Khó khăn trong công tác phòng chống lây truyền HIV từ mẹ sang con

Những năm qua, Hà Tĩnh đã có nhiều biện pháp đẩy mạnh công tác phòng chống HIV từ mẹ sang con, đặc biệt, từ năm 2009 đến nay đã triển khai gói dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, tính đến 28/5/2013, số người nhiễm HIV/AIDS trên toàn tỉnh là 1.511 người, trong đó phụ nữ 221 người, chiếm 14,6%. Để giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai, giảm số trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ và làm giảm bớt nỗi đau cho những người nhiễm HIV.

Một trong những khó khăn là nhận thức của một số phụ nữ, đặc biệt phụ nữ mang thai về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con còn thấp nên hầu hết phụ nữ nhiễm HIV đều phát hiện muộn trong giai đoạn mang thai và khi chuyển dạ nên rất khó khăn trong việc tư vấn, xét nghiệm tự nguyện, quản lý các bà mẹ nhiễm và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV/AIDS cũng như công tác quản lý, theo dõi chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Phụ nữ nhiễm HIV đến khám và nhận thuốc điều trị ARV tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh.
Phụ nữ nhiễm HIV đến khám và nhận thuốc điều trị ARV tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh.

Theo số liệu của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, quí I/2013, trong số 1.872 phụ nữ mang thai đến các cơ sở y tế khám lần đầu thì có 1.698 người tự nguyện làm xét nghiệm HIV, trong đó chỉ có 32 người tự nguyện xét nghiệm HIV trong thời kỳ mang thai, số đông còn lại là xét nghiệm HIV trong lúc chuyển dạ. Rõ ràng, số phụ nữ có nguy cơ cao đồng ý làm xét nghiệm HIV thấp và chỉ đồng ý làm xét nghiệm khi vào phòng đẻ.

Theo bác sỹ Phùng Bình Văn - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh: thực tế số trẻ có nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cao nhất nằm ở giai đoạn bà mẹ chuyển dạ, chiếm khoảng 20%, trong khi trẻ nhiễm HIV từ trong bụng mẹ chỉ chiếm 5-10%. Với những trường hợp phát hiện muộn, lúc chuyển dạ thì các cơ sở y tế khó áp dụng phác đồ điều trị bằng thuốc ARV. Mặt khác, dù áp dụng điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con ở những trường hợp này thì hiệu quả cũng không cao.

Bên cạnh đó, hiện nay chưa có chế độ, chính sách cho các bà mẹ mang thai nhiễm HIV và trẻ em bị nhiễm HIV, trẻ em không bị nhiễm HIV nhưng bị ảnh hưởng bởi HIV. Trong khi đó, xã hội vẫn còn sự kỳ thị phân biệt đối xử với những người bị nhiễm HIV/AIDS. Vì những lý do trên nên đa số phụ nữ nhiễm HIV không dám công khai, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV cho những người xung quanh là rất cao. Hiện có 221 phụ nữ nhiễm HIV/AIDS trên toàn tỉnh nhưng chỉ có 23 phụ nữ nhiễm HIV tình nguyện vào nhóm CLB “Vì ngày mai tươi sáng” của thành phố.

Phụ nữ trong CLB đều thực hiện đúng phác đồ điều trị, hàng tháng tham gia sinh hoạt CLB, điều trị ARV và thực hiện dự phòng cho những người xung quanh. Đặc biệt, thời gian qua, có 10 phụ nữ bị nhiễm HIV mang thai được chăm sóc, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và đã có 9 trẻ được sinh ra an toàn không bị nhiễm HIV từ mẹ.

Nếu người mẹ mang thai nhiễm HIV không tham gia vào gói dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì tỷ lệ lây truyền HIV sang cho thai nhi từ 25-40%, nếu tham gia thực hiện gói dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì tỷ lệ này có thể giảm còn khoảng 5%. Nội dung của gói dịch vụ dự phòng lây truyền mẹ con là: phụ nữ được tư vấn xét nghiệm HIV; cung cấp điều trị ARV và được hỗ trợ nuôi con hoặc cung cấp sữa thay thế. Tuy nhiên, tại Hà Tĩnh, hiện nay, việc hỗ trợ nuôi con hoặc cung cấp sữa thay thế chưa thực hiện được do không có kinh phí. Hầu hết bà mẹ mang thai bị nhiễm HIV sau sinh phải ra TP Vinh để nhận sữa.

Để tất cả trẻ em sinh ra đều khỏe mạnh, trước hết, xã hội cần có cái nhìn thiện cảm với những người không may bị nhiễm HIV, tránh kỳ thị phân biệt đối xử; cần có chế độ đãi ngộ cho những phụ nữ và trẻ em không may bị nhiễm căn bệnh này; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống HIV từ mẹ sang con; đặc biệt, những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai cần tự nguyện xét nghiệm HIV sớm, nếu không may bị nhiễm HIV thì nên thực hiện gói dịch vụ dự phòng lây truyền mẹ con để phòng tránh phơi nhiễm HIV cho con.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast