Nhiều gia đình tan vỡ vì xử lý mâu thuẫn thường ngày bằng... bạo lực!

(Baohatinh.vn) - Có muôn vàn lý do để nhiều gia đình đổ vỡ, “tan đàn xẻ nghé”, trong đó có nguyên nhân rất quan trọng và phổ biến là bạo lực gia đình. Dù gia đình, cộng đồng đã cố gắng ngăn chặn nhưng xu hướng đẩy các cặp vợ chồng trẻ Hà Tĩnh ra tòa vẫn ngày một nhiều hơn...

Nhiều gia đình tan vỡ vì xử lý mâu thuẫn thường ngày bằng... bạo lực!

Ông K ở xã Sơn Tây (Hương Sơn) lầm lũi đưa cháu nội rời nhà bố mẹ đẻ để đưa về nhà chăm sóc do nhà cửa của con trai vừa bị ngân hàng niêm phong. Đây là hậu quả của việc vợ chồng Q-V làm ăn thua lỗ, thường xẩy ra xung đột rồi dẫn đến “tan đàn xẻ nghé”.

Lý vốn là một cô học trò nghèo từ vùng quê xa về thành phố Hà Tĩnh theo học trung cấp kế toán. Mới học được ½ học kỳ, Lý quen và yêu Tuấn, một cậu nhóc mới lớn ven đô, làm nghề lái taxi, có vẻ ngoài hào nhoáng, ham đua đòi, thích nhậu nhẹt, chơi bời.

Hơn một năm quen nhau, Lý phát hiện "dính bầu" và buộc gia đình 2 bên phải tổ chức lễ cưới, dù chưa học xong. Và rồi cuộc sống gia đình của một cô sinh viên thôn quê với một cậu "ẩm ương" mới lớn trong căn phòng nhỏ được bên nội ra riêng bộn bề khó khăn, đầy rẫy sóng gió.

Lý bụng bầu vượt mặt vẫn phải học để hoàn thành tấm bằng, còn Tuấn thì dù đã có gia đình nhưng chơi nhiều hơn làm, hai bên nội ngoại không đủ điều kiện hỗ trợ, cuộc sống túng thiếu, tính cách bốc đồng, các mâu thuẫn thường ngày không biết cách giải quyết nên tiếng nặng, tiếng nhẹ bắt đầu xuất hiện.

Sau khi Lý sinh bé trai thì khó khăn lại thêm chồng chất, các mâu thuẫn thêm phức tạp và Tuấn bắt đầu đánh vợ mỗi khi nhậu say, vợ cằm nhằm, túng thiếu hay bất cứ lý do gì khác không vừa ý. Không chịu nỗi đòn roi, bị dày vò cả về thể xác lẫn tinh thần nên khi con mới hơn 2 tuổi Lý đã phải nộp đơn ra tòa và làm mẹ đơn thân...

Không giống Lý và Tuấn, anh T và cô giáo A (ở Xuân An, Nghi Xuân) từng có một gia đình khiến nhiều người phải ghen tỵ. T làm giám đốc chi nhánh một ngân hàng trên địa bàn, vợ là giáo viên cấp 3, đời sống khá giả, con trai con gái đầy đủ và ngoan.

Nhưng chẳng mấy ai biết “trong chăn có rận”, vì bản tính cục cằn, gia trưởng nên T thường xuyên gây gỗ đánh vợ. Vì danh dự, cả nghĩ “xấu chàng hổ ai”, lại thương bố mẹ, lo cho con cái nên dù bị đánh mắng hết lần này đến lượt khác nhưng A đều nhẫn nhịn cho qua...

Nhiều gia đình tan vỡ vì xử lý mâu thuẫn thường ngày bằng... bạo lực!

Vì bị chồng xâm hại cả về thể xác lẫn tinh thần mà phải ly hôn, nhưng khi đã "đường ai nấy đi" rồi mà cô A vẫn tiếp tục bị chồng cũ khủng bố tinh thần, đánh đập, buộc cô phải làm đơn kêu cứu các cơ quan chức năng....

Nhưng T chẳng biết giới hạn, càng không phân biệt phải trái, nghĩa tình để dừng lại. Và đỉnh điểm là chỉ vì một lý do không đâu vào đâu mà T đánh vợ bầm dập, phải ra Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An điều trị dài ngày vì đa chấn thương.

Trong một tuần nằm viện, không những T không hề quan tâm mà cả sau khi vợ mới từ viện về nhà lại gằm ghè, hằn học.

Như giọt nước làm tràn ly, sự chịu đựng đã vượt ngưỡng, cô A đã làm đơn ra tòa. Và rồi đường ai nấy đi, tài sản chia hai, con cái mỗi người một đứa và vết sẹo tâm hồn sẽ chẳng thể hàn gắn trong ký ức những đứa con thơ...

Theo thống kê của ngành Tòa án Hà Tĩnh, những năm gần đây, ngoài hòa giải thành công 127 vụ ly hôn liên quan đến bạo lực gia đình thì Tòa án nhân dân hai cấp còn thụ lý, giải quyết 360 vụ ly hôn có liên quan đến vấn đề này. Điều đáng nói là số vụ ly hôn vì nguyên nhân bạo lực gia đình đang ngày càng tăng.

Nhiều gia đình tan vỡ vì xử lý mâu thuẫn thường ngày bằng... bạo lực!

Trường mầm non Sơn Thọ (Vũ Quang) ra mắt CLB "Gia đình hạnh phúc" nhằm góp phần bảo vệ sự êm ấm cho mỗi gia đình.

Ngoài hành vi đánh đập, cố ý xâm hại đến sức khỏe và tính mạng (282 vụ) thì còn có các hành vi bạo lực về tinh thần như lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cô lập hoặc thường xuyên gây áp lực về tâm lý (70 vụ); bạo lực về kinh tế khi phá hoại tài sản riêng, chung trong gia đình (3 vụ) và cưỡng ép quan hệ tình dục (5 vụ)...

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Chánh án Tòa án nhân dân huyện Hương Sơn cho biết: "Qua thực tế xét xử cho thấy, số lượng án hôn nhân và gia đình ngày một tăng và có xu hướng trẻ hóa. Phần lớn các vợ chồng sau kết hôn phát sinh nhiều mâu thuẫn, ghen tuông, tác động từ điều kiện vật chất, lối sống hàng ngày dẫn đến các hành vi bạo lực. Tình trạng ly hôn vì nguyên nhân bạo lực gia đình thường để lại hậu quả nặng nề về tình cảm, tâm lý, sức khỏe cho những người trong cuộc yếm thế”...

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast