Tháng 4/1963, đang là học sinh của Trường Sỹ quan Lục quân (nay là Trường Sỹ quan Lục quân I) ở Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây, tôi được Ban Giám hiệu điều động bổ sung vào Đài Truyền thanh nhà trường, trực thuộc Phòng Chính trị.
Chỉ mấy hôm sau, vào một buổi sáng, tôi đang ngồi sửa lại tin bắn đạn thật của các học viên quân đội nước ngoài trực thuộc Tiểu đoàn I thì được anh Sĩ Cầm, thủ trưởng trực tiếp của đài, ghé tai nói nhỏ: Bác sắp lên thăm trường. Tôi cùng anh Văn Dinh, chị Như Hoa được cử đi theo làm tin, bài phản ánh chuyến đi của Bác. Tin vui đến quá đột ngột làm tôi bàng hoàng, sửng sốt phải hỏi lại anh Cầm đến vài lần mới biết đó là thật.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp tại Hội nghị cán bộ cao cấp toàn quân, ngày 11/5/1969 (Ảnh Tư liệu)
Đúng 8h30’, đoàn xe chở Bác và các đồng chí trong đoàn từ từ tiến vào cổng trường. Cùng đi có Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp, Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký của Bác cùng nhiều đồng chí khác.
Sau nghi lễ duyệt đội danh dự, Bác bắt tay chào hỏi lãnh đạo nhà trường, tươi cười vẫy tay chào mọi người, rồi bất ngờ Người đi thẳng xuống lớp mẫu giáo và xem nơi ăn ở của sinh viên. Bác ân cần thăm hỏi sức khỏe, công việc của các cô giáo rồi tự tay chia kẹo cho từng cháu. Thấy các sinh viên trẻ của trường đứng vòng ngoài vươn tay vào xin kẹo, Bác cười bảo: “Đây là phần của các cháu nhỏ. Còn các chú bộ đội muốn ăn thì ra phố mà mua, ngoài đó bán nhiều lắm!”. Nghe vậy, tất cả đều cười vang.
Khi đoàn đi thăm nhà ăn, thấy tôi và chị Như Hoa lỉnh kỉnh dây nhợ, micro, vai trĩu nặng máy ghi âm. Bác hỏi: “Nhà báo à?”. Rồi Người ân cần vỗ vỗ vào vai tôi. Tôi cảm động, sung sướng quá, không biết nói sao. May có Đại tá Mạnh Quân - Phó Hiệu trưởng chạy lại, giới thiệu: “Thưa Bác, hai đồng chí này là phóng viên của Đài Truyền thanh nhà trường ạ!”.
Bác thân mật hỏi han sức khỏe, nội dung, chương trình phát của đài, rồi căn dặn: Nhà trường có hệ thống truyền thanh để thông tin chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, thông tin hoạt động của trường cho sinh viên là rất tốt. Đặc biệt, trường ta có nhiều sinh viên là quân đội của các nước bạn nên các cháu phải gắng học thêm ngoại ngữ để có điều kiện giao lưu, trao đổi và phản ánh tình hình học tập của các bạn quốc tế lên đài. Như thế, các bạn ấy sẽ phấn khởi và gắn bó với đài nhà trường hơn.
Lời dặn dò chí lý của Bác trở thành quyết tâm phấn đấu của đời tôi. Sau này, khi trở thành nhà báo chuyên nghiệp của quân đội, mặc dù những năm 70 chiến tranh ác liệt, cuộc sống thiếu thốn đủ đường, nhất là giáo trình, sách vở để học ngoại ngữ, tôi và các đồng nghiệp vẫn cố gắng vượt qua mọi khó khăn để theo học lớp tiếng Anh do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức. Quả thật, tiếng Anh, tiếng Nga thời bấy giờ đã giúp chúng tôi vượt qua rào cản ngôn ngữ mỗi khi tiếp xúc với các đồng nghiệp và bạn bè quốc tế.
Lần thứ hai tôi được gặp Bác là vào năm 1969. Dù sức khỏe của Người không được tốt, song việc đến thăm Hội nghị cán bộ cao cấp toàn quân lần này với Bác là rất hệ trọng. Sau khi nhận lời đề nghị của Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp, Bác bàn bạc với cấp dưới và anh em phục vụ làm sao để sự xuất hiện của Bác làm cho các tướng lĩnh, chỉ huy ở các chiến trường về đều an lòng khi thấy Bác vẫn khỏe mạnh. Một kế hoạch “nghi binh, nghi tướng” được đặt ra rất tỉ mỉ. Bác giao anh Vũ Kỳ đi khảo sát trước. Thấy địa điểm Bác gặp gỡ chỉ cách nhà sàn Bác ở khoảng 300m, anh Vũ Kỳ đề xuất bí mật đưa Bác vào cửa này làm cho mọi người bị bất ngờ khi chỉ chăm chăm nhìn ra cửa chính.
Đúng thế. Lúc 16h15’ ngày 11/5/1969, trong lúc mọi người, kể cả cánh nhà báo bọn tôi, đang dán mắt, nhón chân, giương máy “đón lỏng” phía cửa chính hội trường thì anh Vũ Kỳ đã dắt Bác bí mật bước vào tấm rèm cửa phía sau, đỡ Người ngồi ngay ngắn vào chiếc ghế dành sẵn chính giữa, bên cạnh các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng. Khi chờ mãi không thấy Bác đâu, các tướng lĩnh, phóng viên quay vào hội trường thì bỗng giật mình, Người đã ngồi ở đó. Từ chỗ ngạc nhiên, im ắng, bỗng cả phòng họp vang lên tiếng hô: “Hồ Chủ Tịch muôn năm!” cùng với những tràng pháo tay như sấm dậy.
Đưa cặp mắt hiền từ nhìn khắp lượt, Bác thân mật hỏi thăm: “Các chú có khỏe không?”
- Thưa Bác, chúng cháu khỏe cả ạ!
- Có vui không?
- Thưa Bác, vui lắm ạ
- Thế là tốt. Vậy các cháu vỗ tay đi!
Cả hội trường lại được dịp rền vang những tràng pháo tay phấn chấn, vui mừng, bởi ai cũng thấy Bác khỏe và rất vui.
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Tổng Tham mưu phó, thay mặt anh em mang hoa lên chúc nhân dịp gần đến ngày sinh của Bác. Bác tươi cười, tự tay rút ra một bông hồng đẹp nhất tặng lại tướng Vũ với cử chỉ thật âu yếm của một người cha đối với những đứa con yêu quý của mình.
“Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi” - Hồ Chí Minh nói lên tình cảm, ước nguyện thống nhất đất nước. Trong ảnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh với các Anh hùng, Dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc (28/2/1969).
Bác hỏi chuyện các đồng chí ở Việt Bắc, các đồng chí quê ở miền Nam, số tướng lĩnh, sỹ quan đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, đoạn Bác quay xuống mọi người, nói: Mấy hôm nay nghe tin đồng bào và chiến sỹ miền Nam đánh mạnh, thắng to, Bác càng thấy khỏe trong người. Bác giải thích về thế và lực giữa ta và địch rất cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, cuối cùng rút ra kết luận: Thế địch thua đã rõ ràng, nhất định chúng sẽ hoàn toàn thất bại. Rồi Bác nhắc nhở: Nói thế nhưng không được chủ quan, thoả mãn. Đế quốc Mỹ còn rất ngoan cố, chưa chịu từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta. Quân và dân cả nước ta còn phải vượt qua nhiều hy sinh, gian khổ mới đi tới thắng lợi cuối cùng.
Cuộc gặp mặt sắp kết thúc một cách trọn vẹn. Anh Vũ Kỳ đang đau đầu nghĩ một kế sách gì để mọi người không thấy được Bác đi lại đã yếu, phải có người đi kèm dắt dìu bên cạnh. Bỗng nghe Bác hô to: “Tất cả đứng dậy!”. Cả hội trường nhất loạt xô ghế đứng cả dậy nhìn lên phía Bác như chờ đợi một điều gì. Bất ngờ hơn khi Bác hô tiếp: “Đằng sau quay. Đi đều bước!”.
Ôi chao! Thật tuyệt vời, Bác của chúng ta! Gần 80 tuổi mà vẫn ứng xử linh hoạt biết bao. Trong lúc mọi người đang lo quay đằng sau và đi đều ra cửa chính hội trường, tôi giơ vội chiếc máy ảnh Zen-nít lên phía Bác, định bấm mấy kiểu, bỗng khựng lại khi thấy Người đi rất khó khăn, hầu như phải dựa cả vào anh Vũ Kỳ. Một nỗi lo lắng mơ hồ khiến nước mắt tôi chợt trào ra và nghe tim mình nhoi nhói…
Không ai ngờ được, đó là buổi gặp gỡ cuối cùng của Bác đối với quân đội thân yêu của mình. Chưa đầy 4 tháng sau, Bác đã tìm về với các cụ Các-mác, Lê-nin!