Cáo buộc này rõ ràng ám chỉ đến quyết định của Doha trong việc cho phép Thổ Nhĩ Kỳ triển khai thêm quân vào lãnh thổ của Qatar giữa thời điểm bùng nổ cuộc khủng hoảng được đánh giá là lớn nhất khu vực trong nhiều năm trở lại đây.
Thổ Nhĩ Kỳ đã ngay lập tức đưa thêm quân vào Qatar khi cuộc khủng hoảng bùng phát
Bahrain, cùng với Ả-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và Ai Cập đã thực hiện một cuộc tẩy chay, bao vây và cô lập Qatar từ cách đây 3 tuần với lý do cáo buộc Qatar ủng hộ cho lực lượng khủng bố. 4 quốc gia trên sau đó đã ra một tối hậu thư gồm 13 điểm, trong đó có yêu cầu Qatar phải đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Doha.
Thổ Nhĩ Kỳ - một nước lớn mạnh hàng đầu khu vực đang sát cánh với Qatar trong cuộc khủng hoảng, đã tăng số lượng binh lính được triển khai đến căn cứ ở Qatar ngay sau khi 4 nước Ả-rập Xê-út, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và Ai Cập khơi mào cuộc đối đầu với Qatar.
"Bản chất của cuộc tranh cãi với Qatar là mang tính ngoại giao và hướng đến an ninh, không bao giờ liên quan đến quân sự. Đưa quân đội nước ngoài và phương tiện bọc thép của họ vào đất nước là một hành động leo thang quân sự do Qatar gây ra”, Ngoại trưởng Bahrain Sheikh Khalid bin Ahmed al-Khalifa hôm qua đã nói như vậy trong một thông điệp được đăng tải trên Twitter.
Trước đó, trong một tuyên bố khác được đưa ra hồi cuối tuần, Ngoại trưởng Bahrain Sheikh Khalid nhấn mạnh rằng, sự can thiệp từ bên ngoài vào cuộc khủng hoảng liên quan đến Qatar không giải quyết được vấn đề.
Qatar bác bỏ cáo buộc về việc họ gây ra sự bất ổn trong khu vực.
Ả-rập Xê-út và một loạt đồng minh của nước này hôm 5/6 đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc nước này hậu thuẫn cho khủng bố. Diễn biến trên châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất ở khu vực Trung Đông trong nhiều năm trở lại đây và đang đẩy khu vực vốn nhiều bất ổn vào tình trạng đối mặt với ngày một nhiều nguy cơ bùng nổ xung đột.
Trong tình trạng phải đối mặt với vòng vây ngày càng siết chặt của các nước láng giềng, Qatar đã nhận được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm 8/6, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định sẽ triển khai 5.000 quân đến Qatar với lý do thực hiện nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh cho toàn bộ khu vực. Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã lên tiếng chỉ trích gay gắt các nước Ả-rập về việc cô lập Qatar.
Phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ
Sau khi Ả-rập Xê-út, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và Ai Cập đưa ra tối hậu thư, trong đó có nội dung yêu cầu Ankara phải rút quân khỏi Qatar, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Reccip Tayyip Erdogan đã bác bỏ ngay lập tức và trả lời đanh thép rằng “không”.
"Việc yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi Qatar trước hết là hành động thiếu tôn trọng đối với chúng tôi”, tờ Guardian của Anh dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
"Chúng tôi không cần sự cho phép của bất kỳ ai để thiết lập các căn cứ quân sự trong lòng các đối tác của chúng tôi. Chúng tôi ủng hộ và đánh giá cao lập trường của Qatar đối với yêu cầu 13 điểm. Đó là một cách tiếp cận rất, rất xấu xí nhằm tìm cách can thiệp vào thỏa thuận của chúng tôi”, ông Erdogan gay gắt chỉ trích.
Ông Erdogan còn nói thêm rằng, tối hậu thư của 4 quốc gia vùng Vịnh là một sự can thiệp bất hợp pháp vào công việc nội bộ của Qatar.
Trong một động thái cho thấy sự leo thang nghiêm trọng trong cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất khu vực trong nhiều năm trở lại đây, Riyadh đã siết chặt các biện pháp trừng phạt Qatar, chỉ cho Doha 10 ngày để trả lời về tối hậu thư mà họ đưa ra. Tuy nhiên, không rõ các nước sẽ trừng phạt quốc gia bé nhỏ Qatar như thế nào nếu họ không thực hiện yêu cầu 13 điểm nói trên.
Đến thời điểm này, Doha đã khẳng định sẽ không tuân theo 13 yêu cầu mà các nước láng giềng của họ đưa ra. 4 quốc gia Ả-rập Xê-út, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và Ai Cập được cho là sẽ có phản ứng với câu trả lời thách thức nói trên của Qatar vào ngày 3/7.