Đại biểu Quốc hội không được vô cảm trước nhân dân

Chiều 13/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về Báo cáo về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018. Nhiều đại biểu đã nêu quan điểm và tranh luận về tính đúng đắn đối với phán quyết của tòa án ở một số vụ án thời gian qua.

Dư luận bức xúc, nghi vấn

Đại biểu Quốc hội không được vô cảm trước nhân dân

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng phát biểu ý kiến. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho biết, có dư luận bức xúc, nghi vấn về tính đúng đắn đối với phán quyết của tòa án cũng như những vi phạm trong hoạt động tố tụng. Theo đại biểu, 4 báo cáo của Chính phủ nêu rõ những kết quả trong phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh điều tra, truy tố để đưa ra xét xử các vụ án kinh tế tham nhũng nghiêm trọng đã mang lại cho nhân dân và dư luận xã hội niềm tin, phấn khởi và tin tưởng. Tuy nhiên những vụ án vừa qua gây bức xúc, nghi vấn trong nhân dân và dư luận về tính đúng đắn trong phán quyết của tòa án cũng như những vi phạm trong hoạt động tố tụng, như vụ án Hồ Duy Hải, vụ nghi vấn công ty Nhật Bản hối lộ ở Bắc Ninh, vụ lùi xe trên đường cao tốc, vụ nhảy lầu tự tử ở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước, vụ củi khô ở Kon Tum,...; điển hình là vụ “buôn lậu gỗ trắc” tại Quảng Trị có nhiều dấu hiệu oan sai, vi phạm nghiêm trọng pháp luật trong tố tụng và Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Trị đã giám sát báo cáo.

Cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, Quảng Bình, nhiều đại biểu Quốc hội đã kiến nghị giám đốc thẩm vụ án nhưng đến nay đã gần 1 năm mà các cơ quan có trách nhiệm chưa xem xét trả lời. Việc vi phạm nghiêm trọng trong bán vật chứng vụ án đã khởi tố hơn 1 năm nay nhưng chưa được đưa ra xét xử, trong khi đó người dân phải chấp hành án phạt tù trong sự đau khổ, uất ức; của cải bị bán, bị tịch thu khuất tất, người thì uất ức thắt cổ tự tử, người vào vòng tù tội, đang tiếp tục kêu oan chờ mong mòn mỏi vào công lý để nỗi oan khiên được minh giải. “Có thể nói đây là phần nổi của tảng băng chìm đang bào mòn lòng tin của người dân, nhưng nó là hồi chuông để hối thúc Quốc hội tiếp tục quyết liệt hơn nữa trách nhiệm giám sát của mình để bảo đảm cho pháp luật được thượng tôn, niềm tin của nhân dân vào nền tư pháp được củng cố và để góp phần làm trong sạch các cơ quan bảo vệ pháp luật của chúng ta”, đại biểu Thắng nhận định.

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) cho rằng, khi xét xử một vụ án thì Hội đồng xét xử phải đọc hồ sơ. Có nhiều vụ án hồ sơ chở cả xe ô tô; Hội đồng xét xử phải đọc nhiều tháng và phải kiểm tra các chứng cứ, qua các lời khai, phải tranh tụng tại phiên tòa mới đưa ra phán quyết đúng đắn của Hội đồng xét xử. “Chúng ta không nên chỉ qua một vài trang giấy, cũng như một vài bình luận của báo để đưa ra một quyết định, tôi nghĩ là thiếu cơ sở. Hiện nay, theo tôi, rất nhiều thế lực phản động đang chống phá Đảng, Nhà nước, đòi tam quyền phân lập nên chúng ta cần cảnh giác, đưa ra những hiện tượng cá biệt để đánh giá bản chất của một nền tư pháp, tôi nghĩ là chưa đúng. Tôi cũng chia sẻ sự mất mát của gia đình nhưng không nên bức xúc, mang tính tiêu cực để giải quyết vụ việc mà thiếu suy nghĩ, chín chắn mà phải tiếp tục thực hiện những bước còn lại của pháp luật quy định”, đại biểu Phong nêu quan điểm.

Bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân

Không đồng tình với nội dung tranh luận của đại biểu Phạm Hồng Phong, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, với trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, mỗi đại biểu có mặt tại nghị trường này phải làm tròn trách nhiệm đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Vì vậy, đại biểu Quốc hội hay nói rộng ra là đại biểu của dân không thể và không được vô cảm trước nhân dân; thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. Những gì đại biểu đã phát biểu trước Quốc hội và quốc dân xuất phát từ trách nhiệm, tình cảm vì dân, vì công lý, vì trách nhiệm xây dựng chung, trong đó có các cơ quan tư pháp. Đáng tiếc phát biểu của đại biểu Phong vô hình trung dẫn dắt suy nghĩ là đại biểu Quốc hội nói theo báo chí, dư luận, lực lượng phản động có dụng ý xấu dễ dẫn đến tổn thương tư cách đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, đại biểu Thắng cũng đồng ý và hoan nghênh ý kiến của đại biểu Phong về việc không được để các lực lượng chống phá lợi dụng nhưng nếu muốn vậy, phải không để sơ hở, phải sửa mình cho tốt, không làm sai, làm trái.

Đại biểu Thắng cho rằng, diễn đàn Quốc hội là diễn đàn của nhân dân, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho nhân dân; tuy nhiên, thời gian qua tinh thần này chưa được thể hiện đúng. Đại biểu Phong là cán bộ của ngành Tòa án nên rất cần sự cầu thị, lắng nghe đại biểu Quốc hội, trên nữa, đó là sự góp ý, kiến nghị để sửa chữa khuyết điểm, sai lầm mà theo đại biểu Thắng chắc rằng ngành Tòa án không thể không có, nếu không nói là có vi phạm pháp luật.

Khẳng định lại thông tin các vụ án gây xôn xao dư luận và sự hoài nghi trong nhân dân là có thật, đại biểu Thắng không đánh giá việc xử lý là đúng hay sai nhưng có thể là một thông điệp, là thông tin, kiến nghị để ngành tòa án, các cơ quan tư pháp tự soi lại, kiểm tra, rà soát lại xem có đúng như dư luận hay không. “Nếu không đúng thì đó là điều rất hạnh phúc, còn nếu chưa tốt chúng ta phải làm cho tốt để thông tin lại cho nhân dân”, đại biểu Thắng nhận định. Đối với vụ “buôn lậu gỗ trắc” tại Quảng Trị, Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Trị đã theo dõi, giám sát suốt hai nhiệm kỳ và có cơ sở để báo cáo, kiến nghị với Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội không được vô cảm trước nhân dân

Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa phát biểu ý kiến. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Tiếp tục tranh luận với ý kiến của đại biểu Phạm Hồng Phong, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Bản chất của chế độ ta là không có tam quyền phân lập. Do đó, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, có nghĩa là cơ quan Quốc hội lập ra hành pháp và tư pháp; giám sát hành pháp, tư pháp. Các đại biểu Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội phải có trách nhiệm trước cử tri, thực thi quyền giám sát này đối với hành pháp và tư pháp. Những gì đại biểu phát biểu về hành pháp và tư pháp, trong đó có các vụ án cụ thể là phản ánh những băn khoăn của cử tri, đồng thời thể hiện trách nhiệm của đại biểu.

Bên cạnh đó, để thực thi quyền giám sát của mình, Quốc hội thành lập cơ quan kiểm toán để thực thi giám sát về mặt tài chính ngân sách và lập ra Viện kiểm sát nhân dân tối cao để giám sát việc chấp hành pháp luật. Do đó, việc các đại biểu Quốc hội phát biểu vấn đề này vừa là trách nhiệm, vừa đúng với bản chất quyền lực. Việc Quốc hội giám sát hành pháp và tư pháp chính là thực hiện theo đúng quyền hiến định và chức năng của mình, đồng thời cũng theo đúng đường lối, nghị quyết của Đảng, yêu cầu của đất nước, của nhân dân.

Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa khẳng định: Tuy có quy định quyền tư pháp là quyền cao nhất nhưng luật hiện nay cũng quy định Viện kiểm sát có quyền kiểm sát tư pháp, kể cả ở giai đoạn cao nhất là sau khi có bản án giám đốc thẩm. Sau khi có bản án giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp, Viện kiểm sát tối cao, Ủy ban thường vụ Quốc hội có quyền có ý kiến. Quốc hội có quyền tổ chức giám sát tối cao đối với kể cả những vụ việc đã có quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Có những cán bộ tưởng rằng nếu công khai phê bình những khuyết điểm của mình thì sẽ có hại vì: Kẻ địch sẽ lợi dụng để phản tuyên truyền; giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền; làm mất thể diện của cán bộ đã phạm khuyết điểm ấy; chỉ phê bình qua loa ở nội bộ là đủ rồi; thế là tưởng lầm, thế là ốm mà sợ thuốc… mỗi khi đã phạm đến khuyết điểm thì dù mình muốn bưng bít người ta cũng biết”; đồng thời kết luận ý kiến tranh luận của mình bằng câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “đừng thấy đỏ tưởng là chín”.

Theo Thu Phương-Xuân Tùng (TTXVN)

Chủ đề Họp Quốc hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast