Tây Nguyên - người anh hùng, đất kiên trung

(Baohatinh.vn) - Tây Nguyên được ví như “mái nhà của Đông Dương”, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, KT-XH, QPAN. Chính vì vậy, một nhà quân sự tài năng đã nói: “Nếu ai chiếm được Tây Nguyên thì có quyền làm chủ miền Nam Việt Nam”.

40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015)

>>Tháng tư, về nơi "ra ngõ gặp anh hùng"...

Anh dũng, kiên cường trong chiến đấu

Trong các cuộc chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh chống Mỹ, trên địa bàn Tây Nguyên diễn ra nhiều trận đọ sức quyết liệt giữa ta và địch với mục tiêu giành lấy cao nguyên này. Thuận lợi của ta là người dân các dân tộc Tây Nguyên một lòng đi theo Đảng. Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đồng bào nơi đây đã phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, nêu cao tinh thần đoàn kết, anh dũng, kiên cường, bất khuất trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù. Tiêu biểu như anh hùng Núp, con người của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ đã làm nên một huyền thoại về người dân đánh giặc giữ nước.

Tây Nguyên - người anh hùng, đất kiên trung ảnh 1

Quân ta tiến công giải phóng Ban Mê Thuột, mở đầu chiến dịch Tây Nguyên (11/3/1975). Ảnh tư liệu

Noi gương anh hùng Núp, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã góp sức người, sức của cùng bộ đội làm nên nhiều chiến công vang dội. Điển hình như chiến dịch PlâyMe, tháng 9/1965, địch đưa Sư đoàn 1 kỵ binh đến đóng ở An Khê (Gia Lai). Bộ đội chủ lực ta được sự phối hợp của bộ đội địa phương và sự giúp đỡ của nhân dân đã chủ động tiến công địch. Chiến dịch diễn ra ở PlâyMe, Mơ Đơ Rông, Đức Cơ, Plây-cu (Gia Lai), từ 19/10 - 26/11/1965, quân ta tập kích đánh phủ đầu tiêu diệt gần 3.000 tên Mỹ - ngụy, bắn rơi 55 máy bay lên thẳng, phá hủy 89 xe quân sự… Sư đoàn kỵ binh bay số 1 Mỹ cơ động bằng máy bay lên thẳng lần đầu tiên xuất hiện ở miền Nam đã bị ta đánh bại.

Trong cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam năm 1972, ngày 30/3, ở Tây Nguyên, ta nổ súng vào tuyến phòng thủ của địch ở tây sông Pô Cô, đánh thiệt hại nặng lữ đoàn dù 2, uy hiếp địch ở vùng bắc Kon Tum. Cuối tháng 4, ta tiến công địch ở Đắc Tô - Tân Cảnh, tiêu diệt phần lớn sinh lực địch ở đây, giải phóng vùng bắc tỉnh Kon Tum. Những nỗ lực giành chiến thắng của quân và dân ta trên chiến trường Tây Nguyên đã tạo điều kiện thuận lợi để ngày 10 và 11/3/1975 mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Ất Mão.

Những đoàn xe chở quân lương, vũ khí cho chiến dịch Tây Nguyên. (Ảnh: TTXVN)

Những đoàn xe chở quân lương, vũ khí cho chiến dịch Tây Nguyên. (Ảnh: TTXVN)

Quân ta tiến công bằng sức mạnh binh chủng hợp thành, giải phóng thị xã Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk). Đây là trận then chốt, điểm đúng huyệt, tiêu diệt nhiều lực lượng tinh nhuệ và khí tài chiến tranh của địch. Chiến thắng Buôn Mê Thuột đã làm Tây Nguyên rung chuyển và khởi đầu quá trình sụp đổ của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn vào ngày 30/4. Chiến thắng 30/4 lịch sử đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ gian khổ của nhân dân Việt Nam, mang lại nền độc lập, mở ra con đường cho cả nước đi lên CNXH.

Năng động, sáng tạo trong đổi mới

Tây Nguyên là vùng đất giàu tiềm năng và có lợi thế để phát triển KT-XH, thế nhưng, hai cuộc kháng chiến kéo dài 30 năm (1945-1975) đã để lại hậu quả nặng nề. Hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội vốn đã nghèo nàn, lạc hậu lại bị chiến tranh tàn phá nên hầu như không còn gì. Dưới chế độ cũ, trên 50% đồng bào các dân tộc ít người đói kinh niên…

Sau ngày giải phóng, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm lãnh đạo, chăm lo đầu tư xây dựng, phát triển KT-XH, đảm bảo QPAN vùng Tây Nguyên. Trên lĩnh vực chính trị - xã hội, từ một xã hội phụ thuộc nhiều vào cơ cấu gia đình, buôn bản, Tây Nguyên từng bước xây dựng xã hội mới; hoàn chỉnh hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã (phường, thị trấn); an ninh chính trị ổn định; dân chủ xã hội chủ nghĩa được mở rộng, pháp luật, kỷ cương được tăng cường, thay thế dần các tập tục lạc hậu. Chế độ xã hội mới xóa bỏ bất bình đẳng về dân tộc và giai cấp, dần dần xây dựng mối quan hệ đoàn kết, bình đẳng, tương trợ và xích lại gần nhau giữa các dân tộc.

Tây Nguyên - người anh hùng, đất kiên trung ảnh 3

Tây Nguyên hôm nay (Ảnh: PV)

Thành tựu có ý nghĩa quan trọng đưa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tiến kịp miền xuôi là công tác định canh, định cư và lập các vùng kinh tế mới. Tuy có một bộ phận chưa ổn định, nhưng đã có trên 95% hộ thực hiện định canh, định cư và nhiều đợt di dân xây dựng vùng kinh tế mới. Từ người nông dân làm nương rẫy du canh, tự cấp, tự túc, nay họ đã trở thành người nông dân sản xuất hàng hóa - đó là sự trưởng thành mang tính cách mạng sâu sắc. Chính điều đó tạo nên những thay đổi to lớn, chuyển một xã hội mang nặng tính bộ tộc sang chế độ xã hội mới.

Đi liền với định canh, định cư, Tây Nguyên đã có những tiến bộ về lực lượng sản xuất. Việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, trồng và chăm sóc rừng, phát triển các ngành nghề… đã thu hẹp diện tích làm nương rẫy, từng bước khắc phục nạn phá rừng. Việc thực hiện định canh, định cư gắn với hợp tác xã nông nghiệp đã làm chuyển hóa một bước đáng kể nền sản xuất tự nhiên sang sản xuất có tổ chức, theo quy hoạch và cơ cấu kinh tế đã xác định. Trong những năm thực hiện đường lối đổi mới, KT-XH các tỉnh Tây Nguyên có bước phát triển khá, bước đầu phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, mở rộng sản xuất hàng hóa, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. Cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng KT-XH có nhiều thay đổi, nhiều khu - cụm công nghiệp ra đời; nhiều thành phố như Đà Lạt, Buôn Mê Thuột… phát triển theo hướng hiện đại, thương mại - du lịch được chú trọng phát triển.

Tây Nguyên - người anh hùng, đất kiên trung ảnh 4

Biểu diễn cồng chiêng. (Ảnh: PV)

Cùng với chính trị và kinh tế, văn hóa - giáo dục chuyển biến tích cực. Hiện nay, làng, buôn nào cũng có trường, lớp để các em đến tuổi đi học; tỷ lệ người mù chữ giảm, tiếng nói và chữ viết phổ thông được dùng rộng rãi cùng với việc phát triển tiếng nói và chữ viết dân tộc. Mức hưởng thụ và giao lưu văn hóa tăng, nhất là qua các phương tiện nghe nhìn, báo chí. Văn hóa dân tộc đang được chú tâm nghiên cứu, sưu tầm, khai thác và phát huy cùng với việc đưa những nhân tố văn hóa mới vào đời sống cộng đồng các dân tộc.

Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Đảng bộ và nhân dân các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu vượt bậc trên các lĩnh vực. Từ một nền kinh tế có điểm xuất phát thấp, kết cấu hạ tầng yếu kém, đến nay, Tây Nguyên đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, cơ sở hạ tầng KT-XH được tăng cường, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Thành tựu ấy là kết tinh của sự kế thừa truyền thống anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, năng động và sáng tạo trong công cuộc xây dựng quê hương, là hành trang quý báu để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc vùng Tây Nguyên tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng quê hương giàu mạnh, phồn vinh.

Chủ đề Sự kiện

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast