Những người lính Pháp từ cuộc diễu hành Opération Barkhane trong lễ kỷ niệm kỷ niệm 58 năm độc lập của Mali tại Bamako vào ngày 22/9/2018. (Ảnh: AFP)
Pháp tiêu diệt chỉ huy cấp cao của Al-Qaeda ở Sahel: Ngày 22/2, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly thông báo các binh sỹ nước này đã tiêu diệt Yahya Abou El Hamame, người Algeria - một chỉ huy thánh chiến cấp cao của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda, hoạt động tại khu vực Sahel (gồm các nước Senegal, Mauritanie, Mali, Burkina Faso, Niger, Nigeria, Chad, Sudan, Eritera).
El Hamame bị tiêu diệt trong chiến dịch đột kích của không quân và bộ binh Pháp nhằm vào đoàn xe của đối tượng này ở phía Bắc thành phố Timbuktu của Mali. Trong chiến dịch này, lực lượng Pháp cũng tiêu diệt nhiều phần tử khủng bố khác.
El Hamame là chỉ huy của nhánh khủng bố Al-Qaeda tại Maghreb Hồi giáo (AQIM). Đối tượng này bị cáo buộc có liên quan tới vụ bắt cóc nhiều công dân phương Tây ở khu vực Bắc và Tây Phi. Theo Bộ Quốc phòng Pháp, tên này là "chủ mưu và tài trợ cho một số cuộc tấn công khủng bố".
Paul Whelan - cựu lính thủy đánh bộ Mỹ bị bắt giữ ở Nga vì tình nghi hoạt động gián điệp. (Ảnh: AP/TTXVN)
Tòa án Nga gia hạn tạm giam công dân Mỹ tình nghi hoạt động gián điệp: Ngày 22/2, tòa án thủ đô Moskva của Nga đã quyết định gia hạn thêm 3 tháng lệnh tạm giam đối với Paul Whelan, một cựu lính thủy đánh bộ Mỹ bị bắt giữ hồi tháng 12/2018 ở Nga để điều tra tình nghi hoạt động gián điệp.
Theo quyết định mới này, sau khi lệnh tạm giam trước đó hết hạn ngày 28/2 tới, Paul Whelan sẽ tiếp tục bị tạm giam cho đến ngày 28/5 trong thời gian chờ xét xử.
Cơ quan An ninh LB Nga (FSB) đã bắt giữ Whelan, 48 tuổi, ngày 29/12/2018 tại Moskva với cáo buộc hoạt động gián điệp. FSB đã khởi tố hình sự đối với nhân vật này. Hiện Whelan đang bị giam giữ tại nhà giam ở Moskva chờ xét xử và có thể đối mặt với mức án tối đa 20 năm tù. Ngoài quốc tịch Mỹ, Whelan còn mang quốc tịch Anh, Ireland và Canada.
Nghị sĩ Ian Austin phát biểu tại cuộc họp Hạ viện Anh ở thủ đô London ngày 30/10/2018. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Thêm một nghị sĩ rời Công đảng đối lập tại Anh: Ngày 22/2, Công đảng đối lập tại Anh phải chứng kiến nghị sĩ thứ 9 rời bỏ đảng chỉ trong vòng một tuần. Đó là nghị sĩ Ian Austin. Tuy nhiên, lý do dẫn tới sự ra đi này không phải là tranh cãi về Brexit. Ông Austin lên án tư tưởng bài Do Thái đang lớn dần trong đảng và cho rằng đảng này đang "đổ vỡ".
Phát biểu với tờ The Express & Star, một tờ báo của đơn vị bầu cử Dudley mà ông đại diện, ông Austin bày tỏ cảm thấy "kinh hãi trước sự xúc phạm mà Chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn và nhiều thành viên Công đảng gây ra cho người dân Do Thái", và ông thấy "xấu hổ" về cách hành xử này.
Ông Austin thông báo hiện ông không có kế hoạch gia nhập Nhóm Độc lập trong nghị viện, nhóm do 7 cựu nghị sĩ Công đảng thành lập sau khi rời khỏi đảng cách đây vài ngày vì bất đồng về Brexit cũng như vấn đề bài Do Thái.
Người dân Triều Tiên. (Ảnh: EPA)
Triều Tiên sắp tổ chức hội nghị quốc gia cho viên chức tuyên truyền: Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 22/2 đưa tin, lần đầu tiên sau 18 năm, Triều Tiên sẽ tổ chức một hội nghị quốc gia cho các viên chức đảng đứng đầu công cuộc giáo dục hệ tư tưởng cho người dân nước này tại các nhà máy và trang trại vào tháng Ba tới.
Tuy nhiên, KCNA không cho biết thời điểm cụ thể diễn ra hội nghị này. Những viên chức này phụ trách công tác giáo dục hệ tư tưởng cho người dân tại các địa điểm như nhà máy, công ty và trang trại hợp tác xã.
Đây là hội nghị thứ 2 kiểu như vậy, sau hội nghị đầu tiên được tổ chức hồi tháng 4/2001, với sự tham dự của khoảng 6.000 viên chức. Hội nghị này diễn ra sau Hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến vào ngày 27-28/2 tại Hà Nội.
3 triệu người đã di cư khỏi Venezuela từ năm 2015. (Ảnh: UNHCR)
Trên 3 triệu người Venezuela sơ tán khỏi đất nước do bất ổn gia tăng: Cơ quan tị nạn và di cư Liên Hợp Quốc ngày 22/2 cho biết, 3,4 triệu người Venezuela đã đi sơ tán do những bất ổn gia tăng trong nước.
Theo Liên Hợp Quốc, Columbia có số lượng người di cư Venezuela cao nhất, hơn 1,1 triệu người. Sau đó là Peru với trên 500.000 người, Chile là 288.000 người và Brazil là 96.000 người.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn cho biết, tổ chức này đã giúp đỡ 80.000 người Venezuela liên quan đến các vấn đề thủ tục giấy tờ, giáo dục, dinh dưỡng và vệ sinh trong các chiến dịch của mình.
Liên quan đến tình hình Venezuela, Bộ Ngoại giao Nga ngày 22/2 cáo buộc Mỹ và các đồng minh NATO đang thảo luận biện pháp vũ trang cho lực lượng đối lập tại Venezuela, cũng như việc Mỹ triển khai lực lượng đặc nhiệm và trang thiết bị gần quốc gia Nam Mỹ này.