Quyết không để xảy ra tình trạng “bảo kê” gặt lúa ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Nhằm hạn chế tình trạng tranh giành, bảo kê, tự ý nâng giá gặt lúa, các địa phương ở Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Các địa phương ở Hà Tĩnh đang bước vào vụ thu hoạch lúa xuân.

Toàn xã Trung Lộc (Can Lộc) có gần 302 ha lúa xuân đang vào vụ thu hoạch. Ngoài 4 máy gặt của người dân trên địa bàn, các thôn đang liên hệ thêm 8 máy gặt từ địa phương khác về thu hoạch lúa cho người dân.

Việc có nhiều máy gặt hoạt động cùng lúc góp phần đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa xuân, nhất là khi thời tiết đang khá thuận lợi. Tuy nhiên, điều này cũng kéo theo nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự (ANTT) do sự tranh giành địa bàn, nâng giá gặt lúa giữa các chủ máy.

Công an xã Trung Lộc trao đổi với chủ máy gặt về nội dung liên quan tới hoạt động thu hoạch lúa xuân trên địa bàn.

Lo lắng này hoàn toàn có cơ sở, bởi những mùa vụ trước, trên địa bàn Can Lộc nói riêng và Hà Tĩnh nói chung từng xảy ra tình trạng “bảo kê” máy gặt, tranh giành địa bàn, tự ý nâng giá, gây thiệt hại cho bà con nông dân.

Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lộc Nguyễn Văn Đại cho hay: Nhằm đảm bảo ANTT, tránh những hành vi vi phạm trong việc thuê máy gặt lúa, chính quyền xã Trung Lộc đã có thông báo quy định cụ thể về giá gặt lúa: tại chân ruộng là 130.000 đồng/sào; với diện tích bị đổ ngã, sình lầy, giá có thể cao hơn nhưng cũng chỉ dao động trong mức 140.000 - 150.000 đồng/sào.

Tình hình ANTT trong mùa gặt được đảm bảo giúp chủ máy gặt từ các địa phương khác có thể yên tâm khi tới Hà Tĩnh hoạt động.

Ngoài việc giao các thôn khi đưa máy về phải đăng ký qua xã để có phương án phân bổ, tránh tình trạng tranh giành địa bàn và thống nhất mức giá, xã Trung Lộc yêu cầu Công an xã quản lý chặt việc đăng ký quản lý cư trú về lưu trú và tạm trú đối với chủ máy gặt trên địa bàn theo quy định. Xã cũng cắt cử cán bộ thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình để có biện pháp xử lý với các hành vi gây mất ANTT như bảo kê, tranh giành địa bàn, tự ý nâng giá trong mùa gặt.

Các địa phương chủ động trong công tác đảm bảo ANTT mùa gặt.

Vụ xuân năm nay, toàn huyện Can Lộc gieo cấy 9.169,5 ha. Theo đánh giá, năng suất lúa vụ xuân năm nay ước đạt 62,1 tạ/ha, cao hơn vụ xuân năm 2022 khoảng 1 tạ/ha. Đến thời điểm này, toàn huyện đã thu hoạch 1.720 ha, đạt gần 19% tổng diện tích.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Trần Mạnh Sơn, nhằm chủ động công tác thu hoạch lúa vụ xuân, triển khai đề án sản xuất hè thu, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn mời tổ trưởng tổ hợp tác, chủ hộ có máy gặt làm việc để thỏa thuận, thống nhất mức giá gặt lúa tại địa phương quản lý và phân chia khu vực gặt nhằm đảm bảo tiến độ nhanh nhất.

Các địa phương thông báo rộng rãi cho người dân được biết định mức giá gặt lúa bằng máy gặt đập liên hợp sau khi đã thỏa thuận, thống nhất với các tổ chức, cá nhân có máy gặt để thực hiện. Tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng ép giá và chậm trễ trong việc thu hoạch lúa. Địa phương nào để xảy ra tình trạng ép giá, “bảo kê” giữ ruộng làm chậm tiến độ thu hoạch, chủ tịch UBND xã, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện.

Xã Thạch Đài (Thạch Hà) cũng đang bước vào vụ thu hoạch lúa xuân.

Không chỉ tại Can Lộc, việc đảm bảo ANTT trong mùa gặt nhằm ngăn chặn tình trạng tranh giành địa bàn, tự ý nâng giá gặt cũng đang được các địa phương khác ở Hà Tĩnh tập trung thực hiện. Cùng với việc cắt cử cán bộ đôn đốc, chỉ đạo các thôn tăng cường kiểm tra tại các vùng sản xuất, lực lượng công an xã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các chủ máy gặt không được lợi dụng nhu cầu cấp thiết của người dân về thu hoạch lúa để tự ý nâng giá.

Công an xã Thạch Đài chủ động nằm bắt thông tin về thu hoạch lúa xuân từ người dân.

Đại úy Phạm Duy Triết – Trưởng Công an xã Thạch Đài (Thạch Hà) cho hay, vụ thu hoạch lúa xuân năm nay, có 6-7 máy gặt đập liên hợp hoạt động trên địa bàn, trong đó, có 4-5 máy từ các địa phương khác tới. Đơn vị đã có buổi làm việc với các chủ máy về đăng ký lưu trú, thống nhất mức giá 130.000 - 150.000 đồng/sào, phân bố khu vực gặt và cam kết không tự ý nâng giá. Các trường hợp cố tình vi phạm, gây mất ANTT trên địa bàn sẽ bị xử lý nghiêm.

Năng suất lúa vụ xuân toàn tỉnh năm nay ước đạt 58,96 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay.

Trong khi đó, tại Cẩm Xuyên - địa phương đã từng xảy ra tình trạng lộn xộn, gây mất ANTT trong mùa gặt những năm trước, việc triển khai các biện pháp tổ chức thu hoạch lúa xuân hợp lý, tránh tình trạng tranh giành, bảo kê địa bàn gặt lúa cũng được huyện này tập trung thực hiện.

Ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho hay: Vụ xuân năm 2023, toàn huyện gieo cấy hơn 9.500 ha lúa. Nhờ thời tiết thuận lợi cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, vụ xuân năm nay, Cẩm Xuyên được mùa toàn diện với năng suất ước đạt 61,8 tạ/ha, sản lượng ước đạt 59.018 tấn. Đây là mùa vụ có năng suất và sản lượng cao nhất từ trước đến nay ở Cẩm Xuyên.

Giá máy gặt lúa trên địa bàn Hà Tĩnh dao động từ 130 - 150 nghìn đồng/sào.

Thời điểm này, Công an huyện Cẩm Xuyên yêu cầu công an các xã, thị trấn thống kê, quản lý danh sách các chủ máy gặt đập liên hợp và chủ máy là người địa phương khác đến đăng ký gặt lúa trên địa bàn; thực hiện tốt việc tổ chức, phân vùng cho các chủ máy gặt lúa theo đúng quy định và tổ chức ký cam kết chủ máy gặt thực hiện tốt việc công khai giá gặt lúa, chấp hành nghiêm quy định của địa phương về việc bảo đảm ANTT trong thu hoạch lúa. Người dân khi phát hiện nạn bảo kê, nâng giá máy gặt cần tố giác đến chính quyền và công an.

Hiện nay, các địa phương ở Cẩm Xuyên đã và đang thực hiện việc sắp xếp, tổ chức cho các chủ máy gặt phục vụ bà con nông dân yên tâm sản xuất.

Việc đảm bảo ANTT trong mùa gặt được các địa phương tập trung thực hiện.

Năm 2023, diện tích gieo cấy lúa vụ xuân toàn tỉnh đạt 59.384 ha. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, năng suất lúa vụ xuân năm nay ước đạt 58,96 tạ/ha, sản lượng ước đạt 350.117 tấn. Đến ngày 18/5, toàn tỉnh đã thu hoạch được 6.530 ha, đạt 11% diện tích gieo cấy.

Thời tiết trên địa bàn tỉnh hiện nay đang nắng ráo, giá xăng dầu lại đang ở mức thấp so với vụ thu hoạch trước nên đây là thời điểm thích hợp để các địa phương khẩn trương thu hoạch, tránh thiệt hại rủi ro từ các hiện tượng thời tiết cực đoan. Việc tăng cường tuyên truyền, kiểm tra và xử lý nghiêm tình trạng bảo kê, tranh giành địa bàn, tự ý nâng giá hoặc cố tình kéo dài thời gian thu hoạch của các chủ máy gặt đang được các địa phương ở Hà Tĩnh tập trung chỉ đạo nhằm đảm bảo ANTT trong vụ thu hoạch lúa xuân.

Chủ đề Hà Tĩnh 24h

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói