Vì sao nhiều thôn ở Cẩm Hưng không tiếp cận được với máy gặt?!

(Baohatinh.vn) - Thời tiết nắng nóng, nhiều diện tích lúa xuân xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chín nhanh nhưng việc thu hoạch đang gặp khó bởi không có máy gặt đập. Người dân nghi ngờ có dấu hiệu “bảo kê” nên máy gặt chưa về được với địa phương.

Video người dân thôn Hưng Dương nói về tình trạng không có máy gặt

Vụ xuân 2021, gia đình ông Đặng Quốc Quân (SN 1960, thôn Hưng Dương, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên) gieo cấy 10 sào lúa. Khi lúa chuẩn bị tới kỳ thu hoạch, do gặp thời tiết không thuận lợi nên hơn 8 sào đã bị ngã, đổ, ảnh hưởng lớn tới năng suất.

Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng nên lúa chín rất nhanh, nhưng việc thu hoạch của gia đình ông Quân đang gặp nhiều khó khăn do không có máy gặt đập liên hợp về trên địa bàn.

Vì sao nhiều thôn ở Cẩm Hưng không tiếp cận được với máy gặt?!

Không có máy gặt, người dân phải gặt thủ công.

“Các mùa vụ trước có cả chục máy gặt nhưng vụ xuân năm nay, cả thôn không có máy nào, bà con muốn gặt cũng không biết làm thế nào cả. Không chỉ gia đình tôi mà lúa của nhiều hộ dân khác cũng bị ngã, đổ, nếu không thu hoạch kịp thời mà gặp mưa lớn, sẽ mọc mầm hết” - ông Đặng Quốc Quân phản ánh.

Do không thể chờ máy gặt về, vợ chồng ông Quân đã nhờ thêm một số người để thu hoạch. Ra đồng từ 5h sáng nhưng với 4 người gặt thì cả buổi sáng cũng chưa xong 1 sào lúa.

“Gặt tay đã vất vả thì việc vận chuyển về nhà rồi đập ra còn vất vả hơn, bởi hiện nay, máy tuốt lúa gần như không còn, mọi công đoạn đều phải làm thủ công” - ông Quân chia sẻ.

Vì sao nhiều thôn ở Cẩm Hưng không tiếp cận được với máy gặt?!

Sau khi gặt lúa về, người dân còn phải tự tách lúa do không có máy tuốt.

Gia đình ông Đặng Quốc Phăng (SN 1960, thôn Hưng Dưng, xã Cẩm Hưng) cũng có 9 sào lúa đã chín vàng nhưng việc thu hoạch đang gặp khó khăn do không có máy gặt đập liên hợp.

“Trong nhà giờ chỉ có 2 vợ chồng nên việc thu hoạch gần như chỉ trông chờ vào thuê máy nhưng năm nay không hiểu sao máy lại không có. Cả buổi sáng gặt tay, chúng tôi chưa được nửa sào lúa” - ông Phăng bày tỏ.

Theo tìm hiểu, thôn Hưng Dương, xã Cẩm Hưng gieo trồng khoảng 30 ha lúa vụ xuân. Trước khi vào vụ gặt, thôn cũng đã liên hệ máy gặt nhưng không có. Hiện nay, gần như toàn bộ diện tích đều đã chín vàng nhưng việc thu hoạch lúa ở thôn Hưng Dương rất chậm do không có máy gặt.

Tình trạng này đã kéo dài nhiều ngày nay khiến người dân nơi đây rất bức xúc và nghi ngờ có dấu hiệu “bảo kê” máy gặt. “Máy thì không thiếu, chúng tôi gọi thì có nhưng chủ máy lại không dám đưa về...” - ông Đặng Quốc Quân thông tin.

Vì sao nhiều thôn ở Cẩm Hưng không tiếp cận được với máy gặt?!

Người dân thôn Hưng Thắng bức xúc trước việc chủ máy gặt lấy giá cao hơn 20.000 đồng/sào.

Không chỉ ở thôn Hưng Dương mà 1 số thôn khác ở xã Cẩm Hưng như: Hưng Tiến, Hưng Thắng…, cũng rơi vào tình cảnh thiếu máy gặt đập khiến tiến độ thu hoạch lúa xuân bị chậm.

Cách đây ít ngày, người dân thôn Hưng Thắng đã chủ động gọi máy gặt từ địa phương khác về thu hoạch lúa. Tuy nhiên, có 1 người đã yêu cầu chủ máy gặt phải đóng từ 20.000 đồng/sào thì mới cho gặt. Để bù vào số tiền này, chủ máy gặt nâng giá cao thêm, dẫn tới xảy ra tranh cãi với người dân. Vì không thống nhất được giá, máy gặt sau đó đã “rời đi”.

Bức xúc trước việc này, hàng chục người dân thôn Hưng Thắng đã phản ánh lên chính quyền địa phương.

Vì sao nhiều thôn ở Cẩm Hưng không tiếp cận được với máy gặt?!

Không có máy gặt, bà con nông dân phải gặt bằng tay nên tiến độ thu hoạch rất chậm.

Chủ tịch UBND xã Cẩm Hưng Nguyễn Đình Hoạt cho hay: Trên địa bàn xã không có máy gặt đập liên hợp nào nên trước khi vụ mùa bắt đầu, xã đã yêu cầu các thôn chủ động liên hệ máy. Tuy nhiên, một số thôn làm không tốt dẫn tới không có máy gặt khiến bà con rất bức xúc.

“Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên máy về rất ít. Mình liên hệ muộn nên phụ thuộc vào chủ máy vì hiện họ đang gặt cho địa phương khác. Đây là tình trạng khó khăn của xã. Địa phương đang liên hệ với các chủ máy để đưa máy về gặt cho bà con nông dân” - ông Nguyễn Đình Hoạt thông tin.

Vì sao nhiều thôn ở Cẩm Hưng không tiếp cận được với máy gặt?!

Xã Cẩm Hưng không có máy gặt đập nên gặp khó trong thu hoạch lúa xuân.

Trước thông tin người dân nghi ngờ việc có “bảo kê” nên máy gặt không về được địa bàn, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hưng Nguyễn Đình Hoạt cho biết, địa phương đã đề nghị công an vào cuộc làm rõ. Công an huyện sau đó cũng đã triệu tập một số người lên làm việc.

Cũng theo ông Hoạt, tổng diện tích lúa xuân của xã là 637 ha. Tới thời điểm hiện tại, ngoài thôn Hưng Trung thu hoạch đạt trên 80%, còn các thôn khác trung bình từ 30 - 50%.

Vì sao nhiều thôn ở Cẩm Hưng không tiếp cận được với máy gặt?!

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc thu hoạch của người dân đang gặp khó khăn.

Liên quan tới sự việc ở thôn Hưng Thắng, xã Cẩm Hưng, Trung tá Hà Huy Hưng - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Cẩm Xuyên cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin, đơn vị đã triệu tập một số người lên xác minh, làm rõ, trong đó có người đứng ra thu thêm từ máy gặt 20.000 đồng/sào lúa.

Quá trình làm việc, người này thừa nhận việc lấy thêm tiền. Nguyên do là trước khi vụ mùa bắt đầu, người này đứng ra ký kết với thôn là đảm nhận việc kêu máy gặt về cho bà con. Nhưng, khi người dân gọi máy gặt từ xã Cẩm Thịnh về thì người này cho rằng cánh đồng thôn Hưng Thắng là mình đã nhận với thôn nên yêu cầu chủ máy gặt “cắt phần trăm” với giá 20.000 đồng/sào...

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rác thải chất đống trên tuyến đê La Giang

Rác thải chất đống trên tuyến đê La Giang

Rác thải chất đống tại nhiều vị trí dọc theo tuyến đê La Giang (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan mà còn ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Giăng lưới ven sông "đón lõng" chim trời

Giăng lưới ven sông "đón lõng" chim trời

Dựa vào địa thế ven sông, cây cối um tùm, người dân Tân Lâm Hương (TP Hà Tĩnh) đã giăng lưới bẫy chim trời khiến nhiều loại chim bị tiêu diệt, trong đó một số loại chết khô trên lưới.
Tôi đi mua thuốc diệt chuột...

Tôi đi mua thuốc diệt chuột...

Không khó để tìm mua các loại thuốc diệt chuột tại các địa phương ở Hà Tĩnh và dễ nhận thấy là nhiều loại không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc.
Bán hàng kiểu mini game hay đỏ đen trá hình!?

Bán hàng kiểu mini game hay đỏ đen trá hình!?

Gần đây, một số shop ở Hà Tĩnh đang rộ lên phong trào bán hàng theo hình thức tổ chức mini game, thử vận may của khách hàng để mua món hàng với giá chỉ vài chục nghìn đồng.
Rác "án ngữ" cổng làng ở Thạch Hà

Rác "án ngữ" cổng làng ở Thạch Hà

Đầu đường vào thôn Đông Hà 2 cũng là khu vực đặt cổng chào của giáo xứ Lộc Thủy (xã Thạch Long, Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang thành nơi tập kết rác.
Đừng làm mất vẻ đẹp tà áo dài truyền thống

Đừng làm mất vẻ đẹp tà áo dài truyền thống

Tết Nguyên đán cận kề, nhiều người dân Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung lựa chọn chụp ảnh cùng áo dài truyền thống, song mỗi người cần lựa chọn trang phục, cách tạo dáng phù hợp.