Săn lùng mối chúa vì nghĩ là "sung dược"
Cho rằng mối chúa có tác dụng tăng cường sinh lực cho phái mạnh, cải thiện khả năng trong “chuyện ấy”… khiến không ít người lùng mua. Anh Trần Thanh Hùng (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, trong một lần nhậu cùng bạn, anh được biết, mối chúa ngâm rượu rất tốt cho sinh lý nam, thậm chí còn được coi là “sung dược” nên anh cố gắng tìm mua. Song để tìm mua được mối chúa tươi hoặc rượu ngâm mối chúa đúng chuẩn cũng không phải là dễ.
Theo tìm hiểu của anh Hùng, mối chúa loại nhỏ có giá 25.000 - 300.000 đồng một con, loại dài hơn 10cm có thể bán với giá tới 700.000 đồng. Mối chúa thường được bán vào các nhà hàng, chế biến theo nhiều cách, từ nướng, chiên, hấp, tới salad sống, trở thành món đặc sản được nhiều nam giới ưa thích.
Dân gian truyền miệng, trong mối chúa tập trung nhiều chất dinh dưỡng nên nó được coi là vị thuốc tăng cường sinh lý, món ăn có nhiều đạm, đặc biệt tốt cho người yếu thận. Hơn nữa, trong tình trạng thực phẩm không an toàn như hiện nay, những món ăn từ côn trùng cũng là nguồn thực phẩm sạch hiếm hoi.
Mối là côn trùng chứa nhiều ký sinh trùng, nấm mốc nên rất nguy hiểm khi sử dụng làm thực phẩm.
GS. Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, từ lâu mối được sử dụng làm thực phẩm như một trào lưu mới. Tuy vậy, mối có thực sự bổ dưỡng không thì chưa thể chứng minh được. Nhiều người cho rằng mối chúa ngâm rượu là “thần dược” cho sinh lý nam, rồi lùng sục tìm mua. Thực ra cho đến nay, không ai dám khẳng định mối chúa có tác dụng ấy, có chăng chỉ là những kiến thức truyền miệng.
Những loài côn trùng được cho là có tác dụng tráng dương, bổ thận cũng rất nhiều. Ban đầu từ lúc ăn vì lạ, ăn cho vui, dần dần côn trùng được săn lùng vì những tác dụng thần kỳ này.
GS. Bùi Công Hiển cho biết, trong các tài liệu y học cổ truyền, đúng là mối chúa có công dụng sinh tinh, cường lực, bổ dưỡng do mối chứa nhiều đạm giúp mạnh về sinh lý. Tuy vậy, các con vật chứa nhiều đạm càng dễ bị phân hủy, sinh ra độc tố, đặc biệt là khi chế biến không kỹ hoặc để quá lâu sau khi chế biến. Ngay cả việc ngâm rượu mối chúa để uống, không cẩn thận, dễ rước họa.
Dễ nhiễm khuẩn, nấm mốc
GS. Bùi Công Hiển cho biết, hiện nay người ta ăn cả mối cánh. Mối cánh chính là mối sinh sản, sẽ trở thành mối chúa sau này tuy kích thước có nhỏ hơn. Tuy vậy thì dù là mối cánh hay mối chúa, thành phần sinh hóa cũng không khác nhau là mấy. Ở Việt Nam hiện chưa ai tìm hiểu kỹ, cũng chưa có công trình nào nghiên cứu về thành phần dinh dưỡng của loài mối khi sử dụng làm thực phẩm.
Theo truyền miệng trong dân gian thì mối có nhiều chất bổ. Và đương nhiên, cứ bổ là ăn, dù chẳng biết nó có tác dụng đến đâu, tác dụng như thế nào thì cũng không ai thẩm định.
Bản thân con mối không có những chất kịch độc nên có thể không chết khi ăn phải. Tuy vậy, thì ăn mối không có nghĩa là an toàn, không thể mặc định nó là một loại thực phẩm an toàn vì mối sống sâu dưới lòng đất, rất dễ bị nhiễm khuẩn hay nấm mốc.
“Đặc biệt là mối đã chết, mà khi bị bắt thì mối thường chết ngay do da vùng bụng của chúng cực kỳ mỏng, sẽ rách và mối chết sau vài phút. Sau đó không xử lý, chế biến kịp, mối có thể sinh ra những độc tố rất có hại. Nấm mốc, vi khuẩn có trong mối cũng sẽ phát triển. Do đó, không nên coi mối là loại thực phẩm bổ dưỡng, an toàn, có thể ăn bao nhiêu cũng được hay ăn càng nhiều càng tốt”, GS. Bùi Công Hiển chia sẻ.
Theo GS. Bùi Công Hiển, không nên mù quáng nghe theo những lời đồn thổi về tác dụng của mối mà bỏ số tiền lớn ra mua về. Vì dù côn trùng có bổ thì cũng phải biết dùng đúng cách. Ở góc độ nào đó thì con mối là lành tính, có chứa thành phần dinh dưỡng. Tuy vậy cũng không nên coi nó là thần dược bổ dưỡng. Mối không được coi là thực phẩm vì tính chất phá hoại của chúng, người ta không nhân nuôi mối mà chỉ tìm các ổ mối để diệt trừ.
Theo các chuyên gia, côn trùng nói chung khá bổ dưỡng và lành tính, tuy vậy, nếu không biết cách chế biến hoặc ngâm rượu uống thì sẽ rất nguy hiểm. Ví dụ như loài có nọc độc, bọ xít, ong vò vẽ… Bởi nếu không biết cách loại bỏ độc tố thì dễ rước họa vào thân, không khéo còn thiệt mạng. Khi bắt côn trùng để chế biến thành thực phẩm không được dùng các loại hóa chất độc. Dù là thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhưng không phải loại côn trùng nào cũng ăn được, nên cần phải dùng những loại côn trùng theo khuyến cáo. Đặc biệt, không dùng côn trùng đã ôi , thiu vì không chỉ các chất trong cơ thể côn trùng đã biến tính, mà thường đã bị nhiễm nấm mốc rất độc hại.
Ngày 30/5/2022, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân có tên N.T.T (60 tuổi) ở Hà Nội với tình trạng suy hô hấp nặng. Trước đó bệnh nhân mua mối sống về rang, ăn không hết thì để thức ăn thừa và lượng mối còn sống vào tủ lạnh bên cạnh các thức ăn nhanh. 5 ngày sau, bà có biểu hiện lạ. BS. Nguyễn Bá Cường, Trung tâm Hồi sức tích cực, cho biết khi đến viện, bệnh nhân đã suy hô hấp rất nặng, phổi không còn đảm bảo được chức năng thông khí ngay cả khi hỗ trợ máy thở tối đa. Liệu pháp ECMO (hồi sức tim phổi ngoài màng cơ thể) được áp dụng, bên cạnh các biện pháp hồi sức tích cực: kháng sinh, kháng nấm, lọc máu, vận mạch… Ngay trong ngày 30/5, bệnh nhân được nội soi phế quản xuất hiện nhiều các mảng giả mạc thùy dưới phổi 2 bên, các bác sĩ nghĩ ngay đến nấm. Tất cả các mẫu bệnh phẩm đường thở đều có kết quả nhuộm soi ra nấm sợi, kết quả cấy ra Aspergillus fumigatus. Hình ảnh giải phẫu bệnh giả mạc ra Aspergillus fumigatus tập trung nhiều thành đám. Đến ngày 4/6, mặc dù được các y bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng tình trạng bệnh nhân không cải thiện và bệnh nhân đã tử vong sau 6 ngày điều trị tích cực. |