Về Hà Tĩnh

anh-cover-pc-dia-danh-hanh-chinh-va-cau-chuyen-van-hoa.jpg

Mỗi tên đất, tên làng trên dải đất Việt Nam không chỉ là một danh từ định vị trên bản đồ, mà là một thực thể sống, mang trong mình trầm tích của thời gian, ký ức của bao thế hệ và hồn cốt của cả một vùng văn hóa. Với Hà Tĩnh, mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, một thời là phên dậu của đất nước, câu chuyện về địa danh hành chính lại càng trở nên đặc biệt, bởi nó song hành cùng lịch sử đầy biến động.

unit-do-6070.png

DANH XƯNG TỈNH HÀ TĨNH, ƯỚC VỌNG VỀ MỘT VÙNG ĐẤT BÌNH YÊN

Trước khi mang tên gọi chính thức như ngày nay, vùng đất Hà Tĩnh từng có nhiều tên gọi khác nhau trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Thuở các vua Hùng dựng nước, nơi đây thuộc bộ Cửu Đức. Thời Bắc thuộc, nó lần lượt được gọi là quận Cửu Chân, rồi Hoan Châu. Đến thời Lý - Trần, vùng đất này là một phần của xứ Nghệ An rộng lớn, một phên dậu trọng yếu của quốc gia Đại Việt.

Địa danh tỉnh “Hà Tĩnh” chỉ chính thức xuất hiện vào năm 1831, dưới triều vua Minh Mạng. Trong cuộc cải cách hành chính lớn trên toàn quốc, nhà vua đã quyết định tách phần đất phía Nam của trấn Nghệ An để thành lập một tỉnh mới. Và, một cái tên đầy chất thơ, hàm chứa bao kỳ vọng đã được lựa chọn: Hà Tĩnh.

1.jpg
3.jpg
cua-tien-nam-mon-nam-1935.jpg
Thành Hà Tĩnh thời Pháp thuộc (năm 1934). Ảnh tư liệu

Tên gọi này được ghép từ chữ đầu của 2 phủ lớn thời bấy giờ: phủ Hà Hoa (nay là vùng Cẩm Xuyên, Kỳ Anh) và phủ An Tĩnh (nay là vùng Đức Thọ, Hương Sơn). Nhưng, vượt lên trên cách ghép chữ cơ học, “Hà Tĩnh” mang một ý nghĩa sâu xa. “Hà” là sông, “Tĩnh” là yên lặng, trong lành, bình yên. “Hà Tĩnh” chính là ước vọng của tiền nhân, của vị vua Minh Mạng về một miền đất có những dòng sông hiền hòa, con người được sống trong cảnh thái bình, thịnh trị. Giữa một vùng đất thường xuyên phải đối mặt với thiên tai khắc nghiệt và là tuyến đầu trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, cái tên “Hà Tĩnh” như một ước nguyện, một mục tiêu vươn tới. Đó không chỉ định danh một vùng đất mà còn định hình một khát vọng về sự bình yên, phát triển.

CHUYỆN VỀ TÊN GỌI CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN

Mỗi cái tên địa danh hành chính là một câu chuyện riêng, phản chiếu đặc trưng địa lý, lịch sử, văn hóa của mảnh đất này. Tháng 2/2007, Hà Tĩnh có thêm huyện mới Lộc Hà. Như vậy, ở thời điểm đó, Hà Tĩnh có số đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện nhiều nhất kể từ khi thành lập tỉnh cho đến tháng 6/2025 khi chấm dứt hoạt động của đơn vị cấp huyện, với 13 đơn vị (1 thành phố, 2 thị xã và 10 huyện). Có thể chưa thật chính xác hoàn toàn nhưng tôi xin được phân nhóm 13 danh xưng này như những câu chuyện văn hóa.

bqbht_br_2.jpg
Ngã ba Phan Đình Phùng giao với quốc lộ 1A năm 1985. Ảnh tư liệu của NSNA Sỹ Ngọ

TP Hà Tĩnh và TX Hồng Lĩnh là những cái tên mang tính biểu tượng. Nếu TP Hà Tĩnh lấy tên mình từ tên chung của tỉnh, đóng vai trò là trái tim, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, thì TX Hồng Lĩnh lại mang trong mình hồn thiêng của dãy Hồng Lĩnh huyền thoại với 99 ngọn núi uy nghi, một biểu tượng văn hóa và tâm linh của kinh đô nước Việt Thường Thị xưa.

bqbht_br_dji-0970-hdr-copy-2.jpg
Núi Hồng, sông Lam. Ảnh: Đậu Hà

Nhóm địa danh mang đậm dấu ấn của thiên nhiên trù phú phải kể đến Hương Sơn, Hương Khê, Lộc Hà, Thạch Hà. Hương Sơn là “núi thơm”, gợi đến một vùng sơn cước hùng vĩ với những sản vật quý của núi rừng. Hương Khê là “khe nước thơm”, gắn liền với dòng Ngàn Sâu, sông Tiêm, Ngàn Trươi trong lành, khởi nguồn cho sức sống mãnh liệt của miền Tây Hà Tĩnh. Thạch Hà nghĩa là “sông đá”, một cái tên mộc mạc, bắt nguồn từ một đặc điểm địa lý trong lòng sông có đá của vùng đất ven sông này, đến nay, danh xưng này đã có tuổi đời trên 1020 năm. Lộc Hà là sự kết hợp giữa “Lộc” (phúc lộc, tài lộc) và “Hà” (sông), thể hiện ước mơ về một cuộc sống ấm no, sung túc của người dân vùng ven biển, ven sông.

bqbht_br_khu-luu-niem-dai-thi-hao-nguyen-du-anh-huy-tung.jpg
Khu lưu niệm Đại thi Hào Nguyễn Du. Ảnh: Huy Tùng

Nhóm địa danh gắn với lịch sử và phẩm chất con người lại mang một sắc thái khác. Nghi Xuân, quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du, mang ý nghĩa “vùng đất của mùa xuân”. Cái tên toát lên vẻ đẹp của một vùng đất học, nơi sản sinh ra biết bao danh nhân văn hóa cho đất nước. Đức Thọ - cái tên bắt đầu xuất hiện từ năm 1822 dưới triều Minh Mệnh thứ 3 - với nhiều cách hiểu về nguồn gốc từ nguyên, song có thể chiết tự “đức” (đạo đức), “thọ” (tuổi thọ), một lời khẳng định về truyền thống hiếu học, trọng đức và sức sống bền bỉ, kiên cường của con người nơi đây trước mọi thử thách.

Can Lộc, cái tên đã đi vào lịch sử dân tộc với Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại, vốn xưa có tên là Thiên Lộc (lộc trời ban). Đến thời Tự Đức, để tránh phạm húy, tên huyện đã được đổi thành Can Lộc. Theo Nguyễn Sỹ Đại, Can Lộc là “cầu lộc”, chỉ huyện có nhiều người làm quan, ước được làm quan để ăn lộc nước. Cẩm Xuyên là “vùng đất đẹp bên sông”, gợi lên hình ảnh một miền quê trù phú, tươi đẹp. Kỳ Anh (bao gồm cả huyện và thị xã) phản ánh vị thế đặc biệt của vùng đất cuối dãy Hoành Sơn, nơi có Đèo Ngang hùng vĩ, một vẻ đẹp vừa nên thơ vừa hiểm trở.

bqbht_br_hoanh-son-quan-nguyen-huy-tung.jpg
Hoành Sơn Quan. Ảnh: Huy Tùng

Đặc biệt nhất có lẽ là Vũ Quang. Huyện được thành lập năm 2000 và được đặt theo tên của căn cứ địa Vũ Quang trong cuộc khởi nghĩa Cần Vương do Phan Đình Phùng lãnh đạo cuối thế kỷ XIX. Đây là cách thế hệ sau tri ân và khắc ghi tinh thần yêu nước bất khuất của cha ông, biến một địa danh lịch sử thành một địa danh hành chính, để tinh thần ấy sống mãi cùng tên đất, tên làng.

bqbht_br_dji-0644.jpg
Non nước Vũ Quang. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

ĐỊA DANH, NHỮNG CUỘC HỘI TỤ VÀ TẠM BIỆT

Lịch sử của địa danh không bao giờ đứng yên mà luôn vận động, thay đổi cùng với sự phát triển của xã hội. Riêng tỉnh Hà Tĩnh có nhiều mốc lịch sử ghi dấu sự thay đổi lớn về địa danh hành chính như: 1831, 1954, 1976, 1991 và 2025. Năm nay, Hà Tĩnh từ 209 ĐVHC cấp xã được sắp xếp thành 69 ĐVHC cấp xã mới và kết thúc hoạt động ĐVHC cấp huyện. Đây là một cuộc đổi thay lớn lao, mang theo cả niềm vui về sự tinh gọn, phát triển nhưng đồng thời cũng có những nỗi buồn man mác. Có những cái tên đã tồn tại hàng trăm năm, gắn bó với bao thế hệ, nay chỉ còn trong ký ức. Tên làng, tên xã đâu chỉ là địa chỉ, mà nó là quê hương, là tiếng gọi thân thương. Mất đi một cái tên cũng giống như mất đi một phần tâm hồn. Đó là nỗi niềm của biết bao người con xa xứ khi biết rằng tên xã thân thuộc của mình sẽ không còn trên bản đồ hành chính.

bqbht_br_ban-do-ha-tinh-gui-a.jpg
Bản đồ 69 phường, xã sau sắp xếp theo Nghị quyết 1665/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồ họa: Huy Tùng

Nhưng trong dòng chảy ấy, những cái tên mới đã ra đời, phản ánh một giai đoạn lịch sử phát triển mới. Việc thay đổi này, đương nhiên có những nuối tiếc, nhưng là quy luật tất yếu. Những cái tên mới hôm nay rồi sẽ lại được bồi đắp bởi những thế hệ mai sau, sẽ trở thành những địa danh cổ, mang trong mình hồn cốt văn hóa, lịch sử của vùng đất này.

Có thể với một số người do nhiều lý do mà chưa hài lòng với một số tên của ĐVHC cấp xã mới, nhưng rõ ràng, việc đặt tên cho các ĐVHC cấp xã lần này, Hà Tĩnh đã làm tốt nhất ở mức có thể trong một quỹ thời gian cực kỳ khiêm tốn. Điều đáng ghi nhận đầu tiên là tên các xã, phường mới hình thành từ việc sáp nhập thị trấn trung tâm với các xã lân cận, đã được đặt theo tên của chính huyện, thị xã cũ. Có 12/69 đơn vị được đặt tên như vậy. Đây không chỉ là sự lựa chọn mang tính quy ước mà còn là một sự khẳng định về vai trò hạt nhân, vị thế trung tâm của vùng đất mới. Cách đặt tên này thể hiện một tư duy quy hoạch hướng tới tương lai, nơi các trung tâm đô thị mở rộng, lan tỏa sức ảnh hưởng và trở thành đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của cả một khu vực. Những tên mới này đã neo vào lịch sử ĐVHC cấp huyện của Hà Tĩnh dù cấp hành chính này không còn tồn tại nữa.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Hà Tĩnh là tỉnh dẫn đầu trong số 10 tỉnh trong toàn quốc dùng ĐVHC cấp huyện đặt tên cho ĐVHC cấp xã mới. Điều ghi nhận thứ hai là có 35/69 ĐVHC mới giữ lại tên của một trong các đơn vị cũ được sáp nhập. Việc giữ lại một cái tên quen thuộc như một sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, giúp người dân không cảm thấy xa lạ trên chính quê hương mình. Đó là sự tiếp nối liền mạch của dòng chảy lịch sử, để những giá trị văn hóa của làng xã xưa kia vẫn tiếp tục được bồi đắp và phát triển trong một hình hài mới, rộng lớn hơn. Bên cạnh đó, có 20/69 ĐVHC cấp xã có tên gọi mới, nhưng thực chất hầu hết là những tên địa danh đã có trước đây, mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử, thể hiện ước vọng, đặc trưng địa lý của vùng đất sáp nhập mới. Những cái tên mới này là minh chứng cho sự sáng tạo, cho khát vọng xây dựng một bản sắc chung từ những nét riêng, thể hiện sự hòa hợp và cùng nhau kiến tạo một tương lai mới. Đặc biệt, trong 69 tên địa danh mới thì chỉ có 2 phường và 2 xã có tên dài 3 từ là: Bắc Hồng Lĩnh, Nam Hồng Lĩnh, Sơn Kim 1 và Sơn Kim 2, còn lại 65 tên đơn vị cấp xã mới chỉ có 2 từ. Điều này là rất đáng ghi nhận.

img-1766-2-copy.jpg
faf387fd31678639df76-copy.jpg
4.jpg
2-8551.jpg
Ngày 1/7/2025, buổi đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, các xã, phường tại Hà Tĩnh đã bừng lên không khí làm việc sôi nổi, phấn khởi. Ảnh: P.V

Câu chuyện về địa danh hành chính Hà Tĩnh là một dòng chảy không ngừng nghỉ. Từ ước vọng “Hà Tĩnh” của vua Minh Mạng, đến những cái tên huyện, tên xã thấm đẫm văn hóa, lịch sử, và giờ đây là những cái tên mới ra đời trong công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Mỗi cái tên, dù mới hay cũ, dù còn hay đi vào lịch sử, đều là một phần của di sản. Chúng nhắc nhở chúng ta rằng, mảnh đất ta đang sống không phải là vô tri. Nó có linh hồn, có ký ức, có lịch sử. Tên làng, tên xã, tên huyện, tên tỉnh chính là sợi dây vô hình kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai, kết nối mỗi cá nhân với cộng đồng, với cội nguồn.

Những cái tên mới rồi sẽ quen, những nỗi niềm đây đó rồi sẽ lắng lại. Điều quan trọng nhất, cái “chất” Hà Tĩnh, cái hồn cốt được hun đúc từ sông La, núi Hồng, từ bão táp và lòng kiên trung, từ sự hiếu học và tình nghĩa… sẽ vẫn còn mãi. Nó sẽ tiếp tục được bồi đắp, làm cho mỗi tên đất, dù là cũ hay mới, đều trở nên lấp lánh và tự hào. Bởi sau cùng, chính con người mới là linh hồn của đất.

NỘI DUNG: THÁI VĂN SINH
ẢNH: P.V - CTV
THIẾT KẾ: HUY TÙNG

______

Tài liệu tham khảo:

- Thái Văn Sinh (2014), Địa danh Hà Tĩnh, Tập 1: Địa danh hành chính 1945-2013, NXB Đại học Vinh.

- Sách địa chí các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Hương Khê…

Chủ đề Vận hành chính quyền địa phương hai cấp

Đọc thêm

Thắp sáng giá trị gia đình Việt giữa nhịp sống mới

Thắp sáng giá trị gia đình Việt giữa nhịp sống mới

Bằng nhiều cách tiếp cận và truyền tải linh hoạt, ngành VH-TT&DL Hà Tĩnh đang nỗ lực làm mới công tác gia đình, để các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp tiếp tục được khơi dậy và lan tỏa trong cộng đồng.
Biển Xuân Thành ngày càng hấp dẫn du khách

Biển Xuân Thành ngày càng hấp dẫn du khách

Không gian trong lành, dịch vụ du lịch ngày càng hoàn thiện, biển Xuân Thành (Nghi Xuân – Hà Tĩnh) đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong những ngày hè sôi động.
Khi ví, giặm "chạy show"…

Khi ví, giặm "chạy show"…

Không còn đơn thuần xuất hiện trên sân khấu hội diễn tuyên truyền, dân ca ví, giặm ở Hà Tĩnh từng bước hiện diện trong các show diễn giải trí, chuyển hóa thành sản phẩm của công nghiệp văn hóa.
Anh Nghĩa làm nhiều việc nghĩa

Anh Nghĩa làm nhiều việc nghĩa

Bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như hiến đất mở đường, giúp đỡ người nghèo, tích cực trong các hoạt động của địa phương, anh Trương Quang Nghĩa, thôn Bắc Thượng, xã Thạch Đài (TP Hà Tĩnh) đã góp sức làm cho quê hương thay da đổi thịt.
Đình làng - nơi lưu giữ những giá trị truyền thống

Đình làng - nơi lưu giữ những giá trị truyền thống

Cây đa, bến nước, sân đình là biểu tượng của làng quê trong tâm thức bao thế hệ. Trong đó, đình làng là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng của mỗi làng quê, đang cần được khôi phục và phát huy.
Bí thư chi bộ tâm huyết xây dựng khu dân cư mẫu

Bí thư chi bộ tâm huyết xây dựng khu dân cư mẫu

Tâm huyết, gương mẫu đi đầu và kiên trì vận động người dân là “bí quyết” giúp ông Lê Văn Phẩm - Bí thư Chi bộ thôn Phúc Thuận, xã Thuận Lộc (TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) triển khai thực hiện thành công các mục tiêu xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.
Khi ngư dân Thiên Cầm làm du lịch homestay

Khi ngư dân Thiên Cầm làm du lịch homestay

Không chỉ đơn thuần là chỗ nghỉ chân, các homestay tại Khu du lịch Thiên Cầm (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) mang đến không gian gần gũi, thân thiện, giúp du khách hòa mình vào nhịp sống của người dân làng biển.
Người gieo "hạt giống" đoàn kết

Người gieo "hạt giống" đoàn kết

Ông Hồ Duy Lý - Bí thư Chi bộ thôn Song Hải, xã Thạch Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) luôn là tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm, tận tụy vì dân, sống trọn nghĩa đạo - đời.
Thôn Trung Tâm xanh màu no ấm

Thôn Trung Tâm xanh màu no ấm

Người dân thôn Trung Tâm (xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã khai thác hiệu quả lợi thế bán sơn địa, xây dựng nhiều mô hình kinh tế vườn đồi cho thu nhập cao, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân.
Cô gái trẻ Hà Tĩnh 22 tuổi, 21 lần hiến máu

Cô gái trẻ Hà Tĩnh 22 tuổi, 21 lần hiến máu

Hơn 4 năm kể từ lần đầu tiên hiến máu, đến nay, ở độ tuổi 22, Hoàng Thị Hồng Thương (xã Đan Trường, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã có đến 21 lần tham gia hiến máu và hiến tiểu cầu.
Nối vòng tay lớn nâng bước học trò nghèo

Nối vòng tay lớn nâng bước học trò nghèo

Những “chuyến tàu” trong cuộc hành trình gần 10 năm “Tiếp sức tới trường” của Báo Hà Tĩnh đang dần cập bến. Tấm bằng đại học sau những năm nỗ lực trên giảng đường đã giúp các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tự tin trở thành bác sỹ, sỹ quan quân đội, giáo viên, phiên dịch viên…
Trăm năm giữ tròn con chữ

Trăm năm giữ tròn con chữ

Thật tự hào khi giữa mạch nguồn 100 năm của nghề báo, trong lòng người làm báo Hà Tĩnh vẫn luôn vang lên mệnh lệnh âm thầm mà rất đỗi thiêng liêng: “Giữ cho tròn con chữ”…
“Sứ giả” thầm lặng của du lịch Hà Tĩnh

“Sứ giả” thầm lặng của du lịch Hà Tĩnh

Là những người làm báo chuyên trách tuyên truyền lĩnh vực du lịch của Hà Tĩnh, chúng tôi không chỉ đi và viết, mà còn sống trong sự cảm nhận vẻ đẹp và hương vị quê hương để truyền tất cả tình yêu ấy vào từng câu chữ, khuôn hình.
Thuyết minh viên Đào Anh Tuân: Người “kết nối” lịch sử và hiện tại

Người “kết nối” lịch sử và hiện tại

Học Bác từ những điều bình dị, giản đơn để làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, hơn 20 năm nay, anh Đào Anh Tuân - Phó Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng (Hà Tĩnh) trở thành người “kết nối” lịch sử nơi “tọa độ lửa” Ngã ba Đồng Lộc.