Các cựu nữ thanh niên xung phong Hà Tĩnh trong niềm xúc động gặp lại nhau giữa thời bình. Ảnh tư liệu
Bài hát “Chào em cô gái Lam Hồng” của nhạc sỹ Ánh Dương mang đậm âm hưởng dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh ra đời năm 1967, sau một chuyến công tác của ông tại xã Nhân Lộc (nay là xã Gia Hanh, Can Lộc).
Đường đi tuy không xa nhưng địch đánh phá ác liệt nên phải đi ban đêm. Chứng kiến cảnh con đường 15A bị bom đạn cày đi, xới lại hai bên không còn màu xanh, sống chết kề trong gang tấc, thế mà các cô gái mới mười tám, đôi mươi kiên cường bám trụ suốt ngày đêm, nhạc sỹ Ánh Dương vô cùng xúc động.
Và thế là những ca từ đầu tiên đã ra đời ngay trên đường về. Hình ảnh nữ TNXP Hà Tĩnh hiện lên rất thực mà cũng rất thơ: “Chào em cô gái Lam Hồng giữa tiếng bom gào đạn dội/ Vẫn nghe vang vang câu hò trên đường/ Niềm vui lớn tỏa lan trên quê ta/ Đi thông đường để những chuyến xe ta băng băng qua”.
Các nữ TNXP san lấp hố bom ở Đồng Lộc năm 1968. Ảnh tư liệu
Những nụ cười, cái vẫy tay, câu hò vui vẻ của các chị đã tiếp thêm động lực cho các chiến sỹ trên đường ra tiền tuyến: “Hỡi cô gái trên đất Lam Hồng, mỗi dặm xe qua lòng em thấu tỏ/ Dù xe anh chạy đêm chạy ngày cũng chẳng bằng tình nghĩa em/ Vì miền Nam bao yêu thương, đi thông đường để những chuyến xe qua…”.
Đường 15A, đặc biệt là Ngã ba Đồng Lộc những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy đã chứng kiến tinh thần đấu tranh quật cường, anh dũng của các lực lượng. Trong đó, rất nhiều nữ chiến sỹ TNXP Hà Tĩnh đã chiến đấu rất quả cảm, viết nên những huyền thoại bất tử.
Trong những cảm xúc mãnh liệt về hình ảnh nữ chiến sỹ TNXP La Thị Tám qua bức ảnh của nghệ sỹ nhiếp ảnh Văn Bảo, nhà thơ Nguyễn Phương Thúy đã viết bài thơ “Cô gái sông La”.
Về sau, năm 1970, sau khi nữ TNXP La Thị Tám được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, trong một chuyến công tác tại Hà Tĩnh, đứng trên quả đồi nữ chiến sỹ La Thị Tám từng làm nhiệm vụ, nhạc sỹ Doãn Nho đã phổ nhạc bài thơ của Phương Thúy thành ca khúc “Người con gái sông La”.
Nữ anh hùng La Thị Tám - nguyên mẫu trong ca khúc Người con gái sông La. Ảnh: Văn Bảo
Nguyên mẫu của ca khúc là nữ anh hùng TNXP La Thị Tám nhưng những hình ảnh trong giai điệu và lời ca ấy cũng là hình ảnh chung của lực lượng nữ TNXP Hà Tĩnh trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt.
Bất kỳ lúc nào, khúc hát ấy vang lên, lòng người lại cảm thấy thật rộn ràng và rạo rực sức sống, rưng rưng niềm kính trọng, tự hào: “Ơi... em vừa 18 tròn, đẹp như xuân sang/ Em người chiến thắng sức mạnh bạo tàn/ Đạp trên cái chết dáng em hiên ngang/ Hỡi người con Xô viết/ Bom thù xới nát đất này từng ngày/ Mà em đứng đó tóc xanh tung bay/ Em là chồi biếc của mùa xuân Việt Nam...”.
Không chỉ xuất hiện trong âm nhạc thời chiến, hình ảnh nữ TNXP Hà Tĩnh, nhất là 10 nữ anh hùng hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc còn xuất hiện rất nhiều trong âm nhạc hiện đại.
Nữ TNXP Hà Tĩnh làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông thông suốt trên tuyến đường trọng điểm tại Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh tư liệu
Không thể kể hết những ca khúc đã viết về các chị nhưng để lại nỗi xúc động mạnh mẽ nhất là những ca khúc như: Tình yêu của mẹ (Phan Huỳnh Điểu), Cúc ơi (Nguyễn Trung Nguyên phổ thơ Yến Thanh), Tôi vẫn tìm em cô gái sông La (Trần Danh Viện), Cổ tích quê mình (Ngọc Thịnh phổ thơ Ngọc Vượng), Đồng Lộc đẹp mãi tên em (Dương Toàn Thiên)…
Những ca khúc ấy vừa phản ánh rất chân thực, xúc động hình ảnh nữ TNXP trong chiến tranh, vừa đậm tình cảm, sự biết ơn của hậu thế đối với sự hy sinh xương máu và tuổi xuân của các chị; vừa mang âm hưởng của hòa bình nhưng vẫn rất hào hùng.