Kho vũ khí hạt nhân thế giới có xu hướng tăng trở lại

Một phát hiện quan trọng trong Niên giám SIPRI 2022 là mặc dù số lượng đầu đạn hạt nhân giảm nhẹ vào năm 2021 nhưng các kho vũ khí hạt nhân (VKHN) dự kiến sẽ tăng lên trong thập kỷ tới.

Niên giám SIPRI 2022 nhấn mạnh, sau khi giảm trong 35 năm, số lượng VKHN trên thế giới sẽ tăng trong thập kỷ tới. Theo SIPRI, câu lạc bộ hạt nhân (gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Israel, Triều Tiên, Pakistan, Mỹ và Nga) có 12.705 đầu đạn hạt nhân vào tháng 1-2022, ít hơn 375 đầu đạn hạt nhân so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này giảm so với mức hơn 70.000 đầu đạn hạt nhân vào năm 1986.

Kho vũ khí hạt nhân thế giới có xu hướng tăng trở lại

Một vụ thử tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Pakistan. Ảnh: AFP

Sự sụt giảm kho VKHN là do cả Mỹ và Nga đã giảm dần kho VKHN khổng lồ được xây dựng trong Chiến tranh Lạnh nhưng số lượng VKHN đang hoạt động vẫn “tương đối ổn định”. Theo SIPRI, Nga là nước có kho VKHN lớn nhất với tổng số 5.977 đầu đạn hạt nhân (giảm 280 đầu đạn trong hơn một năm), trong đó 1.588 đầu đạn được triển khai cùng tên lửa và máy bay đang trong tình trạng sẵn sàng cao.

Trong khi đó, Mỹ có 5.428 đầu đạn hạt nhân (giảm 120 đầu đạn trong hơn một năm) nhưng có 1.750 đầu đạn hạt nhân đang được triển khai. Đứng ở các vị trí tiếp theo là Trung Quốc (với 350 đầu đạn hạt nhân), Pháp (290), Vương quốc Anh (225), Pakistan (165), Ấn Độ (160) và Israel (90). SIPRI nhận định, Triều Tiên tiếp tục ưu tiên chương trình hạt nhân quân sự như một yếu tố cốt lõi của chiến lược an ninh quốc gia.

Bình Nhưỡng đã không tiến hành các vụ nổ thử hạt nhân hoặc thử tên lửa đạn đạo tầm xa trong suốt năm 2021, tuy nhiên, SIPRI ước tính nước này hiện đã lắp ráp được 20 đầu đạn hạt nhân và sở hữu đủ vật liệu phân hạch cho từ 45 đến 55 đầu đạn.

Niên giám SIPRI 2022 cũng ghi nhận một số mốc quan trọng của ngoại giao hạt nhân trong năm 2021, như: Hiệp ước cấm VKHN của Liên hợp quốc (TPNW) có hiệu lực từ ngày 22-1-2021, sau khi được 50 nước phê chuẩn; Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) giữa Nga và Mỹ được gia hạn thêm 5 năm, tới ngày 5-2-2026; hay việc Mỹ khởi động đàm phán với Tehran nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, hay còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Đặc biệt, ngày 3-1-2022, 5 cường quốc hạt nhân của thế giới đồng thời là 5 quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ra tuyên bố chung khẳng định “không thể có quốc gia nào giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân” và cuộc chiến này không bao giờ nên xảy ra. Các nước trên cũng nhất trí ngăn chặn phổ biến VKHN và nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Tuy nhiên, SIPRI cho rằng, kỷ nguyên giải trừ quân bị này chắc chắn sắp kết thúc và nguy cơ leo thang hạt nhân đang ở mức cao nhất kể từ thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Ông Wilfred Wan, Giám đốc Chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của SIPRI cho biết, các quốc gia trang bị VKHN đều đang tăng cường hoặc nâng cấp kho vũ khí của mình.

“Đầu năm 2021, Pháp chính thức khởi động chương trình phát triển tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thế hệ thứ ba. Ấn Độ và Pakistan dường như đang mở rộng kho VKHN của mình. Cả hai nước đã giới thiệu và tiếp tục phát triển các loại hệ thống chuyển giao hạt nhân mới vào năm 2021.

Israel tuy không công khai thừa nhận sở hữu VKHN, cũng được cho là đang hiện đại hóa kho VKHN của mình. Đây là xu hướng rất đáng lo ngại. “Mặc dù đã có một số thành tựu đáng kể trong việc kiểm soát VKHN và giải trừ VKHN trong năm qua, nhưng nguy cơ VKHN được sử dụng dường như cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh”, Giám đốc SIPRI Dan Smith nhận định.

Theo PHƯƠNG VŨ/QĐND

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.