Số ca mắc COVID-19 toàn thế giới gần chạm mốc 360 triệu

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 26/1 (giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 359.968.382 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.636.697 ca tử vong. Số ca hồi phục là trên 285 triệu ca.

Số ca mắc COVID-19 toàn thế giới gần chạm mốc 360 triệu

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong cập nhật tình hình COVID-19 hằng tuần, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết trong tuần tính đến ngày 23/1/2022, thế giới đã ghi nhận hơn 21 triệu ca mắc mới - mức cao nhất tính theo tuần kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên so với tuần trước đó, mức tăng là 5%, và theo WHO, tỷ lệ mắc mới đã tăng chậm hơn trên phạm vi toàn cầu.

Cũng trong tuần trước, thế giới ghi nhận thêm gần 50.000 ca tử vong, mức tương đương một tuần trước đó.

Báo cáo cho thấy Omicron tiếp tục “áp đảo” các biến thể đáng quan ngại khác trên phạm vi toàn cầu. Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc Chương trình Y tế khẩn cấp WHO còn dự báo trong năm nay sẽ có nhiều phương pháp mới điều trị COVID-19 và biến thể tiếp theo của virus SARS-CoV-2 sẽ có khả năng lây lan cao hơn nữa vì chúng phải “vượt mặt” các biến thể đang hoành hành hiện nay. Một điểm đáng lưu ý là phiên bản mới của biến thể Omicron (BA.2) mà các nhà khoa học gọi là “Omicron tàng hình” đã xuất hiện ở châu Âu và châu Á, nay bắt đầu “lộ diện” tại Mỹ.

Với sự lây lan mạnh của biến thể Omicron, nhiều nước châu Âu lại trải qua một ngày buồn khi ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục trong ngày 26/1. Nga thông báo có thêm 74.692 ca mắc mới, mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số ca mắc lên 11.315.801 ca. Số người tử vong vì COVID-19 trên toàn quốc đã lên 328.105 người sau khi có thêm 657 người không qua khỏi.

Số ca mắc COVID-19 toàn thế giới gần chạm mốc 360 triệu

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Berlin, Đức. Ảnh: THX/TTXVN

Viện Robert Koch (RKI) của Đức ngày 26/1 thông báo trong 24 giờ qua, trên cả nước Đức ghi nhận 164.000 ca nhiễm mới, vượt mức kỷ lục trên 140.000 ca ghi nhận cuối tuần trước, và 166 ca tử vong. Chỉ số lây nhiễm trung bình trong 7 ngày qua lên mức 951,4/100.000 dân, mức cao nhất kể từ đầu dịch tới nay và tăng mạnh so với mức 584,4 một tuần trước.

Thụy Điển cũng ghi nhận dấu mốc buồn với 44.944 ca mắc mới trong ngày trước đó, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại nước này. Bộ trưởng Y tế Lena Hallengren cho biết nước này sẽ kéo dài các biện pháp chống dịch thêm 2 tuần.

Nhiều nước Đông Âu như Ba Lan, CH Séc, Hungary, Bulgaria và Romania cũng ghi nhận số ca mắc mới tăng cao. Bulgaria ngày 25/1 ghi nhận 12.399 ca mắc mới, trong khi CH Séc có thêm 39.614 ca. Hungary cũng báo cáo số ca mắc ở mức cao mới trong ngày 26/1 với 20.174 ca, nâng tổng số ca mắc lên 1.471.276 ca.

Số ca mắc COVID-19 toàn thế giới gần chạm mốc 360 triệu

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Vienna, Áo. Ảnh: AFP/TTXVN

Bất chấp dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Đan Mạch và Áo ngày 26/1 đã trở thành những quốc gia mới nhất nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt để chống dịch COVID-19, sau các quyết định tương tự của Anh, Ireland và Hà Lan.

Chính phủ Áo cho biết các biện pháp hạn chế đối với những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ sẽ kết thúc vào ngày 31/1 tới trong bối cảnh các bệnh viện đã giảm tải áp lực. Trong khi đó, Chính phủ Đan Mạch có kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được áp đặt để chống dịch COVID-19, như đeo khẩu trang hay yêu cầu các các quán bar và nhà hàng đóng cửa sớm, từ ngày 1/2 tới.

Trong tuần này, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết nước này sẽ dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế được cho là nghiêm ngặt nhất ở châu Âu. Cụ thể, từ ngày 26/1, các quan bar, nhà hàng có thể mở cửa trở lại phục vụ khách hàng có giấy chứng nhận tiêm chủng, song phải giảm công suất hoạt động.

Những khách hàng không ngồi vào bàn thì phải đeo khẩu trang. Các rạp chiếu phim, rạp hát và viện bảo tàng cũng sẽ được mở cửa trở lại, nhưng các câu lạc bộ ban đêm vẫn phải đóng cửa. Các quy định cách ly đối với trường học cũng sẽ được nới lỏng, với các lớp học sẽ không còn phải đóng cửa nếu có từ 3 người mắc COVID-19 trở lên và các đối tượng dưới 18 tuổi không còn phải cách ly sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh.

Số ca mắc COVID-19 toàn thế giới gần chạm mốc 360 triệu

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình dịch bệnh cũng tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Á. Tại Nhật Bản, số ca mắc COVID-19 mới tiếp tục lập đỉnh, làm gia tăng áp lực y tế tại thủ đô Tokyo. Theo số liệu mới cập nhật chiều 26/1, số ca mắc mới COVID-19 trong ngày tại Nhật Bản đã lên mức cao nhất trong ngày thứ hai liên tiếp khi lần đầu vượt mốc 70.000 ca/ngày, trong khi tỷ lệ sử dụng giường bệnh tại các cơ sở y tế của thủ đô Tokyo đã vượt quá 40%. Trong ngày 26/1, các địa phương trong cả nước đã ghi nhận 71.523 ca mắc mới, trong đó, thủ đô Tokyo ghi nhận con số cao nhất với 14.084 ca, tăng hơn 2.000 ca so với ngày 25/1.

Hàn Quốc ngày 26/1 thông báo có thêm 13.012 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 762.983 ca. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi đẩy nhanh việc triển khai các biện pháp ứng phó nhằm khống chế đà lây lan của biến thể Omicron.

Thái Lan sáng 26/1 ghi nhận thêm 7.587 ca mắc mới cùng 19 trường hợp tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 2.398.944 ca, trong đó có 22.076 người không qua khỏi. Chính phủ Thái Lan đã gia hạn cho tới ngày 31/3 tình trạng khẩn cấp được ban bố sau sự bùng phát của đại dịch COVID-19.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.