Hôm nay wifi... hết tiền, vui quá!

“Wifi hết tiền” là cách mà chị Ngọc gọi mỗi khi tới kỳ hạn đóng tiền cước internet mà “chủ mạng” của xóm trọ chưa đi đóng được. “Wifi hết tiền” là cả xóm chúng tôi nhảy đứng nhảy ngồi, chỉ có chị Ngọc là vui. Chị bảo: “Chỉ có như vậy, mấy đứa mới chịu ra ngoài này hóng mát, nói chuyện, còn không cứ nằm trong phòng, chẳng thèm nhìn mặt nhau”.

hom nay wifi het tien vui qua

Chị em công nhân cùng nhau thêu tranh, nói chuyện lúc rảnh rỗi - Ảnh: L.T

Dãy nhà trọ chúng tôi ở có 10 phòng. Trước đây, để có thể lên mạng, lướt web, xem thông tin giải trí, mỗi người phải tự đăng ký gói cước 3G với giá ít nhất 70.000 đồng/tháng. 70.000 đồng so với tiền lương của công nhân không phải là nhỏ nên cả xóm gần 30 người nhưng chỉ chừng vài người dùng, còn lại là đi bắt ké sóng wifi của chủ nhà hoặc các quán cà phê gần đó. Nhưng sóng yếu, khi có khi không. Nhiều đứa bực mình bởi ngồi cả buổi mới tải được cái hình của người yêu trên facebook, chưa kịp “bày tỏ cảm xúc” thì wifi tắt mất.

Thế là cả xóm rủ nhau rồi cử đại diện lên nhà mạng đăng ký gói cước cho cả xóm xài, đứa đứng tên thì được phong cho cái chức “chủ mạng”. Cả xóm 30 người thì hết 29 người dùng điện thoại thông minh, mỗi chị Ngọc vẫn trung thành với cái điện thoại “cùi bắp”, đảm bảo chức năng nghe, gọi, nhắn tin và bắt được sóng FM. Dù vậy, chị vẫn đăng ký tham gia đóng cước với mọi người. Gói cước 380.000 đồng/tháng, chia đều cho 30 người. Mỗi tháng, mỗi người đóng chưa đến 15.000 đồng nhưng ai cũng được dùng internet, lên mạng, lướt web, giải trí…

Nhưng từ ngày có wifi, xóm trọ của chị Ngọc ít tiếng nói cười hơn hẳn. Đi làm về là mọi người phòng ai nấy tỏ, trong phòng thì mỗi người mỗi góc, cười nói một mình. Trước đây, nếu không có wifi, mỗi buổi tối thể nào cũng có năm, mười đứa tụ tập ở ghế đá, dưới giàn sử quân tử, tỏa hương thơm dìu dịu để “tám chuyện”. Có người nên vợ nên chồng từ những lần “tám” chuyện như vậy.

Ngọc ở xóm trọ này đã hơn 5 năm. Nhiều tiền chị không có nhưng để mua một cái điện thoại thông minh thì Ngọc có thừa, thế nhưng Ngọc không muốn trở thành 29 bạn còn lại, cắm mặt vào điện thoại mỗi khi bước chân vào phòng trọ. Nhiều lần ngồi ăn cơm với bạn cùng phòng, Ngọc hỏi chuyện, nhưng chẳng ai buồn nói, cứ dán mắt vào điện thoại, rồi nói chuyện, quan tâm một người nào đó ở tận Hà Nội, Hải Dương. Có khi, cái xóm trọ 10 phòng này, nhiều người mới vào chẳng ai biết tên nhưng bạn bè trên Facebook ở đâu cách xa cả ngàn cây số cũng nói chuyện thắm thiết như thân tình. Những lúc như thế, Ngọc lại nhớ những lần cả phòng cùng nhau nấu chè, làm bánh, làm xoài lắc chua cay hít hà… Và Ngọc lại ước phòng trọ cúp điện hoặc tới tháng đóng wifi mà cái đứa “chủ mạng” lại bận việc không đi đóng tiền được để 29 đôi mắt kia rời cái điện thoại ra.

“Tối cuối tuần này tui nấu chè đậu đen mời cả xóm. 7g tối nhớ ra ghế đá dưới giàn sử quân tử. Ông tắt cục phát sóng, tắt nguồn wifi giúp tui rồi thông báo với mọi người là nhà mạng nâng cấp nên tạm thời không dùng được…” – Ngọc dè dặt đề nghị với “chủ mạng”.

Ngọc bảo: “Cuối tuần này là sinh nhật của cái Hà và thằng Tiến. Mấy năm trước xóm mình đều nấu chè, tự dưng năm rồi cả xóm lại mừng sinh nhật trên Facebook, ai cũng gửi hoa, gửi bánh qua Facebook, trong khi tụi nó sát đó mà không chịu gặp nói chuyện với nhau. Riết rồi xóm mình không còn như ngày trước nữa”.

“Chủ mạng” không biết nghĩ gì, cuối tuần đó, tắt wifi từ sáng sớm: “Tui thấy đúng, hiện đại tới đâu thì hiện đại, kết bạn xa gần thì cũng quý nhưng mình đều là dân xa quê, không anh em thân thiết, phải nương tựa nhau, muốn vậy phải giao tiếp bằng lời” – “Chủ mạng” nói với Ngọc, như vừa ngộ ra một chân lý tuyệt vời!

Theo Lao động

Chủ đề Tư vấn sức khỏe

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast