LTS: Thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tuyên truyền và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Hà Huy Tập - cố Tổng Bí thư của Đảng 24/4 (1906 - 2021), Báo Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu đến bạn đọc các nội dung: quê hương và gia đình; quá trình hoạt động cách mạng của cố Tổng Bí thư; phát huy truyền thống, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh quyết tâm xây dựng tỉnh nhà văn minh, giàu mạnh. |
Trong những năm 1930-1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân Hà Tĩnh đã vùng dậy làm nên một cao trào cách mạng rộng lớn, quyết liệt làm lung lay bộ máy thống trị của chế độ thực dân, phong kiến.
Mặc dù bị kẻ thù đàn áp, khủng bố khốc liệt nhưng cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đều giữ vững niềm tin vào Đảng, kiên trì vượt qua khó khăn, thử thách, từng bước khôi phục lại tổ chức và phong trào cùng với cả nước bước vào cuộc đấu tranh mới.
Bến đò Thượng Trụ tại xã Thiên Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) - nơi diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh (tháng 3-1930). Ảnh: Đạt Võ
Trong giai đoạn cách mạng đấu tranh giành chính quyền năm 1945, Hà Tĩnh là một trong 4 tỉnh của cả nước về đích sớm nhất trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân. Cách mạng tháng Tám thành công, trong bối cảnh chung của cả nước, trước những khó khăn chồng chất, Đảng bộ, quân và dân Hà Tĩnh đã nỗ lực phấn đấu xây dựng, bảo vệ quê hương vững chắc.
Tuy chỉ trong một thời gian ngắn nhưng Hà Tĩnh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cùng với cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Hình ảnh Anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, mở đường cho đơn vị tiến lên tiêu diệt cứ điểm Him Lam, giành toàn thắng cho trận đánh mở màn chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ đã lãnh đạo Nhân dân chiến đấu kiên cường, là tỉnh duy nhất trong cả nước không cho giặc đứng chân nổi 24h trên quê hương và xây dựng Hà Tĩnh thành hậu phương vững mạnh về mọi mặt, góp phần cùng với cả nước đánh bại thực dân Pháp xâm lược.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Tĩnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là “hậu phương của tiền tuyến miền Nam, tiền tuyến của hậu phương miền Bắc”. Quân và dân Hà Tĩnh phải đương đầu với những thử thách ác liệt chưa từng thấy, chịu đựng nhiều tổn thất, hy sinh to lớn. Nhưng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ, quân và dân Hà Tĩnh đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt lên tất cả và đã giành được nhiều chiến công hiển hách.
Tiểu đội A4-C552-N55 (Tiểu đội của 10 nữ TNXP hy sinh ngày 24/7/1968) đang san lấp hố bom. Ảnh: Tư liệu
Từ năm 1960 - 1975, toàn tỉnh có 92.913 thanh niên lên đường nhập ngũ (chiếm 10% dân số của tỉnh lúc đó); có 334.128 lượt người đi dân công hỏa tuyến, 10.636 thanh niên xung phong; 13.024 người con thân yêu đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường.
Với những đóng góp to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, tất cả các huyện, thị xã lúc bấy giờ cùng 164 đơn vị, 31 chiến sỹ con em Hà Tĩnh đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 504 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 (Ảnh chụp ngày 16/10/2020)
Trong công cuộc đổi mới, đặc biệt trong nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã nỗ lực vươn lên giành được những thành tựu to lớn, toàn diện và đồng đều trên các lĩnh vực: công tác xây dựng Đảng tiếp tục được tăng cường, vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức. Kiên định, vận dụng sáng tạo mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH vào điều kiện cụ thể của tỉnh. Chủ động sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từng bước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên được nâng lên. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng được tăng cường. Công tác dân vận được chú trọng; hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân được tăng cường. Công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp.
Hoạt động ổn định của Formosa thúc đẩy dịch vụ kho bãi hỗ trợ vận tải Hà Tĩnh tăng.
Kinh tế tăng trưởng khá, cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng được tăng cường, văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống Nhân dân không ngừng được nâng cao; chính trị ổn định, QPAN được giữ vững, công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị được quan tâm và đạt nhiều kết quả tốt.
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt gần 6%. Quy mô nền kinh tế gấp hơn 1,5 lần so với năm 2015; thu nhập bình quân đầu người từ 23 triệu đồng năm 2015 lên 36 triệu đồng.
Quốc lộ ven biển - một trong những tuyến giao thông quan trọng được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp còn 12,9%, công nghiệp - xây dựng 45,8%, dịch vụ 41,3%. Công nghiệp tăng trưởng nhanh, tiếp tục là động lực chủ yếu của nền kinh tế, bình quân đạt 31,1%/năm. Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh (giai đoạn 1) đi vào hoạt động trở thành hạt nhân tăng trưởng của nền kinh tế.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt nhiều thành tựu nổi bật, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; vượt chỉ tiêu và về đích trước 2 năm so với mục tiêu đại hội.
Cuối năm 2020, toàn tỉnh có trên 93% số xã và 4 huyện đạt chuẩn NTM; TP Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 13 xã NTM nâng cao; 3 xã NTM kiểu mẫu.
Tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu - sáng tạo của Hà Tĩnh với hàng rào xanh , môi trường sống an lành hiện hữu khắp các miền quê (Ảnh: Bá Tấn).
Những tháng đầu năm 2021, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.333 tỷ đồng, đạt 19,4% chỉ tiêu HĐND tỉnh giao. Trong đó, thu nội địa 1.317 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu 1.016 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất chăn nuôi có dấu hiệu tích cực, tuy vậy, các địa phương trong toàn tỉnh vẫn tiếp tục tập trung các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và các dịch bệnh khác như bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò, dịch cúm gia cầm; tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 3.727 tấn, tăng 2,73% so với cùng kỳ.
Nhiều khu đô thị mới được xây dựng, Thành Sen ngày càng văn minh, hiện đại (Ảnh Huy Tùng).
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 25,14% so với cùng kỳ năm 2020. Dịch vụ: tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt trên 4.000 tỷ đồng, tăng 21,29% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng chúng ta đã triển khai thực hiện khá thành công “mục tiêu kép” đó là vừa chống dịch, vừa phát triển KT-XH...
Khu đô thị Nghèn hôm nay. Ảnh Thanh Hải
Những kết quả to lớn mà Đảng bộ và Nhân dân tỉnh ta đạt được trong những năm qua là tiền đề, động lực quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; đến năm 2025 tỉnh đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân các tỉnh Bắc Trung Bộ, phấn đấu năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.