Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cùng lãnh đạo sở, ngành, địa phương liên quan tiếp và làm việc với đoàn
Đoàn đã khảo sát và nắm bắt tình hình thực tế việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã tại thị xã Hồng Lĩnh và huyện Đức Thọ.
Theo Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thị xã Hồng Lĩnh có 1 đơn vị hành chính cấp xã là xã Thuận Lộc chưa đạt 50% về 2 tiêu chuẩn diện tích và dân số, phải tiến hành sắp xếp trước năm 2021.
Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh Trần Quang Tuấn đề xuất với đoàn công tác chưa sáp nhập xã Thuận Lộc với phường Nam Hồng trong giai đoạn 2019 - 2021 vì một số yếu tố đặc thù.
Trên cơ sở đánh giá, khảo sát về điều kiện tự nhiên, địa lý, dân cư, Hồng Lĩnh sẽ tiến hành sáp nhập xã Thuận Lộc với phường Nam Hồng. Tuy nhiên, nếu sáp nhập trong thời điểm hiện nay sẽ ảnh hưởng đến phong trào chỉnh trang đô thị và lộ trình xây dựng thị xã lên đô thị loại III; việc lựa chọn đặt trung tâm hành chính khó khăn do trụ sở hành chính tại Nam Hồng (phường có dân số đông hơn) đang bị xuống cấp, chật chội, không đáp ứng yêu cầu.
Từ thực tế đó, thị xã Hồng Lĩnh đề xuất với đoàn công tác chưa sáp nhập xã Thuận Lộc với phường Nam Hồng trong giai đoạn 2019 - 2021.
Tại Đức Thọ, đoàn đã nghe huyện báo cáo phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đức Thọ Thái Ngọc Hải: Đề xuất Trung ương sớm ban hành các cơ chế, chính sách cho cán bộ dôi dư sau sắp xếp
Đức Thọ sẽ tiến hành sắp xếp 28 xã, thị trấn, còn lại 16 xã, thị trấn, giảm 12 xã. Sau sáp nhập, ở Đức Thọ có 1 trong số 9 xã mới chưa đạt về diện tích, 4 trong 9 xã mới vẫn chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích và quy mô dân số theo quy định.
Tuy nhiên, do đã sáp nhập từ 2 đơn vị cấp xã lại, cộng với các yếu tố đặc thù nên không thể sáp nhập thêm các đơn vị hành chính khác nữa.
Vì vậy, tại buổi khảo sát, Đức Thọ kiến nghị với đoàn công tác thống nhất với phương án sáp nhập xã của huyện. Các trường hợp sau khi sáp nhập 2 đơn vị hành chính nhưng vẫn không đạt theo các tiêu chí về dân số và diện tích thì mong Trung ương quan tâm, tôn trọng ý kiến của bà con và các yếu tố về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, ANTT…
Lãnh đạo huyện Đức Thọ cũng kiến nghị với Trung ương sớm ban hành các chính sách cho đội ngũ cán bộ dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập xã…
Phát biểu tại buổi khảo sát, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn khẳng định, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã nhằm đạt mục tiêu cao nhất là giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động để phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Với mục tiêu đó, các địa phương cần tập trung tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn tiếp thu các kiến nghị của các địa phương, đồng thời lưu ý Hà Tĩnh là địa phương tiên phong trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, những gì có thể tiết kiệm được ngân sách, tạo thuận lợi cho người dân thì Bộ sẽ hết sức tạo điều kiện, ủng hộ; song, vẫn phải đảm bảo theo các nội dung của Nghị quyết của Trung ương, quy định của pháp luật và có phương án, đề án hợp lý.
Dịp này, Đoàn công tác của Chính phủ đã đến dâng hương tại Khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú