Thông tin này được các nhà khoa học công bố trên tạp chí Nature Geoscience. Đứng đầu nhóm nhà khoa học nghiên cứu, nhà khoa học Vlada Stamenković tiết tiết lộ, nước mặn ngay dưới bề mặt Sao Hỏa hiện tại có thể chứa đủ oxy để hỗ trợ sự sống đơn giản như vi khuẩn.
"Phát hiện mới này có thể hoàn toàn thay đổi sự hiểu biết của chúng ta về tiềm năng cho sự sống trên sao Hỏa trong tương lai. Trước đó, chúng ta chưa bao giờ nghĩ rằng oxy có thể góp phần vào sự sống trên Sao Hỏa vì chúng có quá ít trong bầu khí quyển hành tinh này. Tuy nhiên, thực tế lượng oxy có thể được giải phóng ở sao Hỏa nhiều điểm khác nhau. Đặc biệt ở vùng cực sẽ cao hơn", ông Vlada Stamenković cho biết.
Sao Hỏa có thể có đủ oxy cho sự sống đơn giản
Để làm rõ hơn, Vlada Stamenković và các nhà nghiên cứu đã xây dựng mô hình mô tả cách thức oxy được giải phóng trong nước mặn. Sau đó xây dựng cách thức để phán đoán những biến đổi về khí hậu trên Sao Hỏa trong 20 triệu năm qua và trong 10 triệu năm tới.
Kết quả nghiên cứu hẳn sẽ khiến nhiều người bất ngờ bởi dù lượng oxy trong bầu khí quyển sao Hỏa rất thấp, nhưng thực tế có thể đủ để tạo ra một môi trường mà vi khuẩn có thể tồn tại được. Sao Hỏa thậm chí có thể giữ lượng oxy còn cao hơn so với Trái đất vào thời điểm 2,4 tỷ năm trước.
Trước đó, theo tờ New York Times, cơ quan Hàng không Vũ trụ châu Âu đã tuyên bố rằng radar đã phát hiện ra có một hồ chất lỏng dưới lòng đất rộng 12 dặm (gần 12 km) gần cực Nam sao Hoả. Hồ nước này được cho là tương tự như các hồ ngầm được phát hiện trên Trái Đất ở Greenland và Nam Cực.
Hiện tại, trong sứ mệnh khám phá sao Hoả, NASA sẽ tiếp tục đưa xe tự hành không người lái Mars 2020 lên sao Hỏa vào khoảng tháng 7 và tháng 8/2020. Mars 2020 được thiết kế dựa trên mẫu tàu tiền nhiệm Curiosity đã được đưa lên sao Hỏa năm 2012 với nhiệm vụ tiếp tục tìm hiểu các tầng địa chất bên dưới và trên bề mặt của Sao hỏa, thu thập các mẫu đất, đá nhằm phát hiện dấu hiệu về sự sống của các loài vi khuẩn.