Giải phóng Phnom Penh và câu chuyện về giáo sư trong nhà tù Khmer Đỏ

Từng có mặt trong chuyến công tác đặc biệt, theo một trong 5 cánh quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ năm 1979 lịch sử, nhà báo Vũ Xuân Bân không khỏi bồi hồi nhớ về những ngày tháng gian khổ. Ký ức về thời hoa lửa chưa một ngày phai mờ trong tâm trí ông, đặc biệt trong năm kỷ niệm 30 năm quan hệ Việt Nam - Campuchia (24/6/1967-24/6/2017). Tất cả lại rạo rực sống dậy tràn đầy, vẹn nguyên.

Chính ông là phóng viên đầu tiên phát hiện ra Nhà tù Toul Sleng “địa ngục trần gian” ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia), bằng chứng vạch trần sự tàn bạo, dã man không thể chối cãi dưới chế độ diệt chủng Khmer Đỏ do Pol Pot cầm đầu.

Nguyên là Trưởng Ban Biên tập Tin trong nước TTXVN đã nghỉ hưu cách đây gần 7 năm, ông Bân là thuộc lớp phóng viên GP10, từng là phóng viên chiến trường, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).

Sau đó, ông được cử làm đặc phái viên TTXVN tại biên giới Tây Nam từ tháng 9/1977, chuyên gia TTXVN giúp Thông tấn xã Campuchia SPK (nay là AKP) trong những năm 1978-1979.

Lại “vào sinh ra tử”

Ngay sau ngày giải phóng miền Nam, trong khi nhiều đồng nghiệp hân hoan với niềm vui đoàn tụ với gia đình, Vũ Xuân Bân lại phải tiếp tục từ biệt người vợ trẻ, từ biệt cha mẹ già, rong ruổi làm phóng viên mặt trận, bảo vệ biên giới Tây Nam, góp phần giúp nước bạn Campuchia vùng dậy, lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.

Ở tuổi 28, thêm một lần nữa đối diện với chiến tranh, trước hòn tên, mũi đạn, sống chết không biết thế nào, nhưng Vũ Xuân Bân không nản chí.

“Hôm tiễn 5 tổ phóng viên đi theo 5 mũi tấn công của quân tình nguyện Việt Nam để đưa tin, chụp ảnh giúp quân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng, cán bộ nhân viên Cơ quan đại diện TTXVN tại Thành phố Hồ Chí Minh tiễn đưa chúng tôi lên đường đã òa khóc. Thú thực, lúc đó tôi cũng lo, xúc động nhưng nghĩ nhiệm vụ được giao, nên vội gạt bỏ cảm xúc để lên đường,” ông Bân nhớ lại.

giai phong phnom penh va cau chuyen ve giao su trong nha tu khmer do

Bộ đội ta truy kích lính Pol Pot bảo vệ biên giới Tây Nam, cuối năm 1978. (Ảnh: Vũ Xuân Bân/TTXVN cung cấp)

Sau nhiều ngày theo cánh quân tình nguyện Quân khu 7 để đưa tin giúp bạn giải phóng các tỉnh Đông Bắc Campuchia vừa tiến vào thị xã Kratie, vừa hoàn thành bài viết “Những giờ phút đầu tiên giải phóng thị xã Kratie” kịp gửi về Tổng xã SPK và TTXVN, chưa kịp nghỉ ngơi, gần cuối buổi chiều ngày 7/1/1979, ông Bân lại được lệnh trở về Thành phố Hồ Chí Minh ngay trong đêm để nhận nhiệm vụ mới.

Không quản ngại hiểm nguy, chiếc xe Jeep cao gầm mang biển kiểm soát 50B-7289 tức tốc băng rừng đưa nhóm phóng viên đi theo cánh quân Quân khu 7 trở về Thành phố Hồ Chí Minh nhận nhiệm vụ.

Sau nhiều tiếng đồng hồ trắng đêm băng rừng, với tâm thế sẵn sàng chiến đấu, từ thị xã Kratie, ông Bân đã về đến Thành phố Hồ Chí Minh lúc nửa đêm. Sau khi báo cáo với lãnh đạo và nhận nhiệm mới, sáng sớm 8/1/1979, chiếc xe Jeep do đồng chí Bùi Lương Duyên lái lại tức tốc lên đường, tiếp tục đưa ông Bân cùng phóng viên ảnh Văn Sắc ngược Quốc lộ 22 lên Tây Ninh rồi qua cửa khẩu Mộc Bài hướng tới bến phà Neak Loeung để về Phnom Penh.

“Từng chứng kiến ngay từ những ngày đầu, lực lượng vũ trang và nhân dân ta ở vùng biên giới Tây Ninh đã vô cùng gian khổ, vất vả, thường trực chiến đấu ngăn chặn sự gây hấn và xâm lấn của lính Pol Pot, khi vượt qua cửa khẩu Mộc Bài đặt chân sang đất bạn, trong lòng mỗi chúng tôi đều bồi hồi khó tả,” ông Bân chia sẻ.

Theo lời kể của ông Bân, Campuchia dưới thời diệt chủng Khmer Đỏ do Pol Pot cầm đầu là một xã hội trại lính đóng kín, xa lánh với thế giới bên ngoài, không chợ, không có trường học, không tiêu tiền... Bắt đầu từ Bavet, cách cửa khẩu Mộc Bài gần 20km thuộc tỉnh Svai Rieng, “Cánh đồng chết” hiện ra trước mắt.

“Thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp những chiếc sọ người như bình vôi vương vãi khắp nơi, đó là những nạn nhân bị bọn đao phủ Pôn Pốt hành quyết không được chôn cất. Cái tên “Cánh đồng chết” là bằng chứng về tội ác man rợ của chế độ diệt chủng Pol Pot.

giai phong phnom penh va cau chuyen ve giao su trong nha tu khmer do

Phóng viên Vũ Xuân Bân tranh thủ viết bài “Trên đường về Thủ đô Phnom Penh ngày 8/1/1979.” (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Từ tuyến phòng thủ đầu tiên của Pol Pot, trước sức tấn công như vũ bão, đối phương không kịp trở tay nên đã tháo chạy trước khi quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Phnom Penh. Bè lũ Pol Pot, kể cả đoàn ngoại giao gồm đại sứ một số nước “chí cốt” với chúng cũng đã rút khỏi Phnom Penh bằng đường sắt và đường bộ theo hướng biên giới Thái Lan.

Phnom Penh những ngày đầu giải phóng không có dân, hạ tầng cơ sở bị phá hủy hoặc bị bỏ hoang phế không khác gì “thành phố chết.” Những ngày sau đó, biết Phnom Penh giải phóng, người dân bị bè lũ Pol Pot xua đuổi ra khỏi thành phố lũ lượt kéo về, thu dọn chiến trường, dựng lại nhà cửa từ những đống đổ nát.

“Ngay sau khi rời trụ sở Ủy ban Quân quản, tôi bắt tay vào viết ngay tin đầu tiên,” ông Bân nhớ lại nói.

Dưới ánh đèn điện máy nổ Honda 2KW, những gì vừa quan sát được và những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Quân quản Khang Sarin về khẩn trương khôi phục Thủ đô Phnom Penh, đã được phóng viên Vũ Xuân Bân thể hiện lại trên hai trang giấy khổ A4. Bài viết sau đó nhanh chóng được điện báo viên dùng máy liên lạc vô tuyến 15W chuyển mã bằng tín hiệu “tích tè” về cho SPK và Tổng xã TTXVN để cung cấp cho các phương tiện thông tin đại chúng sử dụng, chuyển tải đến công chúng.

Ngay sau khi gửi xong bài viết, ông Bân mới thở phào nhẹ nhõm, kết thúc ngày đầu tiên (8/1/1979) vào Phnom Penh đã có bài viết kịp thời, xứng đáng với niềm tin của cơ quan gửi gắm vào những phóng viên mũi nhọn mỗi khi có sự kiện đột xuất khẩn trương, nhất là trong những lúc thử thách “vào sinh ra tử.”

Những ngày sau đó, phóng viên Vũ Xuân Bân đều có tin, bài đều đặn về khôi phục sân bay quốc tế Pochentong, các nhà máy điện, nước, bệnh viện, đài phát thanh... trong đó đáng nhớ nhất là tin “Điện lại bừng sáng tại Thủ đô Phnom Penh”... được bạn đọc và dư luận xã hội rất quan tâm đến sự hồi sinh của Campuchia.

giai phong phnom penh va cau chuyen ve giao su trong nha tu khmer do

Xe đi sau mang biển kiểm soát BKS- 50B-7280 do Bùi Lương Duyên lái chở phóng viên Vũ Xuân Bân vượt qua ngầm sâu tại biên giới Tây Ninh tháng 10/1977 để đưa tin bảo vệ biên giới Tây Nam. (Ảnh: Vũ Xuân Bân/TTXVN cung cấp)

Phát hiện “địa ngục trần gian S21”

Trong khi chờ đợi đón đại quân SPK về Thủ đô Phnom Penh và đoàn chuyên gia TTXVN sang giúp SPK, phóng viên Vũ Xuân Bân được các chiến sĩ Quân quản Thủ đô Phnom Penh đưa đến một trường học bị bỏ hoang, xung quanh tường bao bọc dây thép gai, bốn góc xung quanh khu vực này đều dựng vọng gác khác thường.

“Thật là hãi hùng vì mùi tanh tưởi bốc lên nồng nặc. Gian phòng đầu tiên tôi bước vào còn chỏng trơ một chiếc giường sắt xộc xệch dính bê bết máu, trên tường còn lưu 24 ảnh chân dung 9x12cm có đánh số tù, trong đó có cả trẻ em. Không khí chết chóc bao trùm khu vực này làm tôi cảm thấy rờn rợn,” ông Bân kể.

Trong khi đó, một số phòng bên cạnh còn cả xác chết từ lâu đã khô, đen thui. Hai chiến sĩ quân quản dẫn đường, súng AK47 lăm lăm trong tay luôn theo sát bảo vệ phóng viên Vũ Xuân Bân. Bỗng nhiên các anh đứng sững lại: “Hình như có người đến.” Trong giây lát, một ông già người Campuchia gầy yếu, còm nhom như suy dinh dưỡng xuất hiện. Ông nói được tiếng Pháp.

Ông Bân kể tiếp, biết đoàn là bộ đội Việt Nam, ông già rất mừng bày tỏ: “Các ông đã cứu chúng tôi khỏi họa diệt chủng!. Bọn đao phủ Pol Pot đã rút khỏi nơi đây cả tuần nay, bỏ mặc cha con chúng tôi ở lại khu địa ngục trần gian này. Sau đó, ông mời đoàn đến ngôi nhà bên cạnh giới thiệu rằng mình từng tốt nghiệp Tú tài toàn phần tại trường College Chasseloup Laubat tại Sài Gòn thời Đông Dương thuộc Pháp (nay là trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn-Thành phố Hồ Chí Minh, tức tốt nghiệp lớp 12). Tôi thuộc lòng Truyện Kiều của Việt Nam.”

“Tôi là Yit Kim Seng - giáo sư, bác sĩ, trông coi sức khỏe bọn cai ngục trại giam này. Đây nguyên là trường Trung học Chao Ponhea Yat. Bè lũ Pol Pot đã biến nơi đây thành Nhà tù Toul Sleng (còn gọi là S21) và là Trung tâm thẩm vấn, tra khảo những ‘kẻ thù của cách mạng’ sau khi chiếm được Phnom Penh.”

giai phong phnom penh va cau chuyen ve giao su trong nha tu khmer do

Giáo sư bác sĩ Yit Kim Seng và con trai ông trước ngôi nhà cũ ở thủ đô Phnom Penh sau ngày giải phóng tháng 1/1979. (Ảnh: Vũ Xuân Bân/TTXVN cung cấp)

Vẫn theo lời ông Yit Kim Seng, từ tháng 4/1975 đến tháng 1/1979, có khoảng 17.000 người (một số tài liệu nói có đến 20.000 người) bị giam cầm và tra tấn đến chết tại Tung Sleng. Phần lớn tù nhân là cán bộ và binh lính Khơme đỏ bị quy là mắc tội làm gián điệp cho địch hoặc bị quy tội có âm mưu lật đổ Pol Pot.

Trong số tù nhân bị giam cầm tại Nhà tù Toul Sleng còn có nhiều nhân vật cao cấp của Khmer Đỏ... là những người bất đồng với chế độ cai trị hà khắc của bè lũ Pol Pot. Ngoài ra, còn có một số người Việt, Lào, Ấn Độ, Pakistan, Anh, Mỹ, New Zealand và Australia. Chỉ có một số ít thoát chết...

Từ thông tin ghi nhận được tại hiện trường và qua lời kể của ông Yit Kim Seng, sau khi rời nhà tù Toul Sleng về nơi đóng quân, phóng viên Vũ Xuân Bân đã viết ngay tin “Phát hiện Nhà tù Toul Sleng - Địa ngục trần gian ngay giữa Thủ đô Phnom Penh.”

“Đây là thông tin phát hiện đầu tiên về bằng chứng tội ác tày trời của bè lũ diệt chủng Pol Pot ở Trung tâm thẩm vấn, tra tấn Toul Sleng qua lời kể của bác sĩ Yit Kim Seng. Sự thật chứng minh tội ác tày trời mà bè lũ Pol Pot không thể chối cãi,” ông Bân khẳng định.

Thông tin do phóng viên Vũ Xuân Bân phản ánh ngay sau đó được phát trên bản tin thời sự của SPK và TTXVN, gây xúc động, phẫn nộ của lương tri, sự chú ý của dư luận ở Campchia và quốc tế. Từ thông tin này, nhiều đoàn khách quốc tế, nhất là báo giới các nước có dịp đến Phnom Penh trong những năm đầu thoát khỏi họa diệt chủng cũng như bây giờ đều đến thăm “Nhà tù Toul Sleng” - Chứng tích tội ác của Khmer Đỏ.

giai phong phnom penh va cau chuyen ve giao su trong nha tu khmer do

Nhà báo Vũ Xuân Bân, nguyên Trưởng Ban Biên tập Tin trong nước TTXVN. (Ảnh: P.V/Vietnam+)

“Còn về phần tôi, thông tin phát hiện về tội ác diệt chủng ghê rợn tại Nhà tù Toul Sleng ở Phnom Penh cứ lắng đọng trong trí nhớ từ đó cho đến nay và có lẽ không bao giờ quên. Có người hỏi, cảm giác của tôi lúc bước vào đó thế nào? Thú thực là lúc đầu tôi cũng lo sợ, nhưng đã là phóng chiến trường thì việc được đi vào điểm nóng đó là sự kỳ vọng, trọng trách lớn,” ông Bân xúc động nói.

Thời gian cứ thế lẳng lặng trôi qua với biết bao gian khổ, hiểm nguy, sau hơn 2 năm “vào sinh ra tử,” làm phóng viên đưa tin về bảo vệ biên giới Tây Nam, rồi làm phóng viên thường trú, chuyên gia cho Thông tấn xã SPK, đến tháng 9/1979, phóng viên Vũ Xuân Bân rời Campuchia về nhận công tác tại Ban Biên tập Tin trong nước TTXVN cho đến khi nghỉ hưu.

giai phong phnom penh va cau chuyen ve giao su trong nha tu khmer do

Pháo binh của ta bảo vệ biên giới Tây Nam tháng 9/1977. (Ảnh: Vũ Xuân Bân/TTXVN cung cấp)

Giờ đây, sau gần 40 năm gắn bó với TTXVN, ông Bân đã nghỉ hưu, nhưng trong tâm trí ông vẫn vấn vương những kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời làm phóng viên, chứng kiến chiến thắng vang dội 30/4/1975, hành quân ra trận bảo vệ biên giới Tây Nam và làm chuyên gia giúp nước bạn Campuchia.

“Hy vọng một ngày nào đó, tôi lại có dịp trở lại đất nước Campuchia để chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ sau khi lật đổ chế độ Khmer Đỏ, thoát khỏi họa diệt chủng. Đất nước Chùa Tháp đang ngày một phát triển với sự quyến rũ của các di tích lừng danh như Angkor Wat, Angkor Thom,” ông Bân chia sẻ./.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast