Cây cối bị chủ rừng phát khô chờ ngày đốt nằm xen lẫn giữa các vùng rừng nguyên sinh nghèo kiệt và vùng keo mới trồng.
Vùng lòng hồ Ngàn Trươi hiện có khoảng vài trăm héc-ta rừng giao lâu dài cho người dân sản xuất. Những vùng rừng này chủ yếu nằm ở phía ngoài, nơi được coi là cửa ngõ để vào vùng lòng hồ... Trong số diện tích này, đại đa số là rừng tự nhiên nghèo kiệt, vừa mới được quy hoạch và giao cho dân theo Đề án giao đất gắn với giao rừng của tỉnh.
Một số hộ dân bất chấp việc đi lại khó khăn, thậm chí là nguy hiểm để vào chăn nuôi trong vùng lòng hồ. Vị trí làm lán trại đang nằm thấp hơn mốc bị ngập nếu tích nước đạt đỉnh...
Tuy nhiên, cũng có những vùng đồi đã được trồng keo nguyên liệu theo các chương trình, dự án do nhà nước đầu tư trước đây, nay được giao lại cho dân sản xuất được 1-2 chu kỳ. Đây là những vùng rừng không có đường sá đi lại, núi cao, đồi dốc, không thuận lợi cho sản xuất cũng như khi thu hoạch, nên hiện tại các chủ rừng đang tùy ý canh tác...
Việc chăn nuôi trong vùng lòng hồ còn gây ô nhiễm nguồn nước
Dù thấy những tác động tiêu cực cũng như dự báo được các nguy cơ có thể xẩy ra nếu tình trạng này kéo dài, diễn ra rầm rộ nhưng chính quyền địa phương, kiểm lâm, Vườn quốc gia Vũ Quang và các lực lượng chức năng khác không thể can thiệp sâu. Điều này dẫn đến việc thời gian gần đây, người dân vào khu vực đầu vùng lòng hồ để làm trang trại, chăn nuôi hoặc phát dọn thực bì, đốt cây, chuẩn bị đất để trồng mới hay tái trồng keo diễn ra hàng ngày...
Do tình trạng đốt phá tùy tiện, tràn lan, không kiểm soát, nên vùng của ngõ lòng hồ trở nên loang lổ, thậm chí là bị "cạo trắng". Xen lẫn những ngọn đồi keo non lún phún mọc là những khu vực cây cối bị chặt, những vạt lớn cành lá khô chuẩn bị đốt. Ở những nơi người dân đốt chưa chưa kịp dọn để trồng thì gỗ mục nằm ngổn ngang, mun tro vương vãi khắp mặt đất, quang cảnh hoang tàn...
Gỗ mục nằm ngổn ngang trong vùng hồ Ngàn Trươi
Thực trạng trên còn được dự báo sẽ gây ra nhiều hệ lụy xấu khác. Cụ thể là cảnh quan, môi sinh, môi trường tại khu vực được quy hoạch làm du lịch trong tương lai sẽ sẽ bị ảnh hưởng. Các vùng đồi dốc, cao bị cạo trọc để trồng keo có thể dẫn đến sạt lở đất đá, xói mòn gây bồi lắng lòng hồ. Trong quá trình người dân vào sản xuất sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý, đảm bảo ANTT, thậm chí là mất an toàn trong đi lại, khai thác, vận xuất...
Trước thực trạng này, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần có phương án kiểm soát tình hình để tránh những sự cố đáng tiếc và hạn chế tối đa những hệ lụy xấu có thể xẩy ra.