Giảm sinh, giảm chênh lệch giới tính khi sinh

(Baohatinh.vn) - Tháng hành động quốc gia về dân số, ngày Dân số Việt Nam 26/12 năm nay, toàn quốc lựa chọn chủ đề “Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi”. Tuy nhiên, do địa phương có mức sinh cao, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh lớn, Hà Tĩnh đã chọn chủ đề “Mất cân bằng giới tính khi sinh và những hệ lụy xấu cho cộng đồng, xã hội”.

Nhân Ngày dân số Việt Nam 26/12

Giảm sinh, giảm chênh lệch giới tính khi sinh ảnh 1

Cán bộ dân số xã Sơn Hồng (Hương Sơn) đến tận nhà tuyên truyền, hướng dẫn phương pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản và KHHGĐ cho người dân.

Không đạt mục tiêu giảm sinh

Trong những ngày các địa phương đang hướng về Tháng hành động quốc gia về dân số và ngày Dân số Việt Nam 26/12, anh Phạm Bá Quyền - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Thạch Hà vẫn không giấu nổi những băn khoăn: Năm 2015, Thạch Hà có số trẻ sinh ra nhiều nhất trong toàn tỉnh. 11 tháng năm 2015, toàn huyện có tới 2.317 cháu được sinh ra, tăng 371 cháu so với cùng kỳ. Số trẻ tăng rải đều ở các xã, thị trấn trong huyện.

Không riêng Thạch Hà, các huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh đều đang đối mặt với việc không hoàn thành chỉ tiêu giảm sinh trong năm 2015. 11 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh có 19.224 trẻ chào đời, tăng 1.363 cháu so với cùng kỳ năm 2014. Năm nay, mặc dù tỷ lệ sinh trên 2 con của toàn tỉnh giảm 0,59% so với cùng kỳ năm 2014 nhưng vẫn ở mức cao (21,77%). Đó là chưa kể tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh trên 2 con của Hà Tĩnh cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước.

Ông Đường Công Lự - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: “Từ năm 2010 đến nay, Hà Tĩnh có 114.969 cháu được sinh ra, xấp xỉ dân số 32 xã, thị trấn của huyện Hương Sơn... Tình trạng gia tăng tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên diễn ra tại hầu khắp các huyện, thị xã, thành phố trong nhiều năm liên tiếp. Tỷ suất sinh thô, tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao (112 bé trai/100 bé gái) là những thách thức lớn đặt ra cho những người làm công tác DS-KHHGĐ”.

Giao lưu đối thoại sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân ở xã Thạch Đài (Thạch Hà).

Giao lưu đối thoại sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân ở xã Thạch Đài (Thạch Hà).

Chênh lệch giới tính khi sinh

Tại lễ mít tinh kỷ niệm ngày Dân số Việt Nam 26/12 vừa tổ chức tại TP Hà Tĩnh, đã có 26 trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi đại diện cho hàng ngàn em ở các gia đình sinh 2 con một bề là gái không sinh con thứ 3 trong toàn tỉnh được biểu dương, khen thưởng. Các em chính là những “tuyên truyền viên” đầy thuyết phục để làm thay đổi suy nghĩ, nhận thức của người dân về tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, đồng thời, góp phần tuyên truyền về vấn đề chênh lệch giới tính đang diễn ra hiện nay.

Theo thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ, từ năm 2009 đến nay, tỷ số này biến động ở mức 113-115 bé trai/100 bé gái (tỷ số chuẩn là 103-105 bé trai/100 bé gái). 11 tháng năm 2015, tỷ số này đang ở mức 112,6 bé trai/100 bé gái. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay sẽ dẫn đến những hệ lụy đáng buồn cho toàn xã hội. Đó không chỉ đơn thuần là việc nhiều thanh niên khó tìm được vợ mà còn dẫn đến nguy cơ gia tăng nạn buôn bán phụ nữ, lạm dụng tình dục trẻ em, tệ nạn mại dâm… Thêm nữa, cơ cấu lao động trong xã hội cũng sẽ mất cân bằng, những ngành nghề cần lao động nữ sẽ bị thiếu hụt...

Có thể thấy, khi đời sống vật chất ngày càng nâng cao, tư tưởng muốn đông con, “trọng nam, khinh nữ” còn tồn tại thì mục tiêu giảm sinh, giảm chênh lệch giới tính khi sinh ở Hà Tĩnh sẽ còn những khó khăn, thử thách. Công tác dân số là việc cần sự bền bỉ, kiên trì, thường xuyên, liên tục của cấp ủy, chính quyền và hơn hết chính là sự chung tay hành động của người dân. Có như vậy, quy mô dân số mới ổn định và Hà Tĩnh mới có thể tiến nhanh trên con đường hội nhập, phát triển.

Từ năm 2009-2015, toàn tỉnh đã tổ chức 431 cuộc gặp mặt, biểu dương, tôn vinh 2.568 chị sinh con một bề là gái, không sinh con thứ 3, vượt khó vươn lên xây dựng gia đình văn hóa. Cùng với đó, 1.066 cháu gái chăm ngoan, học giỏi trong các gia đình sinh con một bề là gái không sinh con thứ 3 cũng được biểu dương, khen thưởng.

Chủ đề Dân số KHHGĐ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast