Chiếu phim về nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tại Thượng viện Mỹ

Tại trụ sở Thượng viện Quốc hội Mỹ, Chương trình Di sản chiến tranh (WLP) phối hợp với Văn phòng Thượng viện và Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ tổ chức buổi chiếu bộ phim “Chau, beyond the lines”.

chieu phim ve nan nhan chat doc da cam viet nam tai thuong vien my

Thượng Nghị sĩ Mỹ Patrick Leahy phát biểu trước buổi chiếu. Ảnh: Bộ Ngoại giao

“Chau, beyond the lines” của đạo diễn Courtney Marsh, là một bộ phim tài liệu dài 35 phút về cuộc đời của Lê Minh Châu, một thiếu niên Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam và luôn nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, theo đuổi giấc mơ trở thành nhà thiết kế thời trang. Niềm tin của Châu đã truyền cảm hứng cho cả các em nhỏ khác sống cùng trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật với mình.

“Chau, beyond the lines” được đề cử cho nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá, trong đó bao gồm đề cử hạng mục “Phim Tài liệu ngắn xuất sắc nhất” tại Oscar 2016.

Tham dự buổi chiếu có Thượng Nghị sĩ Mỹ Patrick Leahy; Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh; đạo diễn Courtney Marsh; Cố vấn về vấn đề da cam tại Việt Nam Charles Baily; Giám đốc Chương trình Di sản chiến tranh Susan Hammond cùng nhiều đại diện các văn phòng nghị sĩ, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ và bạn bè Việt Nam.

Phát biểu tại buổi chiếu, Thượng Nghị sĩ Patrick Leahy khẳng định tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ quan hệ hai nước, trong đó có việc hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh và chất độc da cam tại Việt Nam. Thượng Nghị sĩ kể lại kỷ niệm không thể quên khi ông cùng vợ đến thăm Việt Nam và tận mắt chứng kiến cuộc sống của những nạn nhân bom mìn và chất độc da cam tại Việt Nam. Thượng Nghị sĩ cho biết chuyến thăm đã làm thay đổi suy nghĩ của ông, khiến ông quyết tâm theo đuổi việc hỗ trợ các nạn nhân chiến tranh. Thượng Nghị sĩ sẽ tiếp tục vận động Quốc hội Mỹ và trông đợi các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm hơn nữa từ phía dư luận Mỹ trong tương lai.

Về phần mình, Đại sứ Phạm Quang Vinh cảm ơn Thượng Nghị sĩ Patrick Leahy cùng các cộng sự đã luôn ủng hộ Việt Nam và quan hệ hai nước, làm việc liên tục, trong nhiều năm liền, hỗ trợ những nạn nhân của chiến tranh Việt Nam, và đã tạo điều kiện để buổi chiếu được diễn ra tại một địa điểm rất đặc biệt, trụ sở Quốc hội Mỹ.

Đại sứ Phạm Quang Vinh cũng đánh giá cao những nỗ lực của ông Baily và bà Hammond trong việc hỗ trợ các nạn nhân chiến tranh nói chung và chất độc da cam nói riêng, cám ơn sự hợp tác chặt chẽ của Chương trình Di sản chiến tranh trong việc tổ chức buổi chiếu phim mang nhiều ý nghĩa này.

Đại sứ đặc biệt cảm ơn đạo diễn Courtney Marsh đã giành 8 năm để thực hiện một bộ phim trung thực, gây xúc động, từng được đề cử giải Oscar cho thể loại phim tài liệu ngắn.

Đại sứ nhấn mạnh bộ phim mang đậm tính nhân văn, vừa nêu bật sự dũng cảm vươn lên trước số phận khó khăn của nhân vật Châu, một nạn nhân chất độc da cam, vừa thể hiện sự đùm bọc, chia sẻ của cộng đồng, và đặc biệt là lời kêu gọi Mỹ và quốc tế cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam.

Cảm ơn sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam và Văn phòng Thượng Nghị sĩ Patrick Leahy, đạo diễn Courtney Marsh cho biết từ một dự án làm phim ban đầu trong khoảng một tuần lễ, khi đến Việt Nam và gặp gỡ các trẻ em nạn nhân chất độc da cam tại một “Làng Hoà Bình”, bà đã hết sức xúc động và quyết định chuyển đề tài, mở rộng quá trình làm phim lên đến 8 năm, ghi hình cuộc sống hàng ngày của nhân vật Châu và những trẻ em Việt Nam bị ảnh hưởng chất độc da cam.

Quá trình làm phim đã để lại những cảm xúc sâu sắc với đạo diễn Courtney về hậu quả chiến tranh cũng như nỗ lực vươn lên của những thiếu niên Việt Nam dù bị ảnh hưởng chất độc da cam. Đạo diễn khẳng định sẽ tiếp tục vận động hỗ trợ các nạn nhân và mong muốn có dịp được trở lại Việt Nam.

Theo VGPNews/Bộ Ngoại giao

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast