Bất ngờ với tỷ lệ người dân đảo Greenland muốn sáp nhập vào Mỹ

Hơn một nửa dân Greenland được hỏi ủng hộ ý tưởng của Tổng thống đắc cử Trump về việcbiến hòn đảo này thành lãnh thổ Mỹ.

Kết quả khảo sát do Công ty nghiên cứu Patriot Polling của Mỹ thực hiện và công bố ngày 13/1 cho thấy, khoảng 57,3% người dân Greenland được hỏi đồng tình với đề xuất của Tổng thống đắc cử Trump, trong khi 37,4% phản đối và 5,3% còn lại chưa quyết định.

Cuộc khảo sát được Công ty nghiên cứu Patriot Polling tiến hành từ ngày 6-11/1, với sự tham gia của 416 người dân Greenland, trùng thời điểm Donald Trump Jr., con trai ông Trump, đến thăm lãnh thổ tự trị này.

Greenland có diện tích 2,2 triệu km2 trong đó 80% lãnh thổ bị băng bao phủ và dân số dưới 57.000 người. Ảnh: Osw.waw.pl
Greenland có diện tích 2,2 triệu km2 trong đó 80% lãnh thổ bị băng bao phủ và dân số dưới 57.000 người. Ảnh: Osw.waw.pl

Ông Trump từng đề xuất mua lại Greenland trong nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2019, nhưng chính quyền Greenland và Đan Mạch cho rằng ý tưởng này là vô lý.

Mới đây, Tổng thống đắc cử Mỹ tiếp tục nhắc lại kế hoạch này, thậm chí ông tuyên bố tại cuộc họp báo hôm 7/1 rằng có thể dùng vũ lực nếu cần thiết để kiểm soát hòn đảo lớn nhất thế giới này.

“Chúng ta có thể cần phải làm điều gì đó… Greenland rất quan trọng cho an ninh quốc gia của Mỹ” - ông Trump nói.

Phản ứng trước tuyên bố này, Thủ tướng Greenland Mute Egede khẳng định: “Greenland thuộc về người dân Greenland. Chúng tôi không muốn trở thành người Đan Mạch, cũng không muốn trở thành người Mỹ”. Ông cũng nhấn mạnh rằng Greenland mong muốn độc lập và cam kết sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu về vấn đề này trong tương lai gần.

Tuy vậy, ông Egede không đóng cửa đối thoại với Mỹ, bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác: “Chúng tôi sẵn sàng nói chuyện với ông Trump và muốn duy trì quan hệ hợp tác với Mỹ”.

Tỷ phú công nghệ Elon Musk hôm 12/1 đã lên tiếng ủng hộ khả năng Greenland trở thành một phần của Mỹ, viết trên X: “Nếu người dân Greenland muốn gia nhập nước Mỹ, điều đó thật tuyệt vời!”.

Trong diễn biến mới nhất, các đồng minh đảng Cộng hòa của Tổng thống đắc cử Trump tại Hạ viện Mỹ đã đưa ra dự thảo luật nhằm cho phép đàm phán để nước này mua đảo Greenland từ Đan Mạch.

Dự luật, được Hạ nghị sĩ Andy Ogles công bố hôm đầu tuần này và được 10 nhà đồng tài trợ ủng hộ, sẽ cho phép ông Trump bắt đầu đàm phán với Đan Mạch ngay sau khi ông nhậm chức.

Dự luật nêu rõ: “Quốc hội ủy quyền cho Tổng thống, bắt đầu lúc 12:01 trưa. Giờ chuẩn miền Đông vào ngày 20/1/2025, để tìm cách tham gia đàm phán với Vương quốc Đan Mạch về việc mua Greenland”.

Vai trò quan trọng của Greenland

Greenland là lãnh thổ tự trị của Đan Mạch từ năm 1979 và đang từng bước giành thêm quyền tự chủ. Năm 2009, Luật Tự trị được thông qua sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2008, mang lại cho hòn đảo quyền kiểm soát nhiều hơn đối với các vấn đề nội bộ, trong khi Đan Mạch vẫn giữ quyền quản lý về ngoại giao và quốc phòng.

Greenland, với diện tích 2,2 triệu km2 trong đó 80% lãnh thổ bị băng bao phủ và dân số dưới 57.000 người, là một điểm chiến lược quan trọng trong khu vực Bắc Cực. Hòn đảo này giàu tài nguyên thiên nhiên, bao gồm vàng, bạc, đồng và uranium, đồng thời được cho là có trữ lượng dầu mỏ lớn dưới vùng biển thuộc lãnh hải.

Greenland cũng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phòng thủ của NATO, đặc biệt khi các tuyến đường hàng hải ở Bắc Cực ngày càng trở nên khả thi nhờ hiện tượng băng tan.

Chuyên gia Alexander Mikhailov, người đứng đầu Cục Phân tích Quân sự và Chính trị, nói với hãng tin Tass rằng, kế hoạch “thâu tóm” Greenland của ông Trump tiềm ẩn một số rủi ro nhất định đối với sự ổn định quân sự và chính trị ở Bắc Cực, đặc biệt là việc biến Greenland thành "một khu vực quân sự hóa nghiêm trọng mới".

Theo chuyên gia Mikhailov, Greenland có ý nghĩa đặc biệt đối với Mỹ.

"Vùng lãnh thổ này rất rộng lớn. Nhiều khu vực cằn cỗi và băng giá, song ở một số vị trí nhất định trên hòn đảo này có các căn cứ quân sự của NATO. Trong đó, quan trọng nhất là các hệ thống phòng thủ tên lửa - radar của NATO. Đương nhiên, Mỹ có xu hướng xem vùng lãnh thổ này là một khu vực tiềm năng, ví dụ, các tên lửa tầm trung có thể bay qua vùng Bắc Cực, theo một tuyến đường ngắn hơn, tấn công nhiều mục tiêu khác nhau ở bất kỳ nơi nào bên trong lãnh thổ Nga" - ông Mikhailov lưu ý thêm.

Theo vị chuyên gia Nga, "xét về mặt này, Greenland là một vùng lãnh thổ mới". "Đầu tiên, để bố trí các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Thứ hai, để có thể triển khai các vũ khí tấn công, chính xác là các tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Thứ ba, vùng lãnh thổ này rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế. Người Mỹ đã nhiều lần tranh luận với Nga về thềm lục địa Bắc Cực, về việc khai thác tài nguyên thiên nhiên trong tương lai từ đáy Bắc Băng Dương nói chung," ông Mikhailov cho hay.

kinhtedothi.vn

Đọc thêm

Indonesia xác nhận các trường hợp nhiễm HMPV

Indonesia xác nhận các trường hợp nhiễm HMPV

Ngày 7/1, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin xác nhận nước này đã phát hiện các ca nhiễm virus human metapneumovirus (HMPV), song khẳng định với người dân rằng căn bệnh này không nguy hiểm.
Hamas tuyên bố sẵn sàng phóng thích 34 con tin Israel

Hamas tuyên bố sẵn sàng phóng thích 34 con tin Israel

Thành viên cấp cao của Hamas nêu rõ: “Hamas đã nhất trí phóng thích 34 tù nhân Israel trong danh sách do phía Israel đưa ra như một phần của giai đoạn đầu tiên thuộc thỏa thuận trao đổi tù nhân”.
Trung Quốc thông tin về bệnh đường hô hấp do virus HMPV

Trung Quốc thông tin về bệnh đường hô hấp do virus HMPV

Theo kênh truyền hình NDTV của Ấn Độ, ngày 4/1, giới chức Trung Quốc đã lên tiếng trấn an trước những lo ngại về nguy cơ xuất hiện cuộc khủng hoảng y tế khác hậu COVID-19 khi các tài khoản mạng xã hội chia sẻ nhiều hình ảnh và video cho thấy các bệnh viện ở Trung Quốc quá tải do bệnh nhân nhiễm virus human metapneumovirus (HMPV) gây bệnh đường hô hấp.
Máy bay chở khách Nga hạ cánh khẩn cấp tại Ai Cập

Máy bay chở khách Nga hạ cánh khẩn cấp tại Ai Cập

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 3/1, Bộ Hàng không Dân dụng Ai Cập cho biết một máy bay chở khách của hãng hàng không Nga Ural Airlines đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay quốc tế Sharm El-Sheikh, sau khi có báo cáo về sự cố kỹ thuật ở động cơ.
Cảnh sát Hàn Quốc thực thi lệnh bắt Tổng thống Yoon Suk Yeol

Cảnh sát Hàn Quốc thực thi lệnh bắt Tổng thống Yoon Suk Yeol

Theo hãng tin Yonhap, ngày 3/1, các điều tra viên và cảnh sát Hàn Quốc đã tiến vào dinh thự của Tổng thống bị luận tội Yoon Suk Yeol liên quan đến nỗ lực áp đặt lệnh thiết quân luật bất thành vào tháng trước. Đây là lần đầu tiên lực lượng chức năng nước này tìm cách bắt giữ một tổng thống đương nhiệm. 
4 dấu hỏi với kinh tế thế giới năm 2025

4 dấu hỏi với kinh tế thế giới năm 2025

Năm 2025 liệu có là một năm biến động của nền kinh tế toàn cầu. Dù được dự báo vẫn tiếp tục đà tăng trưởng, kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với một số rủi ro.