Tổng Bí thư Lê Duẩn - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam

(Baohatinh.vn) - Đồng chí Lê Duẩn hay anh Ba - như cách gọi trìu mến và kính trọng của đồng chí, đồng bào - sinh ngày 7/4/1907, quê ở làng Bích La, huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Xuất thân trong một gia đình có truyền thống yêu nước, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng, năm 1930 trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam.

Hướng tới kỷ niệm 110 năm ngày sinh TBT Lê Duẩn 7/4 (1907-2017)

tong bi thu le duan nha lanh dao kiet xuat cua cach mang viet nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ III (1960). Tại Đại hội lần này, đồng chíLê Duẩn được bầu giữ chức Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng. (Ảnh: TTXVN).

Cũng như nhiều chiến sĩ cộng sản lớp đầu tiên của Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã 2 lần bị địch bắt, bị hành hạ và bị giam cầm hơn 10 năm ở nhiều nhà tù của đế quốc, thực dân; trong đó có nhà tù Côn Đảo - “địa ngục trần gian”. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của ngục tù, đồng chí đã cùng với các đảng viên khác biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Đồng chí là tấm gương sáng về tự học - tự rèn luyện, không ngừng vượt qua gian khổ để trở thành một lãnh tụ của Đảng.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954), đồng chí Lê Duẩn là Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Đồng chí đã đề ra một loạt các chủ trương quan trọng, trong đó có việc mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, giải quyết tốt vấn đề nông dân và liên minh công - nông - trí trong cách mạng dân tộc dân chủ, nên cuộc kháng chiến có nhiều chuyển biến, vùng giải phóng được mở rộng. Hình ảnh người chiến sĩ cách mạng cao gầy, trong bộ quần áo nâu, đi chân đất, chèo thuyền đi khắp các vùng kênh rạch Nam Bộ để chỉ đạo phong trào cho đến nay vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều người dân.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951), đồng chí được bầu vào BCH Trung ương và Bộ Chính trị. Trên cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí đã thay mặt Trung ương Đảng và Bác Hồ, trực tiếp lãnh đạo phong trào kháng chiến ở Nam Bộ, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đồng chí Lê Duẩn tiếp tục ở lại miền Nam để lãnh đạo phong trào cách mạng. Trong những năm tháng vô cùng gian khổ, khó khăn dưới chế độ độc tài Mỹ - Diệm, sống trong lòng nhân dân và được nhân dân bảo vệ, đồng chí đã vượt qua bao gian nan, nguy hiểm, đi khắp các địa bàn Nam Bộ, từ bưng biền Đồng Tháp đến trung tâm Sài Gòn - Chợ Lớn để nắm bắt tình hình, củng cố các cơ sở cách mạng. Từ tổng kết bài học xương máu thời kỳ này, đồng chí đã suy nghĩ cho ra đời Đề cương cách mạng miền Nam, trong đó khẳng định: “Nhân dân miền Nam chỉ có một con đường là đứng lên chống lại Mỹ - Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó, không có con đường nào khác”.

tong bi thu le duan nha lanh dao kiet xuat cua cach mang viet nam

Bí thư Thứ nhất BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đón đồng chí Fidel Castro tại sân bay Gia Lâm, trưa 12-9-1973. (Ảnh tư liệu)

Trong bối cảnh cực kỳ khó khăn của cách mạng miền Nam lúc đó, đề cương đã dấy lên trong đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng và là cơ sở để Đảng ta đề ra đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam trong những năm tiếp theo.

Giữa năm 1957, đồng chí Lê Duẩn được Trung ương điều ra Hà Nội công tác bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh để chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng. Tình hình trong nước và quốc tế thời gian này hết sức phức tạp. Được Trung ương phân công phụ trách công việc chung của Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã hoàn thành một cách xuất sắc vai trò người lãnh đạo công tác chuẩn bị những quyết sách chiến lược về nhiệm vụ chung của cách mạng cả nước cũng như nhiệm vụ cụ thể của cách mạng 2 miền để báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị trước khi đưa ra trình Hội nghị Trung ương 15 (khóa II) và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960) đã bầu đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng (từ năm 1976 là Tổng Bí thư). Với cương vị là người đứng đầu BCH Trung ương suốt 26 năm liền, đồng chí đã góp phần quan trọng cùng với Bộ Chính trị hoạch định, hoàn thiện đường lối và phương pháp cách mạng, đường lối và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng ta. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần (1969), đồng chí đã cùng với Bộ Chính trị kế tục và hoàn thành xuất sắc tâm nguyện của Người: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, làm nên một kỳ tích của dân tộc ta và là một trong những sự kiện vĩ đại của thế giới trong thế kỷ XX.

Công lao, cống hiến của đồng chí Lê Duẩn đóng góp cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đặc biệt, những sáng tạo của đồng chí về lý luận và đường lối cách mạng trong đấu tranh chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đã nâng trình độ tư duy lý luận của Đảng ta, dân tộc ta lên một tầm cao mới, góp phần làm phong phú kho tàng lý luận của cách mạng thế giới.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lê Duẩn đã không ngừng phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách, đi vào lịch sử đương đại của dân tộc như là một trí tuệ lớn, một tài năng lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam. Lịch sử nước ta mãi mãi khẳng định công lao và cống hiến xuất sắc của đồng chí Lê Duẩn. Hình ảnh của đồng chí sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast