Hội thảo khoa học quốc tế “Quản trị khủng hoảng thông tin trong bối cảnh đại dịch Covid-19”. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Hội thảo gồm 1 phiên khai mạc và 2 phiên chuyên đề với 6 tham luận do các chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc trình bày. Phiên 1 tập trung vào thực trạng của cuộc khủng hoảng thông tin trong đại dịch Covid-19 hiện nay. Phiên 2 tập trung vào các kinh nghiệm, sáng kiến và giải pháp để tăng cường truyền thông về dịch bệnh; nâng cao vai trò thông tin của báo chí; phòng chống tin giả, thông tin sai lệch và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong truyền thông về dịch Covid-19.
Hội thảo là diễn đàn cho các nhà khoa học Việt Nam và Hàn Quốc trao đổi kinh nghiệm, phương thức, giải pháp quản trị khủng hoảng thông tin. Khủng hoảng thông tin hay nạn dịch thông tin (infodemic) xuất hiện cùng với sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới, gây ra những khó khăn cho việc triển khai các giải pháp phòng chống dịch.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày 15/2/2020, khoảng 3 tháng sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, “Chúng ta không chỉ chiến đấu với một đại dịch; chúng ta còn phải chiến đấu với một nạn dịch thông tin. Tin giả lan nhanh hơn và dễ dàng hơn loại virus này và không kém phần nguy hiểm”.
Do đó, quản trị khủng hoảng thông tin trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là yêu cầu cấp bách hiện nay. PGS, TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Xuất hiện cùng đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng thông tin đã gây ra những hậu quả kinh tế và xã hội nghiêm trọng. Sự lan tràn của tin giả, thông tin sai lệch trên mạng xã hội làm cho công tác phòng chống dịch Covid-19 vốn đã khó khăn càng trở nên khó khăn hơn. Các cơ quan báo chí, cơ sở đào tạo và nghiên cứu báo chí có vai trò quan trọng trong nỗ lực phòng chống đại dịch và quản trị khủng hoảng thông tin”.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho rằng, đại dịch thông tin (infodemic) nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động kiểm chứng thông tin. Cần phải coi kiểm chứng thông tin là trách nhiệm xã hội và nghiệp vụ của cơ quan báo chí. Nhà báo cần có phương pháp, kỹ năng và công cụ để kiểm tra, xác minh thông tin trước khi cung cấp cho công chúng. Các cơ quan báo chí cũng cần tăng cường đầu tư cho công nghệ hỗ trợ hoạt động kiểm chứng thông tin.
Ông Cho Han Deog, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam cho biết, “Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã kéo theo cuộc khủng hoảng thông tin, đe dọa niềm tin của người dân vào các thiết chế xã hội. Đây là vấn đề của không riêng quốc gia nào trên thế giới và cần được giải quyết bằng những giải pháp phù hợp, kịp thời và sáng tạo. Chính vì vậy, chúng tôi rất vui mừng hợp tác với Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Báo Nhân Dân tổ chức hội thảo rất có ý nghĩa này, góp phần xây dựng môi trường truyền thông tích cực và lành mạnh hơn”.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia truyền thông và chính trị của Hàn Quốc. TS Sonho Kim, Trưởng phòng Nghiên cứu, Viện Báo chí Hàn Quốc trình bày về mối quan hệ giữa thái độ chính trị và hành vi sử dụng truyền thông trong việc hình thành niềm tin với thông tin sai lệch về Covid-19. TS Uhm Seung Yong, cựu chuyên gia KOICA trình bày về chính sách phòng, chống dịch với trọng tâm là nâng cao chất lượng thông tin cung cấp cho người dân.
Hội thảo khoa học quốc tế “Quản trị khủng hoảng thông tin trong bối cảnh đại dịch Covid-19” nằm trong chuỗi các hội thảo khoa học quốc tế do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc và các cơ quan báo chí tổ chức từ năm 2016 trở lại đây. Các hội thảo này là diễn đàn quan trọng cho các chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc trao đổi thông tin, kinh nghiệm và giải pháp cho các vấn đề báo chí, truyền thông và xã hội có ý nghĩa lý luận và thực tiễn.