Can Lộc đã sớm tổ chức tuyên truyền, quán triệt chủ trường sáp nhập xã đến tận cơ sở, tạo tâm lý sẵn sàng cho người dân.
Thực hiện các nghị quyết, chủ trương của trung ương, tỉnh về sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, Can Lộc đã tập trung vào cuộc quyết liệt ngay từ đầu trong việc đánh giá, rà soát các xã không đạt 2 tiêu chí và xây dựng phương án, đề án sáp nhập.
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Can Lộc Đặng Trần Phong, công tác chuẩn bị cho sáp nhập xã được Can Lộc tập trung từ rất sớm. Khi có chủ trương, Can Lộc đã nhanh chóng vào cuộc tổ chức rà soát toàn bộ các xã, thị trấn và xác định các xã không đảm bảo 50% của cả 2 tiêu chí, buộc phải sắp xếp.
Được biết, cùng với rà soát, đánh giá, Can Lộc còn chủ động triển khai sớm công tác tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ nắm bắt sớm được chủ trương sáp nhập xã để tạo sự đồng thuận. Theo đó từ năm 2018 đến nay, trong các cuộc họp, hội nghị, các địa phương đều tuyên truyền, phổ biến thêm nội dung về sáp nhập xã để thông tin cho người dân và đội ngũ cán bộ nắm bắt.
Đảng viên các xã bày tỏ ý kiến bằng phiếu về sáp nhập xã Khánh Lộc với Vĩnh Lộc
Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021, Can Lộc sẽ thực hiện sắp xếp 8 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 3 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 5 xã. Trong đó, Can Lộc có 2 cụm phải tiến hành sáp nhập thành một xã mới gồm: Kim Lộc, Song Lộc và Trường Lộc; Khánh Lộc, Vĩnh Lộc và Yên Lộc; sắp xếp xã Tiến Lộc với thị trấn Nghèn thành 1 xã.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Lộc Trần Xuân Hoài: Ban đầu khi xây dựng phương án sáp nhập Vĩnh Lộc với Khánh Lộc, địa phương tổ chức lấy ý kiến người dân, gần như 100% bà con đồng thuận ngay. Tuy nhiên, 2 xã nhập lại một vẫn không đảm bảo theo tiêu chí nên phải điều chỉnh sáp nhập thêm xã Yên Lộc. Khi điều chỉnh phương án, xã tuyên truyền, phổ biến rõ thông qua các hội nghị, cuộc họp tại thôn xóm và bà con đều bày tỏ sự đồng tình.
Cùng với công tác thông tin tuyên truyền, hiện nay, Can Lộc cũng đã xây dựng các phương án sắp xếp cán bộ, công chức khi sáp nhập. Theo báo cáo của UBND huyện, tổng số CBCC, người hoạt động không chuyên trách của 8 xã sáp nhập là 145 cán bộ công chức và 283 người hoạt động không chuyên trách. Sau sáp nhập, dự kiến số CBCC dôi dư đến năm 2025 khoảng 82 người.
Trụ sở UBND xã Song Lộc đang được sửa sang, nâng cấp để trở thành trung tâm hành chính của xã mới sau sáp nhập
Đối với số cán bộ, công chức dôi dư này, hiện nay, huyện đã xây dựng một số phương án xử lý. Trong đó từ nay đến 2021 sẽ có 7 người nghỉ theo chế độ, 10 người tinh giản và 4 người được điều chuyển sang các xã khác còn thiếu cán bộ, công chức. Còn lại 61 cán bộ, công chức, người không chuyên trách hiện nay Can Lộc đang tiếp tục tính toán, sắp xếp.
“Huyện đang tiếp tục tính toán các phương án sắp xếp cán bộ, trong đó các địa phương khi có khuyết các vị trí cán bộ thì không bổ nhiệm, không bầu thêm để chuẩn bị cho sáp nhập. Trong đợt đại hội MTTQ các xã vừa qua, tại các xã thuộc diện sáp nhập, huyện chỉ đạo bố trí trưởng đoàn thể kiêm nhiệm Chủ tịch MTTQ” - Phó Bí thư Huyện ủy Thường trực Đặng Trần Phong cho biết thêm.
Để chuẩn bị cho việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, sau Đại hội MTTQ xã, Khánh Lộc bố trí Bí thư Đoàn xã Nguyễn Thế Bảo kiêm Chủ tịch UBMT xã
Theo lãnh đạo các địa phương thuộc diện sáp nhập, một trong những trăn trở lớn nhất trong quá trình triển khai việc sáp nhập xã hiện nay là bố trí đội ngũ cán bộ nhất là ở các vị trí đoàn thể chính trị xã hội như: Đoàn thanh niên, Hội LHPN, Hội Nông dân… Chính vì vậy, việc ban hành các chính sách phù hợp cho các đối tượng dôi dư là vấn đề hết sức quan trọng.
Ngoài ra, theo ông Đặng Trần Phong, việc triển khai sáp nhập xã rất gần với đại hội Đảng ở cơ sở. Để thuận lợi cho việc triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, rất mong Trung ương, tỉnh sớm có hướng dẫn về cơ cấu, số lượng chấp hành, quy định số lượng cấp phó ở các xã sáp nhập để các địa phương chủ động xây dựng các phương án.