Thời điểm này, Công ty CP 456 đang phối hợp với Văn phòng Quản lý đường bộ II.3 (Khu Quản lý đường bộ II – Cục Đường bộ Việt Nam) triển khai việc rà soát, đánh giá các biển báo giao thông cần điều chỉnh thông tin, vị trí chỉ dẫn địa giới trên một số đoạn tuyến của quốc lộ 1 và các tuyến tránh cho phù hợp với địa giới hành chính mới sau khi Hà Tĩnh vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Ông Võ Viết Tiến – Trưởng phòng Quản lý giao thông Công ty CP 456 cho hay: Qua công tác rà soát trên đoạn tuyến mà đơn vị quản lý có 152 cột Km và 97 biển báo I.414 – biển chỉ hướng đường, khoảng cách chỉ dẫn đến các địa danh, khu dân cư, cần thay đổi để phù hợp với tên các địa phương mới ở Hà Tĩnh.
Sau khi thống kê, đơn vị sẽ có báo cáo đầy đủ về số liệu cột Km, biển báo hiệu và hiện trạng biển báo gửi cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ để tính toán phương án, mốc thời gian, nguồn kinh phí thực hiện việc điều chỉnh.
Ngoài Công ty CP 456, hiện nay, Văn phòng Quản lý đường bộ II.3 cũng đang phối hợp với các nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến quốc lộ, đường Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh để thực hiện việc rà soát, thống kê hệ thống biển báo giao thông cần thay đổi, điều chỉnh phù hợp với tên các đơn vị hành chính mới khi Hà Tĩnh thực hiện việc kết thúc hoạt động cấp huyện và vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Ông Nguyễn Việt Phương – Trưởng Văn phòng Quản lý đường bộ II.3 cho hay: Theo yêu cầu từ Cục Đường bộ Việt Nam, đơn vị đang khẩn trương rà soát, triển khai phương án điều chỉnh thông tin, vị trí các biển chỉ dẫn địa giới hành chính hiện không còn tồn tại do sắp xếp lại đơn vị hành chính trên địa bàn Hà Tĩnh.
Việc điều chỉnh bao gồm cả việc thay đổi tên địa danh, cập nhật khoảng cách trên biển báo, điều chỉnh các cột cây số (km) và các báo hiệu liên quan khác.
“Sau khi rà soát, thống kê, đơn vị quản lý tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương để lập biên bản thống nhất về địa danh chỉ dẫn mới trên các biển báo. Quá trình điều chỉnh hệ thống biển báo đòi hỏi nguồn kinh phí khá lớn và cần nhiều thời gian để thực hiện”, ông Nguyễn Việt Phương cho hay.
Cũng trong thời gian này, Sở Xây dựng Hà Tĩnh yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, lên phương án điều chỉnh hệ thống biển báo trên các tuyến quốc lộ ủy thác, đường tỉnh, đường huyện, đường liên xã.
Ông Phạm Duy Thắng – Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Xây dựng Hà Tĩnh) cho hay, sau khi kết thúc hoạt động chính quyền cấp huyện và vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, nhiều địa danh trên địa bàn Hà Tĩnh không còn tồn tại, không phù hợp, nên cần có sự thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng để lựa chọn địa danh mới phù hợp, tránh gây nhầm lẫn cho người tham gia giao thông.
“Việc điều chỉnh hệ thống biển báo giao thông liên quan đến thay đổi địa danh hành chính là cần thiết nhằm đảm bảo tính chính xác, thống nhất trong quản lý và điều hành giao thông và tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông”, ông Phạm Duy Thắng cho biết.
Ngoài hệ thống quốc lộ và đường địa phương, trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có 4 đoạn tuyến cao tốc với tổng chiều dài 107,28 km, trong đó, 3 đoạn tuyến đã được đưa vào khai thác, gồm Diễn Châu – Bãi Vọt (đoạn qua địa bàn Hà Tĩnh 4,9 km), Bãi Vọt – Hàm Nghi (35,28 km), Hàm Nghi – Vũng Áng (54 km), còn cao tốc Vũng Áng – Bùng (qua địa bàn tỉnh dài 12,9 km) sẽ được thông tuyến vào dịp 19/8, cũng cần được rà soát, điều chỉnh hệ thống biển báo giao thông để phù hợp với đơn vị hành chính mới.
Ông Nguyễn Khắc Trung – Giám đốc điều hành dự án cao tốc Hàm Nghi – Vũng Áng (Ban QLDA Thăng Long, Bộ Xây dựng) cho hay: Việc điều chỉnh hệ thống biển báo trên các đoạn tuyến cao tốc qua địa bàn Hà Tĩnh cần khá nhiều thời gian và kinh phí. Đơn vị sẽ làm việc với các đơn vị có liên quan để tính toán, thống nhất phương án, lộ trình điều chỉnh biển báo giao thông trên cao tốc.