Sáng nay (16/6), tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và 7 Nghị quyết quan trọng. |
Sáng nay (16/6), tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và 7 nghị quyết quan trọng.
Tiếp tục hoàn thiện quy định về sở hữu trí tuệ
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua với tỷ lệ 95,58% biểu quyết tán thành.
Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ cụ thể hoá 7 nhóm chính sách, gồm: Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan; khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách Nhà nước; tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; bảo đảm mức độ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.
Luật cũng quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật khác có liên quan như: Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Giá.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023 và một số nội dung chuyển tiếp.
Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tham gia phiên họp.
Hoàn thiện hành lang pháp lý về kinh doanh bảo hiểm
Với tỷ lệ 94,18% biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 7 chương, 157 điều. Luật sửa đổi nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của Luật Kinh doanh bảo hiểm với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đồng thời, Luật góp phần tăng cường cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm kết hợp với việc cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, khách hàng, sự an toàn của cả hệ thống, tiết giảm chi phí xã hội.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật.
Quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án hạ tầng giao thông quan trọng
Cũng tại phiên họp này, Quốc hôi cũng đã thông qua 7 nghị quyết, trong đó có 5 nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án hạ tầng giao thông quan trọng: đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; đường bộ cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu; đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Đây là các dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, sử dụng đa dạng các nguồn vốn (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn đầu tư thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn và gói kích thích kinh tế,...). Các dự án khi đi vào hoạt động sẽ có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vùng và từng địa phương.
Tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề phù hợp
Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Việc ban hành Nghị quyết này ngoài việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề phù hợp, tăng khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội. Đồng thời, tạo cơ chế thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác thi hành án hình sự theo định hướng cải cách tư pháp. Ngoài ra, mô hình này còn góp phần bảo đảm sử dụng đúng mục đích đất quốc phòng - an ninh, hạn chế việc phải bổ sung đất đai cho các trại giam để tập trung quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự.
Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển tỉnh Khánh Hòa
Với 95,78% số đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; qua đó sẽ tạo cơ chế, chính sách đột phá để huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần đạt được các mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đề ra trong Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/1/2022.
Nghị quyết đưa ra thí điểm 11 chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với quy định hiện hành hoặc chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng trao đổi bên lề kỳ họp với Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.