của con em mình, khiến ai cũng nể phục. Nhà tui có 2 đứa con bây giờ có nghề nghiệp cả rồi, đứa trong Nam đứa ngoài Bắc nhưng hễ cầm điện thoại hỏi thăm bố mẹ và bà con nó không quên hỏi thăm bác Đính. Nó bảo với mẹ nó rằng những người quan tâm đến đến sự nghiệp đèn sách của trẻ như bác Đính bây giờ rất hiếm..”. Bà Nga vừa đưa tay lau vội chiếc cốc thuỷ tinh, rót nước chè om mời khách vừa không ngớt lời khen ngợi đức tính tận tụy chuyên “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” của vị cựu chiến binh này.

Ông Nguyễn Hữu Đính năm nay mới ngoài năm mươi tuổi, vốn một sĩ quan quân đội về hưu. Ông Đính mỗi đêm nằm lại ngẫm nghĩ : Kỳ Tân vốn là đất có học trò ngoan của cả nước từ mấy thập kỷ qua, nhưng trong thời buổi kinh tế thị trường này nếu không biết giữ thì điển hình này dễ mai một lắm.. Ông còn nhớ như in thời điểm năm 1978- 1980, Kỳ Tân được Bộ Giáo dục khen ngợi về giáo dục học sinh “ Nếp sống quân sự hoá trong nhà trường”. Thời ấy không có một học sinh nào đầu bù tóc rối, mặc “quần ống loe”..Thầy cô giáo ăn tết gói bánh chưng bằng mì hột mà vẫn lạc quan yêu nghề, trường đầy ắp học sinh ngoan, học sinh giỏi.. Từ một học sinh cũ đã từng tự hào với vinh quang quá khứ, bây giờ về sinh sống tại đất quê, ông mong muốn chăm sóc gia đình vợ con, thương yêu đỡ đần người nghèo..Đặc biệt trong các cuộc họp làng họp xã ông thường xuyên hiến kế để “quản lý học sinh tại gia”. Câu chuyện về “ Tiếng loa bác Đính” dường như đã quá quen thuộc với xóm Trung Mỹ ( xã Kỳ Tân). Thầy Phạm Ngọc Hợi, hiệu phó trường THCS Kỳ Tân tâm sự “ Từ khi được tín nhiệm bầu làm hội trưởng hội phụ huynh xóm, không có ngày nào bác Đính không mở loa. Mưa cũng như nắng tiếng loa từ căn phòng nhà bác Định vang lên yêu cầu mọi gia đình tạm gác tất cả chuyện riêng tư để dành thời gian cho con cháu học bài, làm bài đầy đủ..”. Lịch học tại nhà của học sinh xóm Trung Mỹ, đã đi vào kỷ cương nề nếp trong toàn xã Kỳ Tân. Buổi tối ( mùa hè) từ 7 giờ 30 phút – 10 giờ, 7giờ – 9giờ 30 phút ( mùa đông). Buổi đầu ông Đính làm hội trưởng, nhà trường đang gặp khó khăn về kinh phí chưa đủ trang bị loa cho ông, ông Đính không ngần ngại dành số tiền lương tiết kiệm của mình đi mua loa máy. Ông nhờ một cán bộ kỹ thuật truyền thanh thông thạo về giá cả và chất lượng loa máy ra hiệu mua bộ loa xịn nhất để về sử dụng.

Đã có loa máy ông Đính quyết không để bao giờ mất tín hiệu khi phát, nghĩ vậy nên ông lại chịu khó “tầm sư học đạo” mày mò cách chỉnh âm, nối dây, đấu điện, phòng khi mưa to gió lớn.. Chưa hết phòng khi mất điện, ồng đã dự trữ ngay một bình ác quy đủ điện trong nhà.

Đến xóm Trung Mỹ tôi nghe mọi người đùa vui “ Bác Đính hội trưởng có hai loa, loa trực tiếp và loa gián tiếp..”. Thoạt đầu mới nghe tôi chưa hiểu ngọn ngành, về sau tìm hiểu thì té ra loa gián tiếp là loa phát từ nhà ông tất cả đều nghe, còn loa trực tiếp là ông Đính đến nhắc nhở trực tiếp tới những đối tượng đến giờ chưa học bài.

Khi mọi tổ chức đều vào cuộc

Bí thư Đảng uỷ xã Nguyễn Văn Phầng tâm sự “ Sỡ dĩ ở đây không có học sinh hư bởi tất cả đều chủ động vào cuộc, từ gia đình tới hội phụ huynh, tổ liên gia, đoàn thể và nhà trường”. Từ lâu ơ Kỳ Tân việc thành lập tổ liên gia không chỉ quản lý an ninh thôn xóm, không chỉ bày vẽ giúp nhau chăn nuôi sản xuất mà hiệu quả lớn nhất là chăm lo cho sự nghiệp “trồng người” về phương diện đạo đức.

Học sinh Kỳ Tân trong giờ học ngoại ngữ
Học sinh Kỳ Tân trong giờ học ngoại ngữ

Ngày xưa thắp đèn dầu khi nghe trống thôn điểm giờ vào học là mọi việc khâu nón hay băm bèo nấu cám lợn giúp mẹ đều phải tạm thời gác lại để nghiêm túc ngồi vào bàn học. Thời nay con người Kỳ Tân đã đủ ăn đủ mặc, nhà nào cũng mái ngói tường xây khang trang, ai cũng tự giác chăm con và xây dựng cho con góc học tập đủ ánh sáng, thoáng mát và yên tĩnh. Họ không lo con thiếu sách giao khoa phải đến bạn bè dùng chung sách nữa. Nhưng cái lo của thời kỳ kinh tế thị trường kéo theo bao nhiêu tiêu cực đang nẩy sinh, chỉ cần lơ là một chút, con sẽ “nhúng chàm” lúc nào không hay. Từ bức xúc của gia đình đến bức xúc toàn xã hội, từ bức xúc của mỗi người đến bức xúc của nhiều người. Cổ nhân có nói “ uốn tre uốn thưở còn măng. Dạy con dạy thưở con còn ngây thơ”. Muốn giáo dục các em học sinh ở độ tuổi thiếu niên nhi đồng, khâu đầu tiên phải tìm giải pháp cụ thể trong môi trường tập quán dân cư sinh sống. Tổ liên gia mỗi xóm với cơ cấu 7 gia đình – 8 gia đình. Mỗi tháng sinh hoạt 1 lần. Ngoài chuyện trao đổi kinh nghiệm sản xuất chăn nuôi theo mùa vụ, tổ dành riêng một chuyên đề về chất lượng học của con em mình qua từng tháng khi được nhà trường thông báo kết quả về rèn luyện ở từng lớp. Em nào chăm ngoan học giỏi thì tổ trưởng liên gia có quà đến trực tiếp động viên thăm hỏi, ngược lại em nào có biểu hiện sa sút về đạo đức thì cả tổ kết hợp cùng gia đình và nhà trường tìm biện pháp khắc phục. Người dân Kỳ Tân biến cái vui riêng thành niềm vui chung, biến nỗi buồn riêng thành nỗi buồn chung.

Một câu chuyện thầy giáo ở Trường THCS Kỳ Tân kể lại cho tôi nghe thật cảm động.Trường hợp em Nguyễn Văn H xuất thân trong một hoàn cảnh éo le. Kể từ ngày bố mất, mẹ H đi lấy chồng xa, không có điều kiện chăm sóc H nữa, H sống với bà nội đã ngoài tuổi 80. Sự mặc cảm cuộc đời khiến H học tập ngày một sa sút. Có những buổi H nghỉ học không lý do, có những đêm phát hiện thấy H đi ra thị trấn chơi điện tử.. Sự giáo dục để H trở lại học sinh ngoan được tạo nên bằng sức mạnh tổng hợp. Từ tổ liên gia thay phiên nhau hàng ngày đến thăm hỏi và động viên H. Từ Đảng uỷ, chính quyền xã Kỳ Tân trích nguồn trợ cấp cho hoàn cảnh khó khăn của hai bà cháu H. Ngoài tình thương hết mực thầy cô, H còn được sưởi ấm tình thương của anh chị đoàn viên trong thôn: Một bộ quần áo, một bộ sách giáo khoa tặng H, rồi những buổi ngồi tỷ tê với H... Thế rồi Nguyễn Văn H đã nhận thức được lẽ phải, chịu khó tu dưỡng và trở thành trò ngoan.

Tiên học lễ

Thầy hiệu trưởng Trần Quang Nam cho biết “ Năm học 2011-2012 trường THCS Kỳ Tân vẫn duy trì được 16 lớp với 430 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9. Ngoài 33 giáo viên dạy chữ còn có 1 giáo viên phụ trách đội . Học sinh ở Kỳ Tân chăm ngoan, kết hợp nhiều yếu tố nhưng yếu tố hoạt động đội để thu hút các em cũng không kém phần quan trọng"

Cô giáo Nguyễn Thị Thuỷ tổng phụ trách đội nhà trường gương mặt bao giờ cũng tươi tươi roi rói. Chỉ cần nhìn ánh mắt, nụ cười cô với những chủ đề hoạt động đầy phong phú cũng đủ cho các em cảm nhận “ Mỗi ngày đến trường là một ngày vui ”. Đằng sau cái vui rộn ràng nhịp trống ếch, với rừng học sinh khăn quàng đỏ thắm, đội mũ ca lô xanh là những hành động lời hứa quyết tâm của “ Đội viên làm theo lời Bác”. Nhân cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhà trường thêm một phát kiến mới về giáo dục đạo đức cho học sinh, dưói hình thức mỗi em được phát một cuốn sổ tay “ Nhật ký làm theo lời Bác”.Với cuốn sổ tay này mỗi ngày các em tự đánh giá nhận xét bản thân làm được điều gì tốt để báo công với Bác và nếu mắc phải khuyết điểm vẫn thành thật nhận lỗi với Bác và hứa khắc phục sửa chữa. Phạm Thu Trang, một sinh giỏi, một đội viên mẫu mực, tâm sự “ Bây giờ một ngày nghỉ học em và bạn em đều nhớ thầy nhớ lớp.. Các bạn em ở đây chẳng bao giờ hút thuốc lá, nói tục, chửi bậy hay hành hung người khác. Vào trường chúng em sống trong môi trường sạch, sạch từ bóng cây xanh, đồi cây xanh chúng em trồng… Sạch cả tâm hồn nhờ sự giáo dục giúp đỡ của thầy cô ”.

Nghe Trang tâm sự bất chợt tôi lại nhớ đến câu nói nổi tiếng của nhà sư phạm mẫu mực MAKARENKO “ Không có đứa trẻ nào hư hỏng, chỉ có những nhà giáo dục tồi”. Chính ở trường THCS Kỳ Tân “ Không có nhà giáo dục tồi nên không để trò hư ”.

12- 2012

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast