Dự án máy bay quân sự PAK FA T-50 (nay gọi là Su-57) đã hoàn thành chuyến bay đầu tiên với động cơ mới thế hệ thứ 2. Động cơ mới hiện nay vẫn chưa có tên chính thức và khi sử dụng chúng được gọi với tên “Sản phầm 30”, hãng tin RIA Novostia cho biết.
Su- 57 như "hổ mọc thêm cánh" khi sử dụng động cơ mới. |
Chuyến bay thử nghiệm “Sản phẩm 30” được diễn ra ở Viện nghiên cứu bay Gromov thuộc thành phố Zhukovsky, chuyến bay đầu tiên do phi công trưởng của công ty “Sukhoi” Sergei Bogdan thực hiện.
Qua phân tích hình ảnh và video của chuyến bay có thể thấy, bên ngoài động cơ “Sản phẩm 30” được lắp ở vị trí của động cơ số 1, và động cơ AL-41F-1S “Sản phẩm 117” lắp bên phải thân máy bay. Miệng phun của “Sản phẩm 30” có hình dạng “răng cưa” hơn so với miệng phun phẳng của “Sản phẩm 117”.
Trước khi thực hiện chuyến bay với động cơ mới hôm thứ 3 vừa qua, công ty “Sukhoi” đã thực hiện 9 chuyến bay thử nghiệm phiên 7 máy bay tiêm kích Su-57 với động cơ AL-41F-1S (“Sản phẩm 117”), thực tế đây là động cơ cải tiến dành cho Su-35.
Chuyên gia về không quân Viktor Pryadka, Tổng giám đốc công ty “Liên minh công nghệ hàng không Avintel” đã tiết lộ với đài phát thanh Sputnik về khả năng của Su-57 khi kết hợp với động cơ mới thế hệ thứ 2 “Sản phẩm 30”.
Chuyên gia lưu ý rằng, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Nga cùng với động cơ mới cho phép chúng dễ dàng chiếm được những ưu thế quan trọng trên không khi đối đầu với những chiếc máy bay của kẻ thù tiềm năng.
Ông Pryadka nhấn mạnh đến thực tế rằng, sau khi Su-57 được trang bị “Sản phẩm 30” tốc độ của chúng được cải thiện rõ rệt, khả năng cơ động động học linh hoạt hơn đồng thời tiết kiệm được nhiên liệu.
“Bởi vậy chất lượng trong khai thác sử dụng và khả năng chiến đấu của máy bay Su-57 sẽ được tăng lên đáng kể”, chuyên gia đánh giá về tiềm năng sử dụng động cơ mới.
Theo kế hoạch của không quân Nga, từ năm 2020 thay vì động cơ “Sản phẩm 117”, việc sản xuất hàng loạt động cơ “Sản phẩm 30” sẽ được diễn ra.
Ông chắc chắn rằng, việc sản xuất hàng loạt Su-57 cho quân đội sẽ được tiến hành vào giai đoạn 2028-2029. Chuyên gia giải thích lý do cho sự chậm trễn này là bởi trước khi bắt đầu quyết định lắp đặt chính thức “Sản phẩm 30” cho Su-57 chúng cần phải vượt qua bài kiểm tra và sữa chữa những vấn đề gặp phải trong quá trình lắp ráp và thử nghiệm.
Su-57 là chiếc máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 đầu tiên của Nga, trong đó sử dụng công nghệ tàng hình, vũ khí treo trong thân máy bay và cảm biến đặc biệt. Ngoài ra radar của máy bay có ăng ten mảng pha chủ động với chức năng quét điện tử (AESA) và camera tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại. Cùng với loại động cơ thế hệ mới này, khả năng chiến đấu của chúng được đánh giá cao hơn hẳn các phiên bản cùng thế hệ của Mỹ.