Về ăn cơm mẹ…

Những năm tháng phiêu bạt xứ người, thổn thức trong tôi là nỗi nhớ da diết bữa cơm quê dân dã, chân chất vị nắng mưa mà mẹ đã trọn lòng gửi vào đó tình yêu thương đậm đà.

Còn gì ấm áp hơn khi được ngồi bên mâm cơm đủ đầy các thành viên gia đình, quây quần trên chiếc chiếu hoa đậm hồn quê xứ, khói tỏa bàng bạc quấn quýt giữa những khuôn mặt ánh lên niềm hạnh phúc, bình yên.

Về ăn cơm mẹ…

Còn gì ấm áp hơn khi được ngồi bên mâm cơm đủ đầy các thành viên gia đình. Ảnh Internet

Cha vừa nhấp thêm ngụm rượu đế, vừa khề khà chuyện xóm làng, chuyện đồng áng một nắng hai sương, mẹ tảo tần xới cơm thật đầy vào chén đất bình dị cho bầy con đang tuổi ăn tuổi lớn. Cha và mẹ cùng cười hiền hậu khi nghe bầy con nhỏ xôn xao kể chuyện trường lớp, bè bạn, tiếng bát đũa lanh canh lẫn vào tiếng củi trong lò lục bục, tí tách.

Nỗi nhớ quê xứ nồng hậu cũng bắt đầu từ những điều giản dị, chân phương như thế, tựa dòng sông nặng nghĩa phù sa vỗ về lòng tôi qua năm tháng ngọt bùi. Để rồi len lỏi trong những nhọc nhoài phố thị, đôi lúc lòng xao xác thèm một mùi vị đồng quê chỉ còn lại nơi miền thơ ấu.

Khi bước chân bùi ngùi bước giữa chốn viễn xứ xa xôi, mới biết “nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương” trong khắc khoải hoài vọng ngày trở về. Và dáng mẹ lặng thầm bên bếp lửa tỏa khói rơm, nồng thơm vương vấn mùi đồng chua nước mặn, vẫn đau đáu trong khắc khoải tiềm thức, níu tâm hồn với nguồn cội nguyên sơ…

Về ăn cơm mẹ…

Nhớ dáng mẹ lặng thầm bên bếp lửa tỏa khói rơm. Ảnh: Internet

Bao mùa nắng mưa tá túc giữa thị thành chật nỗi nhiêu khê, vội vã những bữa cơm lạ xa nơi hàng quán, tôi chạnh lòng thương bát cơm chắt chiu mùi gạo mới, thèm được xì xụp húp chén canh chua mát lòng của mẹ. Ước được về trải chiếu trước hàng hiên, ngồi nghe tiếng bìm bịp kêu từ bụi tre kẽo kẹt sương gió, nếm vị cá rô nướng chấm cùng nước mắm tỏi ớt nghe thấm đượm vị đồng quê, thêm đĩa ngọn bí đỏ xào chung với tép khô, tô canh mướp lành ngọt chứa chan tấm lòng thảo thơm của mẹ.

Chỉ cần mùa nào thức nấy với vườn rau tập tàng mướt xanh yên ả, cái ao nhỏ nuôi bầy cá rô, cá lóc đớp bọt nắng trong veo, từ đọt bông súng, ngọn khoai quanh năm chân chất đượm nét quê mùa, mẹ sẽ khéo léo vun vén nên bữa cơm đậm tình dân dã, ngọt lòng mát dạ cho đứa con xa xứ lâu ngày trở về ru lại giấc mơ quê. Có dưa ăn dưa, có cá ăn cá, chỉ cần được ngồi cùng mẹ nghe bình yên râm ran sưởi ấm lồng ngực, vỗ về bao dầu dãi gió bụi đường đời.

Chao ôi, nhớ se sắt lòng xôn xao tiếng nồi niêu, bát đũa, mỗi người một tay phụ mẹ dọn cơm ra manh chiếu cũ; nhớ những mùa mưa thơ ấu, chị em tôi lụi cụi vùi tro nướng hạt mít, hạt điều; nhớ bát chè đỗ đen nghe ngọt mát lắng dịu những trưa hè oi bức… Vị của nỗi nhớ thành ra cũng đậm đà như chén mắm cơm thêm vài lát gừng cay xè đầu lưỡi, cũng mặn mòi tựa nồi cá bống kho tiêu ăn với rau muống luộc, cũng quyện hòa chua ngọt như bát canh ếch lá giang thơm nồng…

Về ăn cơm mẹ…

Thương nhớ đồng quê. Ảnh: Internet

Chỉ được về nhà ăn một bữa cơm đạm bạc mẹ nấu cũng đủ khiến lòng mình xoa dịu những chông chênh, va vấp, mà nương níu trong vành nôi quê xứ êm giấc ca dao. Không dưng, mọi bức bối, hẫng hụt nơi phố xá gói trọn trong hai chữ: Yên bình.

Hạnh phúc của mẹ là lúc được tảo tần nấu bữa cơm quê ngọt bùi thơm thảo, cho bầy con mãi còn bé bỏng trong mắt người. Hạnh phúc của mẹ là khi được nhìn các con ăn ngon trong vòng tay chở che ấm áp, của mảnh đất quê nhà nghĩa tình muối mặn gừng cay. Ai cũng có những khao khát vẫy vùng như cánh diều giấy vươn mình lên xa thẳm, đừng để một ngày cánh diều ấy đứt dây mà lòng quên mất lối về nguồn cội, quên mất bóng hình mẹ vò võ đợi chờ bên mâm cơm trống vắng.

“Ai cách xa cội nguồn, ngồi một mình. Nhớ lũy tre xanh, dạo quanh khung trời kỷ niệm. Chợt thèm… rau đắng nấu canh…”(*). Câu hát ai buông sao mà bùi ngùi, da diết thế!

(*) Bài hát “Còn thương rau đắng mọc sau hè” của nhạc sỹ Bắc Sơn.

  • Về ăn cơm mẹ…
    Mẹ già như chuối chín cây...

    Thời gian ngỡ như chớp mắt. Mới ngày nào đó, cha mẹ ta còn bước đi mạnh mẽ, nói năng sang sảng, rành rẽ… Bỗng một ngày chuyến tàu thời gian đưa song thân của ta đến cái ga mà dù không muốn ai cũng phải đến: Lão, tử.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast