Rào cản lớn của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân

Ngày 1/8/2022, hội nghị đánh giá lần thứ 10 Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) đã khai mạc tại trụ sở Liên Hợp quốc (LHQ) ở New York sau hơn 2 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19 và dự kiến sẽ kéo dài đến hết ngày 26/8.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine chưa thể kết thúc và căng thẳng Mỹ - Trung bùng lên liên quan đến vấn đề Đài Loan, song vẫn thu hút sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế với sự tham dự của Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Fiji, cùng gần 50 bộ trưởng và cấp tương đương của các quốc gia thành viên, lãnh đạo của LHQ cũng như Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Ngày 1-8, ngay trước thềm khai mạc hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đã sẵn sàng theo đuổi một thỏa thuận vũ khí hạt nhân mới với Nga, đồng thời kêu gọi Nga và Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Rào cản lớn của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân

Hội nghị đưa ra những cảnh báo về mối đe dọa hạt nhân.

Vài ngày sau “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga trên lãnh thổ Ukraine hôm 24-2, Tổng thống Putin đã đặt các lực lượng răn đe hạt nhân trong tình trạng báo động cao. Nguyên nhân, theo ông Putin, là do tuyên bố gây hấn của các nhà lãnh đạo NATO và các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Moscow. Nhưng, trong một bức thư gửi những người tham dự hội nghị NPT, ông Putin viết: “Chúng tôi bắt đầu từ thực tế là không ai có thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và điều này không bao giờ được phép xảy ra. Chúng tôi ủng hộ an ninh bình đẳng và không chia cắt cho tất cả các thành viên của cộng đồng thế giới”.

Washington phải “đưa ra quyết định”

Mỹ và Nga đã ký Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược Mới (New START) vào năm 2010. Tháng 2-2021, hai bên đã gia hạn thêm 5 năm nữa, trong đó giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược, tên lửa và máy bay ném bom mà họ có thể triển khai trên đất liền và tàu ngầm cho đến năm 2026.

Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Chính quyền Mỹ đã sẵn sàng đàm phán khẩn cấp một khuôn khổ kiểm soát vũ khí mới để thay thế New START hết hạn vào năm 2026. Nhưng, đàm phán đòi hỏi một đối tác thiện chí. Nga nên chứng minh rằng họ sẵn sàng nối lại công việc kiểm soát vũ khí hạt nhân với Mỹ”.

Nhưng, phái bộ của Nga tại LHQ đặt câu hỏi liệu Mỹ có sẵn sàng đàm phán hay không và đưa ra cáo buộc Washington rút khỏi các cuộc đàm phán với Moscow về ổn định chiến lược đối với cuộc xung đột Ukraine. Phái bộ LHQ của Nga cho biết trong một tuyên bố: “Đã đến lúc Washington phải đưa ra quyết định: Leo thang trong lĩnh vực an ninh quốc tế hay bắt tay vào các cuộc đàm phán bình đẳng”.

Ông Biden cũng kêu gọi Trung Quốc “tham gia các cuộc đàm phán để giảm nguy cơ tính toán sai lầm và giải quyết các động thái quân sự gây bất ổn”. Tại hội nghị, Ngoại trưởng Antony Blinken đã phát biểu rằng Washington cam kết tìm kiếm một gói giảm thiểu rủi ro toàn diện bao gồm các kênh liên lạc an toàn giữa các quốc gia có vũ khí hạt nhân; đồng thời nhấn mạnh Mỹ sẵn sàng làm việc với tất cả các đối tác, bao gồm cả Trung Quốc và các nước khác, về các nỗ lực giảm thiểu rủi ro và ổn định chiến lược.

Nguy cơ đối đầu hạt nhân tăng cao

Tại hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu: “Hội nghị lần này diễn ra vào thời điểm nguy cơ hạt nhân tăng cao chưa từng thấy kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Chỉ một sự hiểu lầm, một tính toán sai lầm sẽ khiến nhân loại bị hủy diệt bởi hạt nhân”. Còn Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida kêu gọi tất cả các quốc gia hạt nhân nên hành xử “có trách nhiệm” vì chính quê hương ông ở Hiroshima vào ngày 6-8-1945 đã trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới hứng chịu một vụ đánh bom hạt nhân. Tại hội nghị, ông Kishida phát biểu: “Thế giới đang lo lắng thảm họa hạt nhân lại một lần nữa xuất hiện. Trong bối cảnh hiện nay, phải thừa nhận rằng con đường dẫn đến một thế giới không có vũ khí hạt nhân bỗng trở nên khó khăn hơn”.

Rào cản lớn của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân

Đại diện của Việt Nam, thứ trưởng Hà Kim Ngọc phát biểu tại hội nghị.

Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết có thông tin rằng CHDCND Triều Tiên đang chuẩn bị tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 7, Iran “không muốn hoặc không thể” chấp nhận quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 nhằm mục đích kiềm chế chương trình hạt nhân của nước này, còn Nga thì “đe dọa tiến hành một vụ tấn công hạt nhân liều lĩnh, nguy hiểm” ở Ukraine.

Nga hiện đang chiếm giữ nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Zaporizhzhya, nơi chứa lò phản ứng hạt nhân, kho lưu trữ chất thải phóng xạ và sử dụng nó như một căn cứ quân sự. Tổng Giám đốc IAEA, ông Rafael Grossi, khẳng định cuộc xung đột Nga-Ukraine “nghiêm trọng đến mức bóng ma về một cuộc đối đầu hạt nhân đang hiện hữu” và “tình hình ngày càng trở nên nguy hiểm hơn” sau khi Nga chiếm nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya.

Ông Mitsuru Kurosawa, giáo sư danh dự tại Đại học Osaka và là chuyên gia về các vấn đề giải trừ quân bị, cho rằng, hội nghị NPT lần này phải đối mặt với 2 rào cản lớn, đó là mối quan hệ xấu đi giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới Mỹ-Nga và sự chia rẽ tiếp diễn trong các thành viên hạt nhân và phi hạt nhân về cách tiếp cận giải trừ hạt nhân. Do đó, các thành viên NPT có thể sẽ khó tìm thấy điểm chung hơn bất kỳ cuộc họp nào trong số 9 cuộc họp trước đây về hiệp ước này vốn có hiệu lực vào năm 1970. Hội nghị lần này “dự kiến sẽ kết thúc mà không thể thông qua” một văn bản đồng thuận thực chất, như các cuộc đàm phán trước đó vào năm 2015.

NPT, được thông qua vào thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, đã góp phần quan trọng trong việc hạn chế phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng cuộc họp mới nhất này diễn ra vào thời điểm cuộc chiến NgaUkraine ngày càng ác liệt cũng như tham vọng hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đã nêu bật các ưu tiên khác nhau của các cường quốc hạt nhân trong cam kết giải trừ quân bị hạt nhân của họ, dẫn đến mối quan hệ Mỹ-Nga và quan hệ MỹTrung ngày càng xấu đi.

Ông Kurosawa nhấn mạnh: “Các cuộc đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân đòi hỏi một mối quan hệ tin cậy lẫn nhau ở một mức độ nào đó, nhưng giờ đây không còn mối quan hệ như vậy nữa”.

Theo An ninh Thế giới

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.