Bảo vệ quyền lợi cho lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

(Baohatinh.vn) - Đó là nội dung đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh đặt ra tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Bảo vệ quyền lợi cho lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước được thực hiện từ hơn 30 năm nay và được thể chế hóa bằng Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 72/2006/QH11 (Luật số 72) từ năm 2007.

Tuy nhiên, sau 13 năm thi hành, thực tiễn đang đặt ra các yêu cầu phải tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện một số quy định của luật.

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, sau khi chỉnh lý, dự thảo luật gồm 8 chương và 76 điều; giảm 3 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (bãi bỏ 5 điều, bổ sung mới 1 điều và tách 2 điều).

So với luật hiện hành, dự thảo luật có 34 điểm mới thuộc 8 nhóm nội dung lớn.

Tham gia góp ý vào dự thảo luật, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn nêu ý kiến: “Về đối tượng áp dụng (Điều 2, dự thảo luật), tôi chọn phương án 1 gồm 5 khoản (phương án 2 chỉ có 4 khoản), trong đó tại khoản 4 quy định đơn vị sự nghiệp trung tâm dịch vụ việc làm cấp tỉnh thực hiện đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế phù hợp với quy định trong Luật Thỏa thuận quốc tế cũng như thực tiễn tại các địa phương”.

Tại khoản 1 Điều 5, đại biểu Nguyễn Văn Sơn nhất trí với phương án 1 (đảm bảo phù hợp với điểm a khoản 1 Điều 37 của Luật Việc làm); còn khoản 2, khoản 3, Điều 5 đề nghị giữ nguyên như dự thảo luật.

Tại khoản 3, Điều 43, đại biểu Sơn đồng ý với phương án 1, Chính phủ quy định nhiệm vụ của trung tâm dịch vụ việc làm và quy định rõ điều kiện không thu tiền của người lao động, nhằm thực thi điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế bảo đảm hiệu quả, không phát sinh bộ máy và biên chế.

Bảo vệ quyền lợi cho lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn tham gia góp ý về Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (sửa đổi).

Đại biểu cũng đồng tình với việc bổ sung thêm Điều 74, Chính phủ quy định cụ thể chức năng của trung tâm dịch vụ việc làm, ngoài 7 chức năng đã được quy định, bổ sung thêm 1 chức năng.

Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn đồng tình với tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc Nhà nước quản lý và có quy định từng bước bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động không hợp đồng; khắc phục khoảng trống pháp lý bằng các văn bản quy phạm có sự phối hợp trong quan hệ quốc tế với các nước bằng hành lang pháp lý phù hợp.

Về quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước (Điều 67, 68, 69 dự thảo luật), đại biểu Nguyễn Văn Sơn cho rằng, đây là yêu cầu của thực tiễn nhằm xử lý những rủi ro, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời giúp cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt cơ chế dự phòng và khắc phục rủi ro.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast