Trung Quốc EU bắt tay trước đòn thương mại của ông Trump

EU tổ chức hội nghị thường niên với Trung Quốc nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác và thành lập liên minh chống Mỹ trên “mặt trận” thương mại.

Ngày 16/7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiếp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ở Bắc Kinh. Tại cuộc gặp này, cả 2 bên có thể khôi phục lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận đầu tư được khởi xướng từ lâu và nay sẽ lần đầu tiên bao gồm cả việc trao đổi tiếp cận thị trường với nhau.

Trung Quốc EU bắt tay trước đòn thương mại của ông Trump

Trung Quốc – EU bắt tay trước “đòn” thương mại của ông Trump? (Ảnh minh họa: Reuters)

Kẻ thù của kẻ thù là bạn?

Trong cuộc phỏng vấn với CBS News được phát sóng hôm 15/7, Tổng thống Mỹ xem Liên minh châu Âu và Trung Quốc là những kẻ thù của nước Mỹ ở những khía cạnh khác nhau.

“Tôi nghĩ chúng tôi có rất nhiều kẻ thù. Liên minh châu Âu (EU) là kẻ thù vì những gì họ làm với nước Mỹ trong thương mại” – ông Trump nói. “Tôi tôn trọng lãnh đạo những quốc gia này nhưng trong thương mại, họ thực sự đã lợi dụng chúng tôi. Nhiều nước trong EU là thành viên NATO và họ chẳng chịu chi trả gì”.

“Trung Quốc là kẻ thù kinh tế, chắc chắn họ là kẻ thù. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là họ xấu mà chỉ mang nghĩa họ là đối thủ cạnh tranh. Họ muốn làm tốt và chúng tôi cũng vậy”, Tổng thống Mỹ nói thêm.

Các quan chức châu Âu cho rằng, ông Trump, người cũng đã áp dựng các biện pháp đánh thuế với châu Âu, đã tạo ra cánh cửa cơ hội để EU và Trung Quốc có thể thành lập một bức trường thành cho thương mại toàn cầu.

Trung Quốc nóng lòng bắt tay EU

Cuộc họp giữa Trung Quốc và EU năm nay thu hút sự quan tâm của dư luận vì Mỹ và Trung Quốc đang bên bờ vực của một cuộc chiến thương mại mà chưa bên nào có dấu hiệu xuống thang. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo ông có thể đơn phương áp thuế với lượng hàng hóa trị giá hơn 500 tỷ USD từ Trung Quốc – gần bằng tổng hàng hóa Mỹ nhập từ Trung Quốc năm 2017. Còn Bắc Kinh cũng thề sẽ có các biện pháp đáp trả tương xứng với từng động thái của ông Trump.

Reuters dẫn lời các Đặc phái viên châu Âu cho biết, từ năm ngoái, họ đã cảm thấy Trung Quốc tỏ ra cấp bách hơn trong việc tìm kiếm những nước có cùng tư duy sẵn sàng đứng lên chống lại chính sách “Nước Mỹ trên hết” (America First) của ông Trump.

Bình luận trên tờ Nhân dân Nhật Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 15/7, Đại sứ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) Trương Minh (Zhang Ming) cho biết, trọng tâm của cuộc gặp Trung Quốc – EU lần này sẽ là làm thế nào để quan hệ giữa 2 bên có thể trở thành một “tiêu chuẩn cho sự ổn định” giữa “sự náo loạn của chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ”.

Đại sứ Trương Minh khẳng định, Trung Quốc và EU là “2 lực lượng chính đại diện cho sự ổn định và tính trách nhiệm”, có thể hỗ trợ cho toàn cầu hóa một cách tổng thể.

Trung Quốc và EU cũng dự kiến sẽ thành lập nhóm công tác về cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới trong cuộc gặp lần này.

Người phát ngôn Ủy ban châu Âu aritis Schinas thì cho biết, các cuộc thảo luận với Trung Quốc sẽ tập trung vào “thương mại và đầu tư, vào những cam kết đối với việc chống lại biến đổi khí hậu và đầu tư vào năng lượng sạch cũng như các vấn đề đối ngoại, an ninh, bao gồm cả tình hình trên Bán đảo Triều Tiên”. Các nhà lãnh đạo EU và Trung Quốc cũng sẽ thảo luận về cam kết chung nhằm bảo toàn thỏa thuận hạt nhân Iran.

EU lưỡng lự

Tuy nhiên, EU một mặt chia sẻ những quan ngại của ông Trump về thương mại của Trung Quốc (nếu không phải là đồng quan điểm với cả những biện pháp thuế của ông), mặt khác lại từ chối những nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây áp lực để hình thành một lập trường mạnh mẽ chống lại ông Trump.

Ở châu Âu vốn có sự hoài nghi sâu sắc về cam kết thực sự của Trung Quốc đối với việc mở cửa hơn nữa thị trường nước này, cũng như lo ngại rằng Bắc Kinh có thể tìm cách chia rẽ EU bằng ảnh hưởng kinh tế của nước này đối với Đông Âu.

Cuộc gặp được cho là sẽ chỉ đưa ra những cam kết khiêm tốn của cả 2 bên đối với hệ thống thương mại đa phương. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và EU vẫn chưa thực sự tìm được sự đồng thuận cho một tuyên bố chung sau các cuộc gặp năm 2016 và 2017./.

Theo VOV.VN

Đọc thêm

Không có 'tuần trăng mật'

Không có 'tuần trăng mật'

Nội các mới của nữ Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đã chính thức được Nhà vua Thái Lan phê chuẩn, mở đường cho vị thủ tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử “đất nước Chùa Vàng” bắt tay vào thực thi trọng trách của mình với cả thuận lợi cùng vô vàn thách thức đan xen, như chính bà Paetongtarn thừa nhận rằng Chính phủ mới sẽ không có “tuần trăng mật”.