“Dĩ công vi thượng”

(Baohatinh.vn) - Chẳng bao giờ thích nói về mình, nhưng Đại tá Phan Văn Đán - Trưởng công an huyện Nghi Xuân lại có một chuỗi thành tích dài về phá án, được đồng nghiệp kính nể, nhân dân mến phục. Kinh nghiệm dày, nghiệp vụ tinh thông và bản lĩnh cương quyết, đó là nhờ anh đã làm theo lời Bác: “Dĩ công vi thượng”…

Xả thân

Quen anh đã gần 2 thập kỷ, nhưng Đại tá Phan Văn Đán rất kiệm lời khi nói về mình. Có lúc anh từ chối vì đang bận một cuộc họp khẩn, có lúc ngồi uống trà đàm đạo vài câu chuyện vui nhưng vào “công đoạn phỏng vấn” thì anh lại cười bảo: “Ôi dào, cá nhân tôi có gì đâu, đều công của tập thể cả!”. Điệp khúc ấy diễn ra không biết bao nhiêu lần, nhưng không làm tôi thất vọng.

“Dĩ công vi thượng” ảnh 1

Đại tá Phan Văn Đán - Trưởng công an huyện Nghi Xuân (Ảnh: VNN)

Cho tới một buổi sáng tháng 11 năm nay, tôi bươn bả giữa gió mùa đông bắc để đến gặp anh theo lịch hẹn. Lần này, Đại tá Phan Văn Đán mới “bật mí” về nỗi vất vả, gian nan khi anh mới vào nghề, áp lực công việc trong giai đoạn mới.

“Tôi sinh ra ở làng Tiên Điền (Nghi Xuân). Hết cấp 3 thì vào học Khoa Điều tra xét hỏi - Học viện Cảnh sát. Đầu năm 1985, về nhận công tác tại Công an huyện Đức Thọ. Lúc đó, tôi mới 25 tuổi, cái tuổi “gân đang săn và thớ thịt căng da”, lòng đầy hào hứng khi bước vào trận địa mới...”. Chỉ một thời gian ngắn, anh đã chứng tỏ được sự sắc sảo, tận tụy và thông minh khi giải quyết công việc, khiến ông Đoàn Ngọc Quyến - Trưởng công an Đức Thọ rất hài lòng và đã đề bạt Trung úy Phan Văn Đán làm Đội trưởng Đội Điều tra xét hỏi và sau đó là Phó Công an huyện. Tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm chưa có, trong khi các tuyến đường thủy và đường sắt ở Đức Thọ không có tuyến nào vắng bóng tội phạm. Có những ngày dân đến trình báo 15-20 vụ trộm... Không ít đêm, anh cùng các chiến sĩ “đi mưa, về gió”; có lúc bỏ cả cơm trưa khi nghe tin dữ: đường dây cáp điện thoại bị cắt, toa tàu hàng bị “bốc hơi” hay trạm vật tư nông nghiệp hôm qua bị kẻ trộm bẻ khóa “cuỗm” hàng chục tấn phân đạm… Anh Đán tâm sự: “Không ít vụ án khiến mình day dứt, quyết tâm tìm bằng được thủ phạm. Chẳng hạn, một nông dân ở miền thượng Đức Thọ, vợ ốm, con tật nguyền, cả đời làm lụng mới mua được một con trâu cày, thả ăn ngoài đồng, bị kẻ trộm dắt mất. Lần ra dấu vết, trả lại trâu cho họ mà mình thấy ý nghĩa vô cùng”.

7 năm gắn bó với vùng quê Đức Thọ, năm 1992, anh được điều động về làm Phó Công an TX Hồng Lĩnh. Hồi ấy, nơi đây còn hoang sơ, khu vực Đậu Liêu, Bãi Vọt vẫn là “điểm nóng” cướp giật. Lúc băng nhóm cướp giật hàng hóa trên xe tải; lúc cướp hành lý, xe máy của khách qua đường. Rồi những mâu thuẫn gay gắt trong dân dẫn tới đốt nhà, phá hoại tài sản... Không nản chí, anh tăng cường phối hợp quần chúng, mở rộng hướng điều tra để phá án.

Hơn 9 năm làm Phó Công an TX Hồng Lĩnh với hàng trăm vụ án do anh trực tiếp chỉ đạo điều tra, không có vụ nào đi vào “ngõ cụt”. Điển hình như vụ “khiếu kiện ở Trung Lương”. Các phần tử quá khích đã bắt dân “rào làng” hòng chống lại cấp ủy, chính quyền. Thời điểm ấy, anh vào tận hang cùng, ngõ hẻm làng Trung Lương để nắm tình hình và tham mưu đắc lực cho lãnh đạo Công an tỉnh phương án hay nhất để tóm gọn các phần tử chống đối. Đêm phá án, lực lượng truy kích được chia thành 8 mũi tấn công với phương châm bí mật và mau lẹ làm, đối phương không kịp trở tay. Riêng Phan Văn Đán “cầm quân” một mũi, cùng 5 chiến sĩ tập kích vào tận giường tên Khoan Châu khi hắn còn mê ngủ.

Mưu lược và bản lĩnh

Cuối năm 1999, Phan Văn Đán về làm Trưởng Công an huyện Nghi Xuân. Được thăng chức, phong quân hàm, đây là niềm tự hào, nhưng cũng là thử thách lớn đối với anh, bởi anh sinh trưởng trên đất Nghi Xuân, bao mối quan hệ dòng họ, bạn hữu đã gắn bó từ thuở còn thơ bé. Làm cán bộ công an được Đảng và dân tin, một nguyên tắc bất biến là phải thượng tôn pháp luật. Chính vì thế, khi gác mọi riêng tư, lấy “phép công làm trọng” thì anh lại bị hiểu nhầm, bị người thân trách cứ. Hơn nữa, Nghi Xuân là huyện nằm sát cửa ngõ TP Vinh.

Những tội ác ghê rợn như giết người, hiếp dâm, mại dâm, lừa đảo, thanh toán lẫn nhau... xuất hiện ở TP Vinh thì chỉ vài tuần sau, “mầm ác” ấy lại “mọc” trên đất Nghi Xuân. Những đối tượng hình sự cộm cán, liều lĩnh, rồi hàng loạt vụ khiếu kiện tranh chấp đất đai, bức xúc trong quần chúng về cán bộ tham nhũng... khiến anh và các đồng nghiệp rất vất vả.

Thời gian gần đây, dư luận quan tâm nhất đó là “sự kiện nóng” về đất đai, giải phóng mặt bằng có dính tới một số cán bộ cấp huyện do Công an huyện Nghi Xuân khởi tố. Tôi hỏi: - Người ta bảo anh có “trái tim thép” mới đưa các vụ án này ra ánh sáng được phải không?

Đại tá Đán bỗng chùng giọng: Nói thế là quá cường điệu, tôi cũng biết yêu thương và chia sẻ tình cảm chứ! Các anh: Khánh, Đức, Sáng đều là người quen; thậm chí, có người là bà con, họ hàng, nhưng họ đã đi quá “vạch đỏ” thì tôi làm sao có thể bao che được. Tôi đã răn đe, nhắc nhở, nhưng họ không nghe. Chẳng hạn, Lê Quốc Khánh - một cán bộ biến chất, 2 lần bị đuổi việc, vậy mà, khi làm cán bộ Ban giải phóng mặt bằng huyện, lại “ngựa quen đường cũ”, lừa dân hòng chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. Khi họ vi phạm pháp luật; ký quyết định bắt, tôi cũng mất ăn, mất ngủ và đau lòng lắm chứ!

Chiều đông muộn, chia tay Đại tá Phan Văn Đán, tôi cứ ngẫm nghĩ mãi lời giãi bày của anh: Suốt gần 3 thập kỷ gắn bó với nghề, tôi không bị vật chất cám dỗ để phải đánh mất mình, mất niềm tin của dân, bởi tôi luôn biết thượng tôn pháp luật, như lời Bác Hồ dạy “dĩ công vi thượng”, đặt việc công lên trên hết…

Những phần thưởng cao quý của Đại tá Phan Văn Đán :Từ năm 1988-2014, liên tục được công nhận chiến sĩ thi đua cơ sở. Hai lần được công nhận chiến sĩ thi đua toàn ngành Công an (năm 2005 và 2008). Năm 2010, được công nhận chiến sĩ thi đua toàn quốc. 5 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 3 Huân chương Nhà nước: Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì.

Tháng 11/2014

Chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast