Thảm họa bão tuyết trên đỉnh Everest đã cướp đi sinh mạng của 15 người trong mùa leo núi năm 1996, một trong những năm đen tối nhất của lịch sử chinh phục nóc nhà thế giới. Ảnh: Adventure. |
Năm 2011, cựu ngoại trưởng Nepal Shailendra Kumar Upadhyay, khi đó 82 tuổi quyết định leo Everest để trở thành người già nhất chinh phục đỉnh núi này, theo Listverse. Khi tới được Trại 1, ông đổ bệnh. Upadhyay phải quay lại Trạm Cơ sở để được chăm sóc y tế nhưng không qua khỏi. Thi thể của ông được đưa tới thủ đô Nepal.
Một câu chuyện khác là về Hannelore Schmatz - nhà leo núi người Đức và cũng là phụ nữ đầu tiên chết trên Everest. Năm 1979, trên đường xuống núi sau khi chinh phục thành công, Hannelore cùng một nhà leo núi người Mỹ đã quyết định ngủ ngoài trời khi đêm xuống do kiệt sức. Nhưng họ không bao giờ tỉnh dậy.
"Cô ấy đã tạo ra được một cái đầu tiên cho riêng mình và trên thế giới liên quan đến đỉnh Everest. Nhưng lại là phụ nữ đầu tiên chết, thật bi kịch làm sao", một du khách khi tới Nepal và nghe về câu chuyện của Hannelore Schmatz đã để lại bình luận.
Nhắc đến những cái chết trên đỉnh Everest, có lẽ "Giày xanh" là xác chết nổi tiếng nhất.
Thi thể của người đàn ông leo núi đó trông như đang ngủ, nằm nghiêng sang một bên và nấp dưới bóng của một khối đá với đôi tay khoanh trước ngực. Đôi chân của anh duỗi dài ra phía lối đi, buộc những người muốn leo lên đỉnh núi phải bước qua đôi giày màu xanh sáng.
Xác chết nổi tiếng này có tên là Tsewang Paljor nhưng hầu hết mọi người biết về anh đều gọi là Giày xanh và anh đã nằm ở đây suốt 20 năm.
Năm 1996, Paljor cùng những người bạn leo núi đã thiệt mạng trong một cơn bão lớn. Còn theo Wikipedia, anh là thành viên lực lượng biên phòng của Ấn Độ và khi qua đời, Giày xanh mới 28 tuổi.
Dù nổi tiếng theo một cách đau lòng, nhưng thông tin về người đàn ông này rất ít. Theo lời kể lại của mẹ đẻ anh, Paljor là một người con ngoan trong gia đình có 5 anh chị em.
Trong làng, anh cũng nổi tiếng là một đứa trẻ tốt bụng. Dù điển trai, anh chưa có bạn gái vì tính tình nhút nhát, hay thẹn thùng. Là con trai trưởng trong nhà, Paljor rất có trách nhiệm trong việc kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. 16 tuổi, anh nghỉ học và xin gia nhập lực lượng biên phòng ở Ấn Độ. Với tố chất thể lực hơn người, chàng trai này đã được nhận.
Mẹ của anh rất tự hào về cậu con trai này nhưng Giày xanh lại không muốn mẹ biết về những công việc vất vả, hay đôi khi là nguy hiểm của mình. Do đó, khi được lựa chọn vào nhóm đặc biệt leo núi để trở thành những người Ấn Độ đầu tiên lên đỉnh Everest từ sườn phía Bắc, cậu con trai đã không nói với mẹ điều này.
Người mẹ sau khi biết tin này đã tìm mọi cách ngăn cản cậu con trai. Còn người em trai Thinley của anh thì không lo lắng quá nhiều. Với cậu, anh trai mình không khác gì một siêu anh hùng. Thinley cũng là người cuối cùng gặp gỡ anh trai trước khi Paljor thực hiện nhiệm vụ. Và đó cũng là lần cuối cùng, gia đình gặp được Giày xanh khi anh còn sống.
Ngày nay, hầu hết người muốn chinh phục đỉnh Everest từ hướng Bắc sẽ phải đi qua một khu vực nổi tiếng và cũng đầy rùng rợn - nơi an nghỉ của Giày xanh. Mọi người qua đây đều cho biết họ cảm thấy rất đau lòng và nhận ra rằng, chưa bao giờ chuyện sinh ly tử biệt lại mong manh đến vậy.
Đỉnh Everest có độ cao 8.848 m, gấp hơn 10 lần tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa (829 m). Chiều cao này bị giảm do các trận động đất như ở Nepal tháng 4 vừa qua. Đỉnh núi được đặt là Everest vào năm 1856, theo tên một nhà trắc địa học George Everest, người thậm chí chưa từng đặt chân tới nóc nhà thế giới. Radhanath Sikdar, nhà toán học người Ấn Độ, là người đầu tiên xác định độ cao của đỉnh Everest bằng các phép toán. Con số đầu tiên ông đưa ra là 8.839 m, sau đó Sikdar điều chỉnh lại thành 8.849 m. Đây là điểm đến hút khách leo núi bậc nhất thế giới. Tuy nhiên, Everest cũng là một nơi nguy hiểm bởi nhiều người đã đặt chân đến và mãi mãi không bao giờ trở về. |