Người trồng chè Hương Sơn vào vụ mới

(Baohatinh.vn) - Sau thời gian thu hoạch bói, đến nay, người trồng chè ở Hương Sơn - Hà Tĩnh đang bước vào thu hái đại trà vụ mới. Không khí hăng say lao động hòa lẫn với niềm vui khi chè cho năng suất cao, giá bán tăng...

nguoi trong che huong son vao vu moi

Những nương chè bạt ngàn, xanh ngát trên đất Hương Sơn - Hà Tĩnh đang vào thời điểm chính vụ thu hoạch. Ngay từ sáng sớm, không khí lao động sản xuất đã tấp nập, náo nhiệt...

Có mặt trên cánh đồng rộng hơn 60 ha ở xã Sơn Kim 2 vào khoảng 7h sáng, chúng tôi thấy hàng trăm người lưng đeo giỏ, khăn trùm kín mặt, đưa tay thoăn thoắt trên các ngọn chè. Theo bà con, không khí lao động như thế này được bắt đầu từ 5h mỗi ngày...

nguoi trong che huong son vao vu moi

Những bàn tay thoăn thoắt thu hái chè non ở thôn Tiền Phong (Sơn Kim 2)...

Gặp chúng tôi trên nương chè của gia đình, chị Nguyễn Thị Loan ở xóm 1, thôn Thượng Kim (xã Sơn Kim 2) cho biết: "Gia đình tôi nhận khoán làm 8 sào chè với Xí nghiệp Chè Tây Sơn, bắt đầu thu hoạch bói từ đầu tháng 3 và nay đã bắt đầu thu hoạch đại trà. Để thu hái kịp tiến độ trong thời gian từ 1-2 ngày, chúng tôi tiến hành đổi công với 3 hộ khác trong nhóm để đảm bảo mỗi ngày có từ 5-6 lao động trên nương. Ước tính trong đợt thu hoạch này, gia đình tôi sẽ thu về 4 tạ...".

Cùng như gia đình chị Loan, 3 hộ khác trong nhóm đổi công cũng nhận khoán từ 7-8 sào chè. Hình thức đổi công là cứ thu hoạch xong cho gia đình này thì luân phiên sang làm cho gia đình khác. Cứ thế, mỗi tháng, một vùng chè được thu hái 4 lần với tổng sản lượng 2 tạ/sào/tháng và được bán với giá 7-7,2 triệu đồng/tạ...

nguoi trong che huong son vao vu moi

Lãnh đạo cùng cán bộ kỹ thuật Xí nghiệp Chè Tây Sơn xuống động viên bà con thu hái và kiểm tra chất lượng sản phẩm

Cách đó một quảng đường không xa, gia đình chị Nguyễn Thị Ly ở thôn Tiền Phong (xã Sơn Kim 2) cũng đang tất bất thu hái sản phẩm. Theo chị Ly, gia đình có gần 1 ha chè được trồng ở vùng Đồi 70, Đượng Dâu và Bãi Nhài. Cây chè đã giúp cho cuộc sống ngày càng khấm khá, con cái ăn học nên người, nhà cửa khang trang, tiện nghi đầy đủ. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 3 lại nay, chị đã đến xí nghiệp nhận tiền nhập chè 3 lần, lần ít nhất là 7 triệu đồng, lần nhiều nhất là 15 triệu đồng và những lần tới chắc sẽ cao hơn vì chè vào chính vụ...

nguoi trong che huong son vao vu moi

Theo chị Nguyễn Thị Ly (người bên phải) thì bình quân mỗi buổi, một người hái được hơn 40 kg chè tươi, còn nếu tập trung hơn thì có thể hái 50 kg...

Cùng ra đồng với bà con, ông Lê Hoàng Thảo - Bí thư chi bộ thôn Trung Lưu (xã Sơn Tây) phấn khởi cho biết: Trong xóm có hơn 100 hộ thì có đến 64 hộ trồng chè với tổng diện tích gần 18 ha, năng suất ở những vùng đồi đã cho thu nhập đạt hơn 20 tấn/ha/năm. Chè hái không khịp bán, doanh nghiệp lại thu mua với giá cao, tiền được thanh toán sớm và sòng phẳng nên bà con rất yên tâm...".

Hiện nay, những hộ tham gia sản xuất chè đều thuộc diện khá và giàu, trong số này có những hộ làm trên 10 sào, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như: Anh Đào Xuân Huy, Vương Quốc Hưng, Lê Anh Nam, Lê Mạnh Toàn...

nguoi trong che huong son vao vu moi

Ông Nguyễn Văn Châu ở thôn Làng Chè, xã Sơn Kim 2 (người ngoài cùng bên phải) rất phấn khởi vì chỉ trong một buổi sáng, cả gia đình đã hái được 103 kg chè tươi. Đến nhập tại Xí nghiệp Chè Tây Sơn được đánh giá chất lượng tốt, hái đúng thời điểm...

Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Xí nghiệp Chè Tây Sơn cho biết: "Những tháng đầu vụ năm nay thời tiết rất thuận lợi cho sản xuất chè. Hiện nay, bà con đang bước vào thời kỳ thu hoạch đại trà nên chúng tôi đã chỉ đạo các đội bám đồng ruộng, nắm chắc tình hình thu hái từ ngoài đồng, tập trung thu mua hết chè tại xưởng, không để tồn đọng trên đồng. Trong quá trình hợp tác sản xuất, doanh nghiệp luôn giữ đúng chữ “tín”, đảm bảo các quyền lợi cho người dân...".

nguoi trong che huong son vao vu moi

Giám đốc Xí nghiệp Chè Tây Sơn (người bên phải) trao đổi với cán bộ thôn Trung Lưu, xã Sơn Tây về chất lượng của chè tươi năm nay

“Để cây chè phát triển bền vững, chúng tôi luôn chú trọng đến khâu lựa chọn giống, phân bón, thực hiện các chính sách khuyến khích sản xuất và dây chuyền công nghệ. Đặc biệt, chúng tôi luôn đặt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu để bảo vệ sức khỏe cho người trồng, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu thụ” - ông Sơn cho biết thêm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast