Xã hội hóa đầu tư xây chợ nông thôn ở Hà Tĩnh: Doanh nghiệp gặp khó!

(Baohatinh.vn) - Không như kỳ vọng ban đầu, các doanh nghiệp sau khi đầu tư xây dựng, chuyển đổi mô hình chợ nông thôn trên địa bàn huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đều đang gặp khó khăn. Nên chăng, trong đầu tư xã hội hóa chợ, cần căn cứ vào điều kiện thực tế kinh doanh để tránh lãng phí nguồn lực.

Người dân vẫn giữ nếp chợ phiên

Có mặt tại chợ huyện Đồng Lộc vào cuối buổi sáng, chúng tôi bắt gặp nhiều tiểu thương “rục rịch” đóng ki-ốt để về. Chị Nga – một tiểu thương kinh doanh quần áo trong chợ chia sẻ: “Quy mô chợ huyện mỗi tháng họp 30 phiên. Chợ họp cả ngày, nhưng ở đây, bà con vẫn giữ nếp chợ phiên sáng. Vì thế, chúng tôi cũng chỉ đứng ốt khoảng chừng 3 – 4 tiếng đồng hồ vào mỗi phiên buổi sáng thôi”.

Xã hội hóa đầu tư xây chợ nông thôn ở Hà Tĩnh: Doanh nghiệp gặp khó!

Người dân vẫn giữ nếp chợ phiên nên mỗi tháng, chợ huyện Đồng Lộc chỉ họp được chừng 15 - 20 phiên.

Sức mua ảm đạm, kém sôi động so với kỳ vọng ban đầu nên từ khi khai thác đến nay (tháng 01/2019 – PV), Ban Quản lý chợ huyện Đồng Lộc vẫn đang phải bù lỗ cho các chi phí để duy trì hoạt động chợ.

Anh Phan Văn Đồng – Trưởng ban quản lý chợ huyện Đồng Lộc, cho biết: “Chợ huyện Đồng Lộc do Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại 168 (thị trấn Nghèn) đầu tư, tổng vốn khoảng 15 tỷ đồng. Chợ có quy mô 200 ki - ốt nhưng hiện tại chỉ khoảng 60% tiểu thương thuê ốt kinh doanh. Ước tính, mỗi tháng, doanh nghiệp thu các khoản phí vào chợ khoảng 20 triệu đồng. Khoản thu này chưa đủ để bù lỗ”.

Xã hội hóa đầu tư xây chợ nông thôn ở Hà Tĩnh: Doanh nghiệp gặp khó!

Chưa đến 11h trưa nhưng nhiều ki - ốt ở chợ huyện Đồng Lộc đã "cửa đóng then cài".

Đầu tư xây chợ với số vốn không hề nhỏ nhưng doanh thu thấp khiến doanh nghiệp lao đao. “Cầm cự” hơn 6 tháng, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại 168 đã thực sự "mệt mỏi" vì lỡ "dấn thân" vào đầu tư xây dựng chợ.

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay

Không riêng chợ Đồng Lộc, các doanh nghiệp khác trên địa bàn huyện tham gia đầu tư xây dựng chợ cũng gặp tình cảnh khó khăn. Như chợ Nhe (xã Vĩnh Lộc – Can Lộc), Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Nhật Vượng hiện đang làm hồ sơ thủ tục vay vốn để đầu tư xây dựng dãy ki-ốt mặt đường nhưng “gõ cửa” tất cả các ngân hàng đều bị từ chối.

Anh Nguyễn Văn Vượng – Giám đốc Công ty, cho biết: “Các ngân hàng đều lấy lý do đầu tư vào chợ không hiệu quả nên không cho doanh nghiệp vay vốn. Chúng tôi thì lại ở vào thế "tiến thoái lưỡng nan", không nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ thì chợ không đạt yêu cầu về quy hoạch và việc khai thác các ki-ốt trước đó cũng không hiệu quả nhưng đầu tư thì rất khó huy động vốn”.

Xã hội hóa đầu tư xây chợ nông thôn ở Hà Tĩnh: Doanh nghiệp gặp khó!

Doanh nghiệp cần vay vốn ngân hàng để đầu tư cơ sở hạ tầng chợ Nhe nhưng bị "khước từ" vì đầu tư vào chợ không hiệu quả.

Được biết, để xây dựng chợ Nhe Vĩnh Lộc, từ năm 2017 đến nay, Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Nhật Vượng đã đầu tư hơn 8 tỷ đồng. So với số vốn bỏ ra, doanh số thu về không như kỳ vọng. “Chợ nông thôn nên bà con thỉnh thoảng chỉ có vài "mớ rau, con cá" ra ngồi bán, chẳng lẽ mình thu tiền của họ. Trong khi đó, để đảm bảo an ninh, vệ sinh môi trường, hàng tháng, chúng tôi vẫn phải thuê công nhân quét dọn. Chi phí cho thuê chợ hiện nay cũng chỉ mới đủ để duy trì hoạt động của bộ máy quản lý chứ chưa hề có lãi” – Giám đốc Nguyễn Văn Vượng nhấn mạnh.

Xã hội hóa đầu tư xây chợ nông thôn ở Hà Tĩnh: Doanh nghiệp gặp khó!

Quy mô chợ loại 3 họp theo ngày nhưng chợ Nhe vẫn giữ nếp họp phiên các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27

Chợ hoạt động không hiệu quả so với kỳ vọng ban đầu là tình trạng chung mà các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng chợ ở Can Lộc đang gặp phải. Theo thống kê, thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ, đến nay, toàn huyện Can Lộc có 13/15 chợ đã chuyển đổi. Trong đó, 5 chợ được chuyển đổi cho doanh nghiệp quản lý và 8 chợ do HTX quản lý.

Xã hội hóa đầu tư xây chợ nông thôn ở Hà Tĩnh: Doanh nghiệp gặp khó!

Dù chợ huyện Đồng Lộc có nhà gửi xe quy mô nhưng người dân vẫn để xe bên lề đường mỗi khi vào chợ, gây mất an toàn giao thông và khó khăn cho ban quản lý chợ trong việc đảm bảo an ninh trật tự.

Đánh giá về chất lượng các chợ sau chuyển đổi, ông Bùi Huy Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết: “Các chợ đã được chuyển đổi chất lượng dịch vụ tốt hơn nhiều, không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thương, buôn bán của người dân mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, vì chợ ở nông thôn, sức mua hạn chế nên thời gian qua, việc khai thác các chợ do doanh nghiệp quản lý vẫn chưa hiệu quả. Nên chăng, trong đầu tư xã hội hóa chợ, các cơ quan, ban ngành cần căn cứ vào điều kiện thực tế kinh doanh để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư”.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast